Minh chứng một thời hào hùng
Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B có ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn. Đây là một nguồn sử liệu vô giá minh chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc gắn với số phận của hàng vạn con người trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt.
Ngày 25/7, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tổ chức Lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B và khai mạc Triển lãm “Kỷ vật thời thanh xuân” tại trụ sở số 34 Phan Kế Bính, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội.
Kỷ vật thời thanh xuân
Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B là toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, kỷ vật được hình thành trong quá trình hoạt động của cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác (gọi là đi B) và từ các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, an dưỡng, chữa bệnh, sau đó trở về miền Nam.
Trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… (gọi là hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Trong mỗi bộ Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn… còn có nhiều kỷ vật như Huân chương, Huy chương, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay, thẻ tiết kiệm, công trái, vàng…
Sau khi Ủy ban Thống nhất Chính phủ giải thể năm 1976, hồ sơ, kỷ vật được chuyển về cho Ban Tổ chức Trung ương. Tháng 8/1981, Ban Tổ chức Trung ương đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Ủy ban Thống nhất Chính phủ trong đó có khối hồ sơ, kỷ vật chuyển về cho Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quản lý, hiện nay đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, khi được bàn giao về cơ quan lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã chỉnh lý khoa học khối tài liệu này đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu trên mạng internet với hơn 72.000 hồ sơ cán bộ đi B từ các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời triển khai Đề án sao và trả hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B, trong đó đã trao Danh mục và sao trả 55.722 bản sao hồ sơ cán bộ đi B về Chi cục Văