Ngôi làng của những người có tài hóa vàng đồ vật
Dân gian vùng tả ngạn Sông Hồng vẫn rao rằng: “Sống làm trai Bát Tràng, chết làm Thành Hoàng Kiêu Kỵ”, câu nói nửa đùa nửa thật nhưng từ đó cũng thấy điều đặc biệt ngôi làng của những người có tài dát vàng đồ vật này, đó chính là sự trù phú nhiều đời.
Giá trị của sản phẩm dựa trên sự tỉ mỉ
Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 20 km về hướng Đông Nam, làng nghề Kiêu Kỵ hiện lên với dáng vẻ cổ kính, trầm mặc bên bờ sông Bắc Hưng Hải chia địa giới của hai tỉnh Hà Nội và Hưng Yên. Từ hàng trăm năm trước, người dân đã lưu truyền câu đồng ca: “Bát Tràng làm bát, Kiêu Kỵ giát vàng”, ấy là để ám chỉ một làng nghề phát triển và giàu có chỉ với nghề quỳ vàng bạc lên các đồ vật.
Mới chỉ bước đến cổng làng, khung cảnh mộc mạc và trù phú hiện ra với giếng nước, mái đình quen thuộc của làng quê Việt, kế bên đó là những cửa hiệu bán các sản phẩm dát vàng nghệ thuật. Sự lấp lánh tỏa ra từ những bông hoa sen, tỳ hưu, tấm tranh níu lấy điểm nhìn bất cứ ai đi qua đây.
Từ sâu trong các con ngõ nhỏ, tiếng búa vang trên đe vọng lên từng hồi chan chát át cả tiếng người nói. Đi sâu hơn một chút, công xưởng của nghệ nhân Nguyễn Anh Chung (Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dát vàng bạc Kiêu Kỵ) hiện lên với dáng vẻ nhỏ nhắn.
Cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra cũng là lúc những người thợ tại xưởng của ông Chung đang tất bật chuẩn bị cho những đơn hàng mới. Mỗi người một tay một việc, từ chạ vàng, xếp vàng thành lá cho đến vẽ keo. Hơn 20 năm làm nghề và được gia đình truyền dạy từ nhỏ, bàn tay ông Chung đi từng nét vẽ, vừa nhanh nhẹn vừa dứt khoát. Cây bút thanh thoát và nhẹ hẳn đi trong lòng bàn tay người nghệ nhân.
Ông Chung chậm rãi tâm sự về nghề quỳ vàng: “Nghề này rất tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên trì, nóng vội không làm được. Từ một chỉ vàng dát mỏng lên các đồ vật, tính ra khoảng bốn mươi công đoạn mới ra được sản phẩm. Nghề nào thì cũng phải cạnh tranh. Nghề dát vàng, bạc cần kỹ thuật cao mới cho ra sản phẩm đẹp đòi hỏi tất cả những hội viên đến nghệ nhân đều phải học hỏi, tìm hiểu, sao cho khi dát vàng, bạc lên nó phải rộng, đẹp sản phẩm”.
Có người nói rằng nghề này chỉ ngồi một chỗ chứ không dãi dầu nắng mưa thì chẳng có gì để khổ là không đúng. Chính vì phải tỉ mỉ và kỳ công nên người thợ rất áp lực.
Từng lá vàng được chạ, đánh ra sao cho thật mỏng và bé chỉ bằng một đốt ngón tay của người trưởng thành, tưởng chừng mong manh như lá trầu không vậy.
Các công đoạn phải căn ke kỹ lưỡng thời gian và tỉ lệ thường dựa vào kinh nghiệm và tay nghề cá nhân. Chỉ cần thợ dát làm nhăn một chút, sản phẩm sẽ trượt giá rất nhiều.
Giữ sợi chỉ vàng đi qua thăng trầm
Đời dâu bể là thế nhưng những lớp thợ thủ công tại ngôi làng 400 năm tuổi này vẫn mãi gìn giữ nghề dát vàng. Không chỉ vậy, họ còn tiếp tục cải tiến chất liệu, đem lại những sản phẩm độc đáo đến với người tiêu dùng.
"Những nghệ nhân như anh em chúng tối rất cố gắng tìm tòi, thử nghiệm dát trên các nguyên vật liệu mới. Trước kia chỉ làm trên gỗ thôi, bây giờ phát triển thêm làm trên đồng, đá, trên gốm sứ, nhựa Composite, đảm bảo bền đẹp. Vấn đề kỹ thuật đi trên gốm sứ công đoạn rất khó khăn. Tất cả các họa tiết đã được các nghệ nhân Bát Tràng in sẵn rồi. Do đó các đường nét dát vàng phải rất tỉ mỉ. Độ gọn, độ nét khi dát lên phải đảm bảo giữ nguyên được tác phẩm trên gốm”, Nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng (làng nghề dát vàng bạc Kiêu Kỵ) cho biết
Để tìm ra được cách hóa vàng những đồ vật làm bằng gốm, anh Hùng phải trải qua không ít những lần thất bại, keo không dính, vàng bị nhăn, sản phẩm trông thô sơ,… Thế nhưng bằng một cách anh Hùng vẫn không từ bỏ công cuộc khám phá của mình đối với nghề dát vàng. Nhờ đó những mẫu mã mới đã được ra đời, làng nghề từng bước chuyển mình để phù hợp với thị hiếu hiện đại.
Nhờ lớp thợ trẻ đi lên, các sản phẩm của làng nghề Kiêu Kỵ cũng đa dạng và bình dân hóa, từ các sản phẩm tinh xảo chuyên dành để trang trí ban thờ tại các gia đình hoặc các tổ chức lớn cho đến các sản phẩm thường ngày như viền gương, tranh, các loại bình nhỏ cắm hoa để bàn…
Đặc biệt, nhiều khách hàng đã từng đến đây bày tỏ sự thích thú với các mặt hàng hoàng phi câu đối, tượng vàng, văn thư treo tường. Màu vàng óng những tác phẩm của nghệ nhân làng Kiêu Kỵ đại diện cho sự thịnh vượng, giàu sang, phú quý của gia chủ. Để sở hữu được một bộ đồ trang trí tại đây cho bàn thờ tại nhà nhiều người sẵn sàng chi đến hàng trăm triệu đồng.
Anh Nguyễn Quang (người dân tại Văn Giang, Hưng Yên) chia sẻ: “Đồ dát vàng của làng Kiêu Kỵ từ xưa đến nay đã có tiếng rồi, để mua được phải trả giá rất cao và có thể phải đặt trước nhiều tháng. Đầu năm nay, chúng tôi cũng cùng nhau mua một tấm hoành phi câu đối cho nhà thờ tổ của dòng họ có giá 30 triệu đồng. Dù vậy đây vẫn là mức rẻ so với các bức khác”.
“Chết làm Thành Hoàng Kiêu Kỵ”
Là một nghệ nhân lâu năm trong làng, ông Nguyễn Thiện Hồng Anh đã phần nào cho biết mức thu nhập cho những hộ dân làm nghề nơi đây đều thuộc diện tương đối, nhờ vậy các thế hệ sau mới có điều kiện để phát huy.
Hiện nay, một số bạn trẻ nơi đây vẫn còn theo nghề cha ông và thậm chí họ còn áp dụng thêm những hiểu biết về mạng xã hội và internet để quảng bá cho làng nghề.
Dân gian vùng tả ngạn Sông Hồng vẫn rao rằng: “Sống làm trai Bát Tràng, chết làm Thành Hoàng Kiêu Kỵ”, câu nói nửa đùa nửa thật nhưng từ đó cũng thấy điều đặc biệt của ngôi làng của những người có tài dát vàng đồ vật này. Nhờ ăn nên làm ra, mỗi khi hội làng đến họ dâng nhiều sản vật, mâm cao cỗ đầy để tỏ lòng biết ơn người khai sinh ra đất này.
Mỗi năm một lần vào khoảng lập đông, con cháu cả làng sẽ tề tựu lại nơi đây để làm lễ cúng bái, cầu cho công việc thuận lợi, bề trên phù hộ, nhà cửa ấm no. Đó là nét đẹp của làng và cũng là nét đẹp của nông thôn Việt Nam.
Thời gian qua, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nghề dát vàng bạc Kiêu Kỵ cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những người làm nghề dát vàng bạc ở Kiêu Kỵ đã không ngừng nâng cao tay nghề, mở rộng các sản phẩm.
Cho đến thời điểm này, làng nghề Kiêu Kỵ là làng duy nhất của Việt Nam có nghề dát vàng bạc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ghi danh Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.