Rừng phòng hộ Trung Trung bộ bị xâm hại: Cơ quan chức năng nói gì?

NHÓM PHÓNG VIÊN 25/07/2022 06:38

Sau khi Báo Đại Đoàn Kết phản ánh việc rừng phòng hộ ở Trung Trung Bộ bị xâm hại, cơ quan chức năng tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh đã vào cuộc và có phản hồi tích cực.

Hạt Kiểm lâm Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đã xác định được 3 đối tượng phá rừng và xử phạt hành chính với số tiền hơn 30 triệu đồng.

Tăng cường bảo vệ rừng

Ngày 18/7, Báo Đại Đoàn Kết đăng tải bài viết “‘Cạo trọc’ rừng cộng đồng” phản ánh việc nhiều diện tích rừng cộng đồng tại thôn 3, 4 thuộc xã Hương Sơn (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị chặt phá. Nắm được thông tin, cùng ngày, Hạt Kiểm lâm Nam Đông (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có báo cáo về vụ việc.

Cụ thể, tại báo cáo của Hạt Kiểm lâm Nam Đông cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 18/7, trên địa bàn huyện Nam Đông xảy ra 22 vụ chặt phá rừng, xâm lấn rừng với diện tích 2,529ha. Toàn bộ diện tích rừng bị chặt phá thuộc chức năng là rừng sản xuất. Trong đó, rừng bị chặt phá xảy ra ở 6 xã gồm: Hương Phú (6 vụ với 0,673ha), Hương Sơn (5 vụ với 0,269ha), Thượng Quảng (7 vụ với 1,180ha), Thượng Nhật (2 vụ với 0,210ha), Hương Hữu (1 vụ với 0,085ha) và Hương Lộc (1 vụ với 0,085ha).

Theo Hạt Kiểm lâm Nam Đông, diện tích rừng bị chặt phát, xâm lấn gồm: Rừng cộng đồng (1,804ha), nhóm hộ (0,430ha), hộ gia đình (0,085ha) và rừng UBND xã (0,210ha).

“Ngoài ra còn có 24 vị trí rừng đã bị phát luỗng cây dây leo, cây bụi (chưa chặt hạ cây thân gỗ) với diện tích là 7,033ha. Trong đó, xã Thượng Quảng 20 vị trí: 5,72ha, xã Hương Sơn 3 vị trí: 1,23ha. Diện tích này có nguy cơ cao bị chặt phá” - nội dung báo cáo cho biết.

Ngoài ra, tại báo cáo của Hạt Kiểm lâm Nam Đông, diện tích rừng bị chặt phá mà Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh trên địa bàn xã Hương Sơn là 0,296ha, xảy ra trong tháng 3 và tháng 5, đều do cộng đồng quản lý; ngoài ra còn có 1,23ha rừng bị phát luỗng.

Trước thực trạng trên, Hạt Kiểm lâm Nam Đông đã tham mưu UBND huyện tại công văn số 518/UBND-HKL ngày 25/4/2022 về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng - phòng cháy, chữa cháy rừng; công văn số 627/UBND-HKL ngày 13/5/2022 về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và xử lý vi phạm.

Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm Nam Đông tham mưu UBND huyện tổ chức họp lãnh đạo các xã, các đơn vị chủ rừng để bàn công tác quản lý bảo vệ rừng - phòng cháy, chữa cháy rừng, xâm lấn rừng.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất. Thường xuyên theo dõi ảnh viễn thám để sớm phát hiện biến động rừng; ban hành 34 thông báo các vị trí có nguy cơ chặt phá rừng gửi các đơn vị chủ rừng, UBND xã và các cộng đồng.

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm Nam Đông cũng đã xử phạt hành chính 3 vụ với số tiền là 31,5 triệu đồng. Ngoài 3 vụ nói trên, từ đầu năm đến ngày 18/7, trên địa bàn huyện Nam Đông vẫn còn 19 vụ phá rừng chưa xác định được đối tượng và chưa xử lý.

Ai sai người đó chịu trách nhiệm

Bài viết “Bất cập, chồng chéo trong quản lý” nói về việc bất cập giữa công tác giao đất, giao rừng với quy hoạch 3 loại rừng đã và đang là tác nhân khiến không ít diện tích rừng phòng hộ ở tỉnh Quảng Bình bị xâm hại. Trong khi đó lại đang tồn tại sự chồng chéo trong quy định quản lý cũng như xử lý sai phạm.

Theo đó, gia đình ông Cao Xuân Hiền (SN 1965, trú tại thôn Tiến Hóa, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) là nạn nhân của vụ phá rừng xảy ra vào tháng 4/2022 tại khu vực này có tọa độ đại diện X = 499537, Y = 1957638, diện tích rộng 14.376m2.

Vào thời điểm trên, ông Hiền phát hiện có đối tượng đã ngang nhiên chặt phá một diện tích rừng phòng hộ trên đất của mình để trồng keo. Ngoài diện tích đất gia đình ông Hiền, diện tích rừng trên đất của ông Trương Văn Hướng và bà Đinh Thị Thiền cũng bị đốn hạ. Trong đó, diện tích rừng trên đất của ông Hiền bị đốn hạ là khoảng 0,4ha nên ông đã làm đơn tố cáo.

