Mỗi bạn trẻ kiều bào là một ‘Đại sứ tiếng Việt’

THÁI NHUNG (thực hiện) 24/07/2022 09:57

Chương trình “Trại hè Việt Nam 2022” vừa được khai mạc tại TP Vinh - Nghệ An. Dịp này ông Mai Phan Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã chia sẻ về chương trình trại hè, đặc biệt là cuộc thi kể chuyện tiếng Việt lần đầu tiên diễn ra nhằm tìm kiếm những “Đại sứ tiếng Việt” góp phần tích cực vào việc dạy và học tiếng Việt, gìn giữ và phát huy ngôn ngữ mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Mai Phan Dũng

PV: Sau 2 năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tổ chức Trại hè Việt Nam năm 2022. Xin ông cho biết về những điểm mới của chương trình năm nay?

Ông Mai Phan Dũng: Nhằm đáp ứng tình cảm và nguyện vọng của đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ kiều bào, kể từ năm 2004, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức chương trình Trại hè Việt Nam thường niên dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Đến nay, Chương trình đã thu hút sự tham gia của gần 2.000 bạn trẻ từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sau 2 năm gián đoạn, sự trở lại của Trại hè Việt Nam năm nay thực sự mang lại nhiều háo hức, mong chờ cho các bạn trẻ. Chương trình năm nay tiếp tục bám sát các mục tiêu chung của Trại hè Việt Nam các năm trước. Thông qua hoạt động thăm quan, tìm hiểu các di sản văn hóa, di tích lịch sử để giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm của thanh niên kiều bào với Tổ quốc, đồng thời thể hiện đóng góp của thế hệ trẻ kiều bào đối với quê hương, đất nước.

Bên cạnh đó, Trại hè Việt Nam năm nay còn có một số hoạt động mới như: Phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức vinh danh kiều bào trẻ có thành tích xuất sắc và những đóng góp cho cộng đồng; Tổ chức tọa đàm về phát huy nguồn lực kiều bào trẻ nhằm tăng cường nhận thức, kết nối các em với các cơ quan, tổ chức, địa phương trong nước, khuyến khích và tạo điều kiện để thế hệ kiều bào trẻ hướng về quê hương, đất nước; Tổ chức cuộc thi kể chuyện bằng tiếng Việt nhằm tăng cường giao lưu, gắn kết bền chặt với văn hóa truyền thống và ngôn ngữ dân tộc, thúc đẩy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cũng như trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy tiếng Việt ở nước ngoài”

Trong các hoạt động ông vừa nêu, cuộc thi kể chuyện tiếng Việt là hoạt động lần đầu tiên diễn ra trong chương trình trại hè. Lý do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hoạt động này cho thanh niên là gì? Ông kỳ vọng thế nào vào hiệu quả của hoạt động này?

- Việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt luôn là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc đối với mỗi người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Ngôn ngữ là chìa khóa quan trọng trong việc kết nối với cội nguồn, cố kết cộng đồng và phát huy, quảng bá những giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc với bạn bè quốc tế.

Nhiệm vụ đẩy mạnh phổ biến tiếng Việt ở nước ngoài đã được khẳng định trong nhiều văn kiện chính trị và pháp lý, việc triển khai các biện pháp nhằm giữ gìn và phát huy tiếng Việt ở trong và ngoài nước cũng đang được các bộ, ngành, cơ quan tổ chức thực hiện một cách bài bản, mạnh mẽ.

Hoạt động thi kể chuyện bằng tiếng Việt trong khuôn khổ chương trình Trại hè Việt Nam năm nay được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ kiều bào về giá trị, ý nghĩa và sự giàu đẹp của tiếng Việt; thấu hiểu được giá trị cốt lõi, tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng Việt; từ đó khuyến khích và lan tỏa việc dạy và học tiếng Việt, nâng cao ý thức trách nhiệm của các em trong việc bảo tồn và phát huy sự trong sáng, giá trị của ngôn ngữ dân tộc.

Thông qua hoạt động ý nghĩa này, chúng tôi hy vọng có thể lan tỏa tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ đến các đại biểu thanh niên, sinh viên kiều bào, tạo ra những “Đại sứ tiếng Việt” ở mỗi địa bàn có người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc, góp phần tích cực vào việc dạy và học tiếng Việt, gìn giữ và phát huy ngôn ngữ mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi tin tưởng ngôn ngữ sẽ là một sợi dây bền chặt gắn kết các em với quê hương, cội nguồn dân tộc.

Kiều bào trẻ trồng cây lưu niệm trong khu di tích Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An). Ảnh: Thái Nhung.

Ông có thể cho biết khái quát về những thành tích trong học tập cũng như công tác cộng đồng của các đại biểu thanh niên người Việt Nam ở nước ngoài tham gia Trại hè Việt Nam năm nay?

- Tiêu chí lựa chọn các đại biểu tham dự Trại hè Việt Nam là học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu người Việt Nam ở nước ngoài, độ tuổi từ 16-24, nói được tiếng Việt, có thành tích học tập và công tác tốt, có quan tâm, đóng góp cho phong trào thanh niên, sinh viên cộng đồng hướng về quê hương.

Năm nay, tham dự chương trình có nhiều đại biểu có thành tích học tập, nghiên cứu tốt, đã từng được Bộ Giáo dục, Bộ Nguồn nhân lực của các nước sở tại công nhận và vinh danh, có những đóng góp thiết thực thông qua các dự án dành cho học sinh, sinh viên trong các lĩnh vực như: xe ô tô tự điều khiển, quảng cáo, nghiên cứu về tế bào ung thư… Nhiều gương mặt có thành tích trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi về keyboard, khiêu vũ, thi viết văn, đọc thơ Shakespeare, tennis, bơi nghệ thuật…

Đáng chú ý, nhiều đại biểu đã có những đóng góp thiết thực cho phong trào của cộng đồng với các hoạt động cụ thể như: hỗ trợ công tác dạy tiếng Việt cho cộng đồng, tham gia hoặc lãnh đạo các Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam, Hội sinh viên tại các trường... Các em đều được các Hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phát hiện, vinh danh.

Trân trọng cảm ơn ông!

THÁI NHUNG (thực hiện)