Quy hoạch, phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội: Cần một chiến lược dài hạn - Bài 1: Du lịch sau dịch và bài toán phục hồi bền vững
Du lịch của Hà Nội đang có sự tăng tốc trở lại sau dịch Covid-19. Rất nhiều lợi thế, dư địa đang cần được phát huy để bứt phá.
Tăng tốc sau đại dịch
Kinh tế Thủ đô đang phục hồi mạnh mẽ. GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,79% (gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021). Đặc biệt, mức tăng trưởng này còn gấp 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Sự tăng trưởng đó có đóng góp to lớn của du lịch.
Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,61 triệu lượt khách, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 211,3 nghìn lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 8,4 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Đây có thể coi đây là một sự “tăng tốc” mạnh mẽ của du lịch Hà Nội sau dịch. Bởi trong thời điểm dịch Covid-19 thì năm 2020, Hà Nội đón 8,65 triệu lượt khách, giảm 70% so với năm 2019, trong đó khách du lịch quốc tế giảm 84,2%, khách du lịch nội địa giảm 65,6%. Tổng thu từ khách du lịch giảm mạnh chỉ đạt 28.021, giảm 73% so với năm 2019.
Năm 2021, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách du lịch đến Hà Nội chỉ còn khách du lịch nội địa và giảm còn 4 triệu lượt khách (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40% tổng thu năm 2020).
Theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu năm 2022 sẽ đón và phục vụ hơn 10 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Cần một quy hoạch du lịch xứng tầm lợi thế
Du lịch luôn là “lợi thế” mạnh mẽ của Thủ đô văn hiến, nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi. Vừa qua, Tripadvisor Travellers's Choice Awards (giải thưởng thường niên do du khách bình chọn trên Tripadvisor) đã xếp Hà Nội đứng thứ 22 trong danh sách Top 25 điểm đến cho người mê ẩm thực. Đáng chú ý, khách sạn Lotte Hà Nội là đại diện duy nhất của Việt Nam vào danh sách, đứng thứ 13 trong danh sách 25 khách sạn tốt nhất thế giới theo bình chọn từ độc giả.
Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de cũng xếp hạng Hà Nội là một trong những điểm đến ưa thích nhất Đông Nam Á. Những điểm du khách nên ghé thăm khi đến Hà Nội là: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa Một Cột, tour dạo quanh phố cổ bằng xích lô, Nhà hát múa rối nước, thưởng thức các món ẩm thực.
Công bố của Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội cũng cho thấy, sau khi thực hiện kiểm kê di tích, đánh giá và phân loại từ năm 2013 - 2016, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa. Và, Hà Nội hiện có 47 nghề/52 nghề truyền thống của cả nước; 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề và làng nghề truyền thống thuộc 23 quận, huyện và thị xã đã được công nhận.
Nhắc đến những số liệu trên để thấy, dư địa cho phát triển du lịch của Hà Nội là rất lớn. Nhưng làm thế nào để phát huy được lợi thế, biến “cơ hội” thành “hiệu quả” là vấn đề đang được đặt ra. Là địa danh “du lịch” của Thủ đô, cử tri thị xã Sơn Tây đề nghị thành phố quan tâm, có chính sách phát triển du lịch, giúp người dân hưởng lợi từ du lịch tại làng cổ Đường Lâm; chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây.
Đặc biệt, ngay trước thềm kỳ họp thứ 8 (bầu ông Trần Sỹ Thanh làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội), tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 của Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, cử tri phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm đã đề nghị HĐND TP quan tâm đến nguồn lực phát triển du lịch.
Trong đó, cử tri kiến nghị “thúc đẩy phát triển không gian văn hóa vật thể, phi vật thể, làng nghề truyền thống và cần có sự liên kết chặt chẽ, hợp lý và tận dụng được những quỹ đất, đường giao thông, trục ven sông, tuyến phố đi bộ, chợ đêm”. Và cũng không phải ngẫu nhiên, trong phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhắc đến phát triển nguồn nhân lực về du lịch nằm trong 3 ưu tiên đột phá trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thời gian qua, du lịch Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp hiệu quả vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, để đẩy mạnh việc phục hồi phát triển du lịch Thủ đô trong năm 2022, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch.
Theo bà Giang, với vị thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội là thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế khi hội đủ yếu tố tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch xanh bền vững. Thiên nhiên ưu đãi cho Thủ đô hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú. Các hệ thống cảnh quan sinh thái cùng một số không gian nông nghiệp có truyền thống lâu đời, vừa sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị, vừa là cảnh quan tự nhiên và nhân văn phục vụ phát triển du lịch đặc biệt du lịch nông thôn, du lịch trang trại.
Tuy nhiên để phát huy lợi thế trong phát triển du lịch, theo bà Giang, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô cần mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch xanh đồng bộ, khép kín, thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng, phát triển các tour, sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao để phát triển du lịch xanh.
Từng là đại biểu HĐND cũng như ĐBQH của TP Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho rằng, bản thân Thủ đô Hà Nội - ngàn năm văn hiến đã là điểm đến hấp dẫn. Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, lượng khách quốc tế đã đến Hà Nội tăng trở lại. Tuy nhiên du lịch của Hà Nội không chỉ là danh lam, thắng cảnh mà còn có các di tích quốc gia, các công trình văn hoá, không gian văn hoá. “Và đây mới là nơi để níu khách quay trở lại” - bà An nói.
ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An: Cần quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thủ đô
Thủ đô Hà Nội khác với các nơi khác trên thế giới đó là vừa cổ kính, vừa hiện đại. Khách quốc tế cần sự cổ kính, cội nguồn, văn hoá chứ hiện đại không phải là yếu tố hấp dẫn họ; bởi Hà Nội không phải là thành phố hiện đại so với các nước khác.
“Cái cổ kính, Á Đông của phố đi bộ, hàng ăn đêm, các làng nghề, di tích văn hoá của Hà Nội mới là cái hút khách. Do đó trong phát triển du lịch cần một sự “quy hoạch tổng thể” trong phát triển du lịch Thủ đô. Trong đó có khai thác từ danh lam thắng cảnh, cho đến văn hoá cổ kính của Hà Nội.”