Tại vị trí rừng bị phá, trên giấy tờ được cấp thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của ông Hiền mang số A0749080 vào ngày 21/10/2008 với diện tích 11.356m2 ghi rõ mục đích sử dụng đất là đất rừng phòng hộ, yêu cầu khoanh nuôi bảo vệ.

Tuy nhiên, trên cơ sở xác minh hiện trường, Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa căn cứ Giấy chứng nhận QSDĐ của các hộ gia đình và bản đồ giao đất của xã Thượng Hóa tại tờ bản đồ số 23, thì vị trí đám rừng bị phá thuộc đất có rừng tự nhiên, Giấy chứng nhận QSDĐ ghi: “Đất rừng phòng hộ”. Tuy nhiên, đối chiếu bản đồ quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 4534/QĐ-UBND ngày 25/12/2018, vị trí rừng bị phá nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Để làm rõ vấn đề trên, ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho hay, dù đó là đất rừng phòng hộ hay đất rừng sản xuất thì cũng không ai có thể xâm hại. Rừng sản xuất là rừng tự nhiên, phải khoanh nuôi bảo vệ, không ai được phá, khi bị phá phải tìm cho ra đối tượng, nếu không tìm được đối tượng thì chủ rừng và địa phương phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

“Vừa rồi chúng tôi cũng đã có văn bản hướng dẫn cho các huyện, theo Chỉ thị 03-UBND Quảng Bình giao cho các địa phương rà soát đất theo các dạng trên để có kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt chứ không thể để xảy ra tình trạng đó mãi được. Ngoài ra, yêu cầu các địa phương tích cực rà soát nghiêm ngặt quy hoạch 3 loại rừng, về việc có phải đất rừng phòng hộ hay không thì đó có thể là do sai sót ban đầu giữa phân loại rừng với thực tế, ai cấp thẻ đỏ sai thì người đó phải chịu trách nhiệm” - ông Minh thông tin thêm.

Ông Bùi Anh Tuấn - Bí thư huyện Ủy Minh Hóa cho biết: “HĐND huyện đang giao UBND huyện trả lời ý kiến cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp cuối tháng và sẽ trả lời lại báo chí ngay sau khi có kết quả. Riêng về điều tra thủ phạm gây ra vụ phá rừng thì phía kiểm lâm và công an vẫn đang tiến hành điều tra và có báo cáo sau”.

Hơn 27ha đất rừng, trong đó hơn 17ha rừng phòng hộ đã bị cạo trọc sau đó trồng lại keo để khắc phục.

Giảm thiểu thiệt thòi cho người dân

Sau khi bài viết “Hổng” quản lý, rừng bị phá” trong loạt bài “Rừng phòng hộ ở Trung Trung Bộ bị xâm hại” đăng tải, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã có phản hồi với PV Báo Đại Đoàn Kết.

Theo đó, ông Lê Quốc Hùng - Trưởng phòng Đăng ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hà Tĩnh (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh) thừa nhận: Có lỗ hổng trong việc quy hoạch, công bố quy hoạch cũng như ban hành, tiếp nhận, nâng cao nhận thức về quyết định quy hoạch 3 loại rừng. Lỗ hổng đó đã dẫn đến nhiều hệ lụy, ngoài rừng phòng hộ bị xâm hại, còn tổn hại đến lợi ích của người dân, người sở hữu đất rừng.

Nhắc đến thửa đất hơn 27ha, thuộc Khoảnh 1a, Tiểu khu 299a ở xã Nam Điền (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) mà báo phản ánh, ông Hùng nhấn mạnh: Đơn cử như thửa đất ở xã Nam Điền, từ chỗ đất rừng sản xuất chuyển sang rừng phòng hộ, chủ rừng không được thu hồi, đền bù theo quy định. Quyền sử dụng đất ít đi, trách nhiệm bảo vệ rừng tăng lên, việc này khiến chủ rừng thiệt thòi về quyền lợi.

Đối với việc chuyển nhượng thửa đất, theo ông Hùng, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Thạch Hà - Lộc Hà đã làm đúng quy định.

“Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về công tác quy hoạch. Ngoài ra, việc quy hoạch của các cấp, các ngành cần căn cứ vào quy hoạch đất đai để việc quy hoạch không bị chồng chéo” - ông Hùng nhấn mạnh.

Trong Báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông cho rằng: “Toàn bộ diện tích rừng bị chặt phá đều thuộc chức năng là rừng sản xuất, không phải là rừng phòng hộ như nội dung báo nêu”. Tuy nhiên, thực tế, trong bài viết “‘Cạo trọc’ rừng cộng đồng” mà Báo Đại Đoàn Kết đã đăng tải không hề nói rằng diện tích rừng bị chặt phá tại huyện Nam Đông là rừng phòng hộ. Thiết nghĩ, loại rừng nào cũng có chức năng phòng hộ và cần có biện pháp quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, đúng quy định để giữ đất, giữ rừng, bảo vệ người dân.

NHÓM PHÓNG VIÊN