Không 'dung dưỡng' sim rác
Nhằm siết lại tình trạng sim rác, tin nhắn rác lộng hành, đầu tháng 4/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định đối với 7 doanh nghiệp viễn thông di động. Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục giao Bộ Công an và Bộ TT-TT hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông xác thực thông tin thuê bao từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; không để sim rác, sim nặc danh gây hệ luỵ cho xã hội.
Thực tế thì việc tăng trưởng số lượng thuê bao “nóng” những năm qua với các giải pháp kiểm soát kém hiệu quả đã dẫn tới tình trạng lạm dụng các tài khoản sim rác, sim nặc danh để lừa đảo, gây rối trật tự xã hội. Cơ quan chức năng cũng đã thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng này, tuy nhiên chưa triệt để. Chính vì vậy, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng cho việc kết nối, khai thác để xác thực thông tin, thì dứt khoát phải xử lý dứt điểm tình trạng lạm dụng sim rác, sim nặc danh. Mà trách nhiệm hàng đầu thuộc về các doanh nghiệp viễn thông.
Nhân đây cũng xin được nêu lại một vài con số để thấy mức độ khủng khiếp của tin nhắn rác, sim nặc danh. Vào năm 2019, sau khi Viettel xây dựng hệ thống lọc chặn tin nhắn rác tự động, chỉ trong 5 tháng đầu năm đã xử lý được 52 triệu tin nhắn rác, tương ứng với khoảng hơn 300.000 tin/ngày. Với nhà mạng MobiFone, chỉ riêng trong tháng 5/2019 đã chặn 293.000 tin rác nội mạng và hơn 1 triệu tin rác ngoại mạng; tính chung mỗi ngày MobiFone chặn khoảng 43.000 tin rác. Cùng thời điểm, VinaPhone chặn gần 30.000 tin rác/ngày.
Thời gian qua, tình trạng sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi tiếp thị, quảng cáo đã khiến người sử dụng thuê bao ức chế, dư luận xã hội bất bình. Đặc biệt là những tin nhắn rác mời chào, dẫn dụ vào bẫy tín dụng đen; các cuộc gọi giả mạo công an, viện kiểm sát, tòa án để lừa đảo. Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT) cho biết, thường xuyên nhận được phản ánh từ người dân về việc tin nhắn rác, đặc biệt là các cuộc gọi giả mạo và đã có rất nhiều người bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại này. Đại diện Cục An toàn thông tin cũng cho biết, mặc dù các nhà mạng đã có những nỗ lực trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác nhưng kết quả ngăn chặn chưa đồng đều, một phần lý do là hệ thống kỹ thuật của nhà mạng đầu tư đến đâu.
Như vậy, trở lại vấn đề, trách nhiệm trước tiên phải thuộc về các nhà mạng, khi họ “vô tình dung dưỡng” cho sim rác, sim nặc danh. Đã có lúc người muốn mua sim phải xuất trình chứng minh nhân dân và các đại lý phải lưu lại tên người mua, số căn cước; hạn chế số sim được mua. Nhưng rồi thời gian qua đi, việc mua bán sim điện thoại di động có thể nói là không còn được kiểm soát.
Còn nhớ, năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP nhằm thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng sim rác, sim ảo. Bộ TT-TT đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện việc cập nhật thông tin và ảnh chân dung của các chủ thuê bao di động trong nước trước ngày 24/4/2018. Trong năm 2018 các nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone đã yêu cầu các chủ thuê bao hoàn thành việc bổ sung thông tin, chứng minh thư nhân dân và ảnh chân dung để cập nhật lên hệ thống trong tháng 4/2018, nếu không thực hiện sẽ bị khóa hoàn toàn sau một tháng.
Tiếp đó, tháng 3/2019, Bộ TT-TT có văn bản gửi tới các doanh nghiệp viễn thông, nêu rõ: Nếu còn hiện tượng bán sim rác trên thị trường thì chủ tịch, tổng giám đốc của doanh nghiệp viễn thông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo quy định.
Thế nhưng, thực tế thì bất cứ ai muốn mua sim rác thì cũng đều “được phục vụ”. Chính vì các nhà mạng vẫn cho phép các đại lý kích hoạt sẵn thẻ sim nên việc giải quyết triệt để sim rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác vẫn tái diễn với mức độ trầm trọng.
Nhiều ý kiến cho rằng, cho dù đã có quy định về vấn đề này nhưng bản thân các doanh nghiệp viễn thông vẫn cố tình lách luật, khi gửi các thông tin “không ai muốn” cho khách hàng mà không tích cực ngăn chặn; phổ biến nhất là những thông tin sản phẩm, quảng cáo và giới thiệu dịch vụ trong khi khách thuê bao không hề mong muốn. Theo các chuyên gia viễn thông, trách nhiệm trong việc ngăn chặn nguồn sim rác phải bắt đầu từ nhà cung cấp. Vì lợi nhuận mà họ vẫn “dung dưỡng” thì sim rác, sim nặc danh vẫn khó bề kiểm soát.