‘Chìa khóa’ định vị doanh nghiệp

DUY KHANG 24/07/2022 14:30

Càng ngày, những cái tên như: Vinamilk, Vinfast, FPT... càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Và không chỉ dừng lại ở trong nước, những thương hiệu này đã và đang lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới. Có thể khẳng định, những nỗ lực trong xây dựng thương hiệu đang trở thành “chìa khóa” để doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Sản phẩm sữa của Vinamilk đến với người tiêu dùng ở Hồ Nam, Trung Quốc.

Xuất hiện ngày càng nhiều tên tuổi lớn

Trong khoảng gần 20 năm trở lại đây, Việt Nam xuất hiện rất nhiều tên tuổi của những DN, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Những cái tên như FPT, Vinfast, Vinamilk đã được không chỉ người tiêu dùng, giới chuyên gia trong nước nhắc đến mà ngay cả các DN, nhà đầu tư nước ngoài cũng bày tỏ sự quan tâm.

Những tên tuổi thương hiệu nói trên đương nhiên gắn liền với những doanh nhân thành đạt, dám nghĩ, dám làm. Điều này cho thấy, những tập đoàn kinh tế, DN tư nhân lớn của Việt Nam đang hết sức nỗ lực để đem đến những tên tuổi thành đạt, giúp cho sự xuất hiện của các thương hiệu Việt ngày càng nhiều trên bản đồ thế giới, khẳng định ngày càng mạnh mẽ vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.

Sự xuất hiện của đội ngũ tỷ phú, doanh nhân Việt sẽ giúp cho xã hội ngày càng phát triển. Nói như TS Võ Trí Thành - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, xã hội nào phát triển cũng cần có sự góp mặt của người giàu, nếu không xã hội khó đi lên.

Và những cái tên, những thương hiệu nói trên đang đóng một vai trò không nhỏ trong việc định vị nền kinh tế nước nhà trên bản đồ thế giới.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, hơn 30 năm đổi mới đã góp phần giúp cho Việt Nam hình thành một thế hệ doanh nhân mới với tích lũy tài sản đáng kể. Theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, Việt Nam được coi là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nằm trong top đầu thế giới. Việc hình thành một lớp người giàu sẽ dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Điều này không còn phải nghi ngờ gì nữa, khi chúng ta đã chứng kiến những tên tuổi, thương hiệu lớn của Việt Nam đã được người tiêu dùng thế giới biết đến nhiều hơn.

Gắn với câu chuyện làm giàu, các doanh nhân Việt cũng đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, có giá trị riêng. Và để thương hiệu của mình vững bền, không bị “bùng cháy rồi vụt tắt”, mỗi doanh nhân đã luôn phải nỗ lực để tạo cho sản phẩm, dịch vụ của mình những giá trị riêng. Đó cũng là cách để có thể tạo nên những thương hiệu Việt, sản phẩm đậm chất Việt có thể trường tồn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Nâng tầm thương hiệu của quốc gia

Có thể khẳng định, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi qua chặng đường hơn 10 năm, đã góp phần thúc đẩy tinh thần yêu hàng Việt của người tiêu dùng Việt, từ đó cũng tạo động lực để các DN Việt nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh và chú trọng xây dựng thương hiệu của mình.

Cùng với đó, chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) của Việt Nam cũng tạo nên những đòn bẩy, để từ đó, mỗi DN Việt có thể khẳng định tiếng nói của mình, vị thế của mình trên thương trường tại sân nhà cũng như khi “vươn ra biển lớn”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong suốt thời gian qua, chương trình THQG của Việt Nam mà đầu mối là Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thường trực tại nước ngoài, các hiệp hội cũng như DN Việt Nam tại nước ngoài để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam. Ngoài ra, những ý kiến đóng góp về tâm lý, sự nhận biết và thị hiếu của người Việt Nam tại nước ngoài cũng hết sức quan trọng.

“Do vậy, việc quảng bá thương hiệu của DN Việt Nam ở bất kỳ thời điểm nào cũng được coi trọng” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh đồng thời khẳng định, mỗi DN Việt chủ động xây dựng cho mình thương hiệu sẽ đạt được lợi thế hơn và dễ chấp nhận hơn với các thị trường mới khi Việt Nam tiến hành mở rộng xuất khẩu.

Giới chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, DN khi đã xây dựng được thương hiệu, nhất là THQG gắn với những trọng điểm là chất lượng, năng lực, đổi mới, tiên phong, thì chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng tại nước ngoài.

Trao đổi về câu chuyện thương hiệu, bà Lindsey M.Bier Marshall (Đại học Nam California, Hoa Kỳ) nêu quan điểm, tiếp cận từ góc nhìn quốc tế đã giúp các DN nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa THQG và thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN trong sự phát triển, nâng tầm thương hiệu DN. Do vậy, khi một DN có sản phẩm với thương hiệu uy tín, thương hiệu của DN đó cũng sẽ được nâng cao và khi quốc gia có nhiều DN với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia.

Khẳng định về sự xuất hiện của những tên tuổi, thương hiệu mạnh như Viettel, FPT hay Vinfast, TH Truemilk... song, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, những thương hiệu như vậy còn ít ỏi, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo, Việt Nam vẫn chưa thực sự có được những thương hiệu lớn. Đáng chú ý, ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô... suốt bao nhiêu năm vẫn chưa thoát khỏi “phận gia công”. Và như vậy, những nỗ lực của Vingroup, của THACO trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô gần đây là dấu hiệu đáng mừng.

Nhìn vào bức tranh hoạt động của cộng đồng DN Việt, giới chuyên gia kinh tế khẳng định: Các DN Việt đã ngày càng ý thức với giải pháp xây dựng thương hiệu bài bản, đúng định hướng. Thương hiệu Việt đã ngày càng khẳng định, chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Những năm gần đây, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.

Đây là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất, nhập khẩu cùng với sự nỗ lực của các DN trong việc xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, để có thể phát triển thêm nhiều thương hiệu mạnh hơn nữa, bản thân doanh nhân, DN nỗ lực thôi là chưa đủ, rất cần sự chung tay đồng hành của nhà quản lý, với những chính sách tạo điều kiện để DN, doanh nhân bứt phá.

Chia sẻ với báo giới, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc xây dựng những thương hiệu hàng đầu là sự nghiệp của các doanh nhân. Nhưng các doanh nhân rất cần bệ đỡ và sự đồng hành của các cơ quan Chính phủ và cả hệ thống chính trị.

“Chúng tôi mong Chính phủ sẽ tiếp tục những nỗ lực cải cách để mở đường cho sự phát triển của DN, doanh nhân. Chúng tôi cũng mong quan hệ đối tác công - tư (PPP) sẽ không chỉ là giải pháp để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mà còn là một giải pháp để xây dựng thương hiệu dẫn đầu trong các ngành công nghiệp quan trọng của đất nước” - TS Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

DUY KHANG