Quy hoạch, phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội: Cần một chiến lược dài hạn - Bài 3: Gỡ nút thắt cho du lịch làng nghề
Hà Nội được mệnh danh là “đất trăm nghề” với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, du lịch làng nghề. Tuy nhiên trong thời buổi hiện nay, làng nghề đã và đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức từ thiếu nguồn nhân lực, nguyên liệu, cơ chế đặc thù… Để có hướng đi bền vững nhằm phát triển làng nghề gắn với du lịch Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa.
Nhiều khó khăn
Trở lại câu chuyện xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, ngoại thành Hà Nội) - nơi đã chuyển hướng từ một xã làm nông nghiệp thuần túy, sang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm bước đầu cho thấy hiệu quả, khi đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho người dân. Từ khi áp dụng mô hình du lịch sinh thái, nơi đây có nhiều thay đổi tích cực trên các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Do đó, đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề có khai thác dịch vụ, du lịch đã góp phần nâng cao giá trị trên 1 đơn vị đất canh tác. Bên cạnh đó việc các mô hình thí điểm xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch theo chuỗi liên kết, mang tính đặc trưng của địa phương, góp phần hoàn thiện các sản phẩm du lịch của xã, đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy nhiên nơi đây vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn để có thể phát triển, là điểm đến hấp dẫn của thủ đô.
Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân đã từng chia sẻ việc xã Hồng Vân cần xây dựng đồng bộ hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch và tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch; rồi tháo gỡ khó khăn, cần cơ chế, chính sách đặc thù trong sử dụng đất thuộc điểm du lịch để các hộ đầu tư, xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch; rồi việc thay đổi nhận thức của 1 bộ phận cán bộ và nhân dân về định hướng phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế…
Còn, làng nghề dệt truyền thống ở xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) - một nơi hoàn toàn có thể phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm cũng đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Trò chuyện với Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phan Thị Thuận, người đã dành cả cuộc đời để nâng tầm nghề dệt, chúng tôi nhận thấy được trong bà đang chất chứa một nỗi niềm. Đó là làm sao để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống khi mà tiềm năng, lợi thế vẫn còn bỏ phí rất nhiều.
“Khách du lịch thích nhìn thấy tằm tự dệt, họ thích tìm hiểu về nghề của mình. Xuống lấy sen họ cũng đằm mình dưới đầm để lấy sen cùng mình. Mong ước lớn nhất của tôi là nghề tơ tằm và tơ sen được giữ gìn và phát triển, vì cái nghề này mang lại cuộc sống cho nhân dân. Mong sao mô hình du lịch làng nghề được quan tâm và phát triển để từ đó sản phẩm được nhiều người biết đến hơn thông qua du khách.”, bà Thuận chia sẻ.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghề Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, nghệ nhân trẻ Nguyễn Phú Hà thấu hiểu hết những thăng trầm mà làng nghề truyền thống ở Việt Nam nói riêng và ở Hà Nội nói chung phải trải qua. Đặc biệt trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay. Vì thế, thương mại hóa sản phẩm thủ công truyền thống gắn với du lịch cũng là điều nghệ nhân này trăn trở.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Phú Hà cho biết: “Quá trình công nghiệp 4.0 bây giờ thì các bạn trẻ đi theo con đường phát triển đó rất nhiều. Chính vì vậy nguồn nhân lực thế hệ tiếp nối của các làng nghề truyền thống đang gặp rất khó khăn về thế hệ tiếp nối và đầu ra sản phẩm. Tôi hy vọng trong thời gian sắp tới các cơ quan ban ngành nhà nước sẽ tổ chức xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm thủ công là những tinh hoa làng nghề Việt Nam đến với các châu lục khác. Khi đó chính những người nghệ nhân, các làng nghề truyền thống lúc đó sẽ rất phát triển.”
Nhìn nhận những khó khăn mà làng nghề Hà Nội đang gặp phải, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực làng nghề Hà Nội, đặc biệt ở những làng nghề phục vụ du lịch còn hạn chế. Nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch làng nghề còn thiếu, chưa chuyên nghiệp, phần lớn người nông dân, thợ thủ công chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch. Số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động du lịch trong lĩnh vực du lịch làng nghề, du lịch nông thôn còn hạn chế.
Tìm hướng đi cho làng nghề
TS Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) nhận định: Việt Nam có hệ thống các làng nghề phong phú, đa dạng là một tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Có thể thấy đa số du khách quốc tế khi đến Việt Nam đều muốn mang theo về một món đồ thủ công mỹ nghệ, bởi những sản phẩm này luôn chứa đựng những gì tinh tế nhất của một nền văn hóa. Để khai thác phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững cần phải bảo đảm hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Trong đó, việc đầu tiên là mỗi người dân làng nghề phải được giáo dục về văn hóa du lịch.
Cùng với đó, mỗi làng nghề cần lựa chọn và phục dựng lại những nét văn hóa đặc sắc của làng để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, viễn thông, các dịch vụ giải trí và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành...
Còn theo TS Trần Hữu Sơn, muốn phát triển du lịch làng nghề phải giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Đối với du khách quốc tế họ sợ nhất là ô nhiễm. Cho nên phải là du lịch xanh, du lịch sạch chứ nếu mà ô nhiễm thì họ cũng không đến làng nghề. Đấy là những vấn đề quan trọng mà chúng ta phải chú trọng.
Cũng theo ông Sơn, du lịch làng nghề muốn khai thác hiệu quả thì phải nghiên cứu cái thị hiếu của du khách đối với loại làng nghề đấy nó như thế nào, du khách cần gì ở cái làng nghề. Từ đó chúng ta mới có cái chiến lược về thị trường để đáp ứng được du khách. Cái đấy rất quan trọng. Cái quan trọng thứ hai nữa là phải có chính sách hấp dẫn để phát triển du lịch làng nghề. Nhiều nơi đã áp dụng du lịch làng nghề thành công nhưng hầu hết nhiều nơi chỉ đóng khung du lịch lại. Thậm chí người ta chỉ chú ý phát triển làng nghề chứ không chú trọng du lịch. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phải quảng bá sớm để du khách quốc tế muốn tìm hiểu về những làng nghề của chúng ta.
Liên quan đến việc nâng cao kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư trong xây dựng hình ảnh điểm đến, bà Đặng Hương Giang cho biết: “Thời gian vừa qua Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã và với các cơ sở đào tạo uy tín về du lịch tổ chức được 44 lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa du lịch cho gần 9.000 người dân địa phương, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm đến du lịch để trang bị kiến thức, kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho các làng nghề, các điểm đến du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố”.
Với hàng loạt giải pháp trợ giúp của thành phố và các địa phương, hy vọng làng nghề Hà Nội sẽ vượt qua khó khăn, và tìm ra được hướng đi bền vững.