Quy hoạch, phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội: Cần một chiến lược dài hạn - Bài cuối: Xây dựng mô hình du lịch làng nghề, du lịch sinh thái chất lượng cao
Đó là kế hoạch mà ngành du lịch Thủ đô đang nỗ lực triển khai - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang trao đổi với Đại Đoàn Kết.
PV: Trải qua 2 năm “ngủ đông” vì dịch bệnh Covid-19, những tháng gần đây tình hình phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội bắt đầu trở lại trạng thái bình thường, vậy với riêng ngành du lịch Thủ đô đã có kế hoạch như thế nào để đưa du lịch trở lại bệ phóng và là một trong những ngành có đóng góp cao cho kinh tế Thủ đô thưa bà?
Bà Đặng Hương Giang: Ngành du lịch Thủ đô đã chủ động xây dựng những kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm phục hồi và phát triển trong thời gian tới, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề chính, cụ thể:
Một là, đẩy mạnh công tác xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mang thương hiệu riêng của du lịch Thủ đô: Trong thời gian qua, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ động cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, đưa ra các sản phẩm mới, khai thác các thế mạnh của Thủ đô như du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng... như: Sản phẩm Tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; Sản phẩm trải nghiệm phố cổ bằng xe điện; Tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp “VGreen bike tour”, tour đêm Hỏa Lò “Đêm linh thiêng sáng ngời tinh thần Việt”, Tour đêm ”Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”. Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới, độc đáo, hấp dẫn hơn nữa, trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa – coi đây là sản phẩm chủ đạo, đồng thời phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm-khám phá, du lịch MICE…
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá. Trong thời gian tới,,Sở Du lịch sẽ tập trung, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và thành phố tăng thời lượng tin, bài, phóng sự chuyên đề, trang chuyên về hoạt động du lịch của thành phố. Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đài truyền hình trong nước và quốc tế như Kênh truyền hình CNN quốc tế, Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài truyền hình Hà Nội (HTV) xây dựng và phát sóng phóng sự, phim tài liệu tuyên truyền hình ảnh du lịch, văn hóa Hà Nội. Đồng thời, Sở cũng tích cực triển khai tuyên truyền quảng bá hình ảnh Du lịch Hà Nội tại hệ thống các màn hình LED tại khu vực sân bay Nội Bài, trên các chuyến bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air. Thực hiện hệ thống số hóa điểm du lịch của các quận, huyện, thị xã trong hệ thống giới thiệu du lịch chung của Thủ đô bằng giao diện ảnh 360, 3D...
Ba là, Thúc đẩy các sự kiện, chương trình, lễ hội xúc tiến, giới thiệu hình ảnh văn hóa, du lịch, con người Hà Nội. Trong 6 tháng đầu năm, ngành Du lịch Hà Nội đã tổ chức rất thành công nhiều chương trình, sự kiện lớn như: Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022 (Get On Hanoi ngày 25 - 27/3/2022), Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội (29/4 - 1/5/2022), Lễ hội Du lịch Hà Nội (13 - 15/5/2022); Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội 2022 (19 - 23/5/2022). Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện lớn như: Festival Áo dài Hà Nội (dự kiến tháng 10/2022) và tham gia các chương trình hội chợ du lịch lớn trong nước và quốc tế.
Bốn là, Tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố. Ngành du lịch Thủ đô sẽ tích cực phối hợp với ngành du lịch các tỉnh, thành phố tham gia vào các sự kiện chương trình, hoạt động của nhau. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị lữ hành tổ chức các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP khảo sát du lịch tại các địa phương. Nghiên cứu xây dựng các tuyến du lịch kết nối theo từng vùng.
Vậy, du lịch Hà Nội tìm nét riêng nào để khai phá mảnh đất du lịch vốn còn rất nhiều dư địa hiện nay?
Giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo, du lịch Thủ đô Hà Nội xác định phát triển phải gắn bó chặt chẽ với định hướng xây dựng, phát triển Thành phố sáng tạo, đưa văn hóa và con người thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng, mang tính quyết định sự phát triển Thủ đô; lấy du lịch văn hóa, di sản là định hướng phát triển xuyên suốt, làm nền tảng xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Nhằm khai thác các giá trị văn hóa, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của Thủ đô, trong thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nội sẽ tập trung vào các nội dung sau:
Một là, tham mưu ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố về một số chính sách khuyến khích hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch và thủ tục hành chính công nhận khu du lịch, điểm du lịch đạt tiêu chí chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.
Hai là, khuyến khích các quận, huyện, thị xã đầu tư nâng cấp, phát triển 1 – 2 điểm du lịch hoàn chỉnh, đồng bộ, có chất lượng cao trên cơ sở các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, danh lam, thắng cảnh nổi trội của địa phương.
Ba là, chú trọng xây dựng, hoàn thiện kết nối các sản phẩm du lịch riêng lẻ thành chuỗi các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Mở rộng kết nối sản phẩm du lịch Thủ đô với sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Việt Bắc… Triển khai áp dụng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa các dịch vụ, sản phẩm và nghề trong lĩnh vực du lịch nhằm xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô là du lịch có chất lượng cao, tăng trưởng xanh và bền vững
Vâng, vậy kế hoạch cụ thể để cho ra đời những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách trong và ngoài nước là gì, thưa bà?
Để thu hút khách du lịch trong thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô xác định việc phát triển sản phẩm du lịch là yếu tố rất quan trọng. Trong thời gian tới, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trước nguồn lực phát triển sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch vui chơi giải trí, du lịch trải nghiệm khám phá...
Đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp – nông thôn, ngành du lịch sẽ thí điểm xây dựng một số mô hình du lịch nông thôn chất lượng cao bao gồm: Mô hình làng du lịch nông nghiệp, nông thôn Làng cổ ở Đường Lâm; Mô hình trải nghiệm, trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề Hồng Vân; Mô hình trang trại Vạn An, xã Yên Mỹ, Thanh Trì; Mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với làng dệt truyền thống, huyện Mỹ Đức; Mô hình du lịch trang trại hữu cơ Hoa Viên, huyện Thạch Thất.
Bên cạnh đó, các đơn vị điểm đến văn hóa - di sản tiếp tục phát triển các tour du lịch đêm với nhiều trải nghiệm mới như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Di tích Hoàng Thành Thăng Long…
Các khu điểm du lịch vui chơi giải trí cũng rất tích cực triển khai các sản phẩm du lịch vào hè, như sản phẩm giải trí Hè 2022 của Công viên Thiên đường Bảo Sơn, sản phẩm du lịch trải nghiệm hè tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn,…
Hay, Vườn Quốc gia Ba Vì, Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, khu du lịch Ao Vua cũng đưa ra nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm cộng đồng phục vụ khách du lịch.
Trân trọng cảm ơn bà!