Quy hoạch, phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội: Cần một chiến lược dài hạn - Bài 2: Du lịch sinh thái ở Hồng Vân- Giá trị kép kinh tế và môi trường
Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội), đã chuyển hướng từ một xã làm nông nghiệp thuần túy, sang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Hướng đi này đã cho thấy được hiệu quả bước đầu khi mang lại giá trị kép cả về kinh tế và môi trường.
Người dân ven đô làm du lịch sinh thái
Xã Hồng Vân nằm ở phía đông của huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội khoảng 18 km, có tuyến đường 427 liên tỉnh và hệ thống giao thông đường thuỷ Sông Hồng chạy qua tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Hồng Vân là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019 và đang tiến hành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô.
Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên, không gian rộng mở, trong lành, có thảm thực vật đa dạng với 2 làng Cơ Giáo và Xâm Xuyên được UBND tỉnh Hà Tây cũ công nhận là Làng nghề sinh vật cảnh tại Quyết định số 1484/QĐ-UBND ngày 3/6/2008.
Hiện nay trên địa bàn xã Hồng Vân có trên 30 nghệ nhân, thợ giỏi, có khả năng chế tác những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, cây bonsai, đồ đá mỹ nghệ… nổi tiếng xứ Bắc. Hồng Vân còn là nơi in đậm dấu ấn Truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử cùng với nhiều công trình văn hóa, lịch sử… Đây là tiềm năng to lớn để xã phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa tâm linh.
Hồng Vân chính là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh được UBND thành phố Hà Nội công nhận năm 2018 với diện tích 128 ha. Những năm qua, xã Hồng Vân tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo định hướng sản xuất chuyên canh hàng hóa và khai thác du lịch - dịch vụ trong nông nghiệp. Những tuyến đường khang trang, rộng đẹp được đầu tư nâng cấp đồng bộ. Thảm hoa, cây xanh phủ bóng ven những con đường, ngõ xóm dẫn vào khu dân cư.
Theo đại diện UBND xã Hồng Vân, điểm du lịch đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị du lịch dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu ngân sách; tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển của xã; góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương.
Nhiều trải nghiệm hấp dẫn
Chứng kiến quê hương thay đổi từng ngày nhờ vào mô hình du lịch sinh thái, ông Đỗ Mạnh Tường, người dân xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường mới, nhiều du khách đã quay trở lại với khu sinh thái Hồng Vân. Kể từ khi được thành phố quan tâm, đầu tư phát triển theo hướng du lịch bền vững, kinh tế địa phương đã có nhiều thay đổi từng ngày”.
Du khách đến Hồng Vân hiện nay được giao lưu cùng các nghệ nhân, tự tay cắt, tỉa, tạo dáng cho sản phẩm. Du khách có thể đến tham quan các mô hình Nông trại giáo dục; Nuôi trồng các giống thủy sản, cá cảnh; Trồng, bảo quản, tiêu thụ rau an toàn…
Cùng với những trải nghiệm về đời sống nông thôn, du khách có thể thả bộ trên đê sông Hồng khám phá không gian thanh bình của làng quê, tham quan vườn hoa hồng với 50 loại khác nhau cùng với những trang trại chăn nuôi, vườn cây ăn quả, thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp của vùng đất sa bồi ven sông Hồng.
Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân chia sẻ: “Từ khi áp dụng mô hình du lịch sinh thái, xã đã có nhiều thay đổi tích cực trên các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Về kinh tế, xã xác định mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, đưa Hồng Vân trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách trong và ngoài TP; đưa kinh tế thương mại- du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ. Do đó, đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề có khai thác dịch vụ, du lịch đã góp phần nâng cao giá trị trên 1 đơn vị đất canh tác; bên cạnh đó việc các mô hình thí điểm xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch theo chuỗi liên kết, mang tính đặc trưng của địa phương, góp phần hoàn thiện các sản phẩm du lịch của xã, đáp ứng nhu cầu của du khách”.
Chú trọng đầu tư gắn với du lịch
Tuy nhiên cũng theo ông Phượng, vẫn còn nhiều khó khăn vì điểm du lịch tại xã đang trong quá trình tiếp tục đầu tư, đồng bộ xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch và tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Cần cơ chế, chính sách đặc thù trong sử dụng đất thuộc điểm du lịch để các hộ đầu tư, xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch…
Giai đoạn 2022-2025, xã Hồng Vân sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề mang tính đặc trưng, độc đáo; nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của xã để phát triển kinh tế xanh.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang thương mại, dịch vụ; chuyển dịch cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, làng nghề. Ưu tiên phát triển kinh tế nông thôn thông qua thương mại, dịch vụ, du lịch với các loại hình du lịch sinh thái - nông nghiệp - làng nghề, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch cộng đồng có ứng dụng công nghệ số, thông minh.
Từng bước đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thương mại, dịch vụ, du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, tín ngưỡng thờ Mẫu và các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, làng nghề, phát triển đa dạng sinh học, xây dựng không gian du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường nhằm tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, thu hút du khách; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.