Cao điểm mùa hè: Đối mặt nguy cơ thiếu điện
Miền Bắc, miền Trung đang trải qua những ngày nắng nóng kỷ lục, người dân có nhu cầu sử dụng các thiết bị điện giải nhiệt tăng cao, do đó công suất tiêu thụ điện vì thế liên tục lập “đỉnh” mới. Tập đoàn Điện lực Việt Nam lo ngại tình trạng thiếu điện, cắt điện sẽ sớm hiện hữu nếu mỗi người dân, doanh nghiệp tiếp tục sử dụng điện “thả ga”. Dù vậy, để khuyến khích tiết kiệm điện giới chuyên gia nhấn mạnh các quy định, chính sách phải rõ ràng.
“Sốc” với hóa đơn tiền điện
Năm 2025, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh
Dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tỉ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025, không xét năng lượng tái tạo chỉ khoảng 18%. Cụ thể, tỉ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025.Tại miền Bắc, tỉ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%.
Như vậy trong giai đoạn 2023-2025, miền Bắc hầu như không có công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền Trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện. Đáng lưu ý, theo báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.
Gia đình anh Lê Văn Thành (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) nộp tiền điện tháng 6 với số tiền là 3,8 triệu đồng, cao hơn tháng trước gần 1 triệu đồng. Trong những tháng đầu năm, tiền điện của gia đình anh Thành phải nộp chỉ dao động từ 1,3 triệu tới 1,8 triệu đồng.
Tương tự, gia đình chị Trần Ngọc Hoa (phố Tân Ấp, quận Ba Đình, Hà Nội) tiền điện cũng tăng vọt trong tháng 6 là 3,2 triệu đồng, tăng hơn 1 triệu đồng so với tháng 5.
Chị Hoa cho biết: Do trẻ con nghỉ học ở nhà nên điều hòa nhiệt độ sử dụng liên tục, vì thế tiền điện cũng tăng chóng mặt. Dự kiến hóa đơn tiền điện của gia đình chị Hoa trong tháng 7 còn tăng thêm không ít…
Có thể thấy, diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở miền Bắc trong những ngày gần đây đã làm tiêu thụ điện của miền Bắc tăng mạnh. Phía người dân than trời, thậm chí không ít gia đình thực sự “sốc” khi nhận được hóa đơn tiền điện.
Tuy vậy, phía nhà cung cấp điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng lo ngại, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện miền Bắc tăng rất cao do nắng nóng gay gắt kéo dài thì nguồn phát điện cũng gặp khó khăn.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, vào trưa ngày 18/7, công suất tiêu thụ điện của miền Bắc đã lập mức đỉnh mới là 22.800 MW - cao hơn tới khoảng 4.200 MW so với cùng kỳ 2021 (tương đương 22,6%) và cũng cao hơn 500 MW so với mức kỷ lục gần đây nhất là vào ngày 21/6/2022.
Một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố như: Cẩm Phả, Thăng Long, Quảng Ninh, Ninh Bình, Mông Dương 2 với tổng công suất không phát điện được tương ứng khoảng 1.555 MW.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm. Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện.
Ngay việc sử dụng điện trong sinh hoạt thì nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như nguy cơ cháy nổ trong gia đình và để đảm bảo cân đối được cung-cầu điện, EVN đề nghị người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến cáo, trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay tăng rất cao (như than, khí, dầu…) thì việc sử dụng điện tiết kiệm lại càng rất cần thiết và hết sức có ý nghĩa, góp phần giảm bớt chi phí cho hệ thống điện quốc gia.
Thách thức nguồn cung
Với nỗ lực thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2022 nhằm định hướng và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (VNEEP3) giai đoạn 2019 -2030 và rà soát sửa đổi bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. An ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.
Để đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện và an ninh năng lượng nói chung cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Tỉ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025, không xét năng lượng tái tạo chỉ khoảng 18%. Cụ thể, tỉ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Tại miền Bắc, tỉ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h00 đến 22h00. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Như vậy, trong giai đoạn 2023-2025, miền Bắc hầu như không có công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền Trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện.
Đáng lưu ý, theo báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.
Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng khẳng định: Song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Kim cũng cho hay, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Triển khai Chương trình VNEEP3, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025. Theo đó, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, trong đó nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn.
Ở một góc nhìn khác, câu hỏi đặt ra là: Vì sao đang thiếu điện nhưng hàng tỷ kWh điện gió, điện mặt trời bị bỏ đi? Tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, mặt trời là một trong những chìa khóa chuyển đổi năng lượng Việt Nam tiến tới trung hòa cac-bon nhưng do mạng lưới truyền tải không đáp ứng, mỗi năm có hàng tỷ kWh điện bị cắt bỏ đi, đây là một lãng phí rất lớn cho xã hội.
Tiềm năng điện gió của Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá rất cao. Theo các khảo sát, đánh giá sơ bộ, tiềm năng điện gió trên bờ của Việt Nam khoảng 217 GW, điện gió ngoài khơi trên 160 GW. Đặc điểm của điện gió ngoài khơi là có số giờ vận hành thiết bị nhiều, hiệu quả cao.
Mặc dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng gió, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, việc phát triển các nguồn năng lượng gió trong thời gian qua vẫn tiếp tục đối mặt với một số bất cập và thách thức, như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, yêu cầu sử dụng đất lớn.
Hạn chế lớn nhất để phát triển nguồn điện này là cần có cơ chế, chính sách ổn định và lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực về tài chính, cũng như có kinh nghiệm đầu tư, triển khai thực hiện một cách có hiệu quả.
Chính sách tiết kiệm phải rõ ràng
Những mục tiêu trên là thách thức không nhỏ đối với ngành năng lượng Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Huy - Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội đánh giá: Việc sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao hơn để thay thế thiết bị hiệu suất thấp chỉ là một trong số các giải pháp để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Chúng ta có nhiều giải pháp khác như điều chỉnh hành vi của phụ tải điện, thông qua đó giảm việc sử dụng năng lượng như: điều hòa, cắt bớt thiết bị không cần thiết, điều chỉnh khung thời gian sử dụng điện. Nhưng điều này cần thêm cơ chế khuyến khích, cơ sở pháp lý để phía nhu cầu điều chỉnh hành vi, đảm bảo tiết kiệm điện nói chung.
Hiện xét về chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng, cường độ năng lượng, Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 400 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP, cao hơn Thái Lan khoảng 30%, hơn Malaysia khoảng 60%... Con số cho thấy, sử dụng năng lượng tại Việt Nam chưa thực sự hiệu quả.
Về phía quản lý, theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), vấn đề tiết kiệm điện đã được Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều quyết định, chỉ đạo về thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
“Thời gian tới, cần phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế... Đặc biệt, lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Đồng thời, không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam”, ông Vũ quả quyết.
Tuy vậy, để thúc đẩy các chương trình quản lý phía nhu cầu, điều chỉnh phụ tải điện, dịch vụ tiết kiệm điện, giới chuyên gia kiến nghị, cần có các cơ chế chính sách để khuyến khích tài chính, hỗ trợ giá, vay vốn với lãi xuất ưu đãi, giảm thuế... cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Ngoài ra, phải có các quy định về xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức không thực hành tốt trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng: Tiết kiệm điện - bảo tồn tài nguyên quốc gia
Điện năng là sản phẩm đặc thù, ở cả sản xuất tiêu dùng. Ngành điện phát động tiết kiệm điện, tức là khuyến khích người dân giảm tiêu thụ sản phẩm của mình. Việc này không những giảm hóa đơn điện cho người tiêu dùng mà còn mang lại hiệu quả cho ngành điện về chi phí cung ứng sẽ tối ưu hơn, đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng vì giảm được sự cố trong cung ứng điện.
Còn xét trên bình diện tổng thể, tiết kiệm điện trong lúc cao điểm sẽ giảm việc sản xuất điện giá cao, sử dụng năng lượng sơ cấp, đồng nghĩa việc bảo tồn tài nguyên quốc gia, giảm phát thải nhà kính... Và ở mọi quốc gia đều có chính sách về tiết kiệm điện.
Một trong những thiết bị tiêu tốn điện ở các gia đình trong mùa nóng là điều hòa, có thể chiếm tới 30-60% tổng hóa đơn điện vào mùa nóng. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C, tiêu thụ điện điều hòa tăng 2-3%; sử dụng hạ thấp 1 độ C điều hòa thì tiêu thụ điện điều hòa tăng 1,5-3%. Như vậy, ngay cả khi chúng ta không điều chỉnh nhu cầu sử dụng thì tiêu thụ điện cũng tăng thêm.
Ngoài ra, với giá điện bậc thang nhằm khuyến khích tiết kiệm điện cũng làm hóa đơn điện tăng cao. Do vậy, người dân nên sử dụng thiết bị điện đúng khuyến cáo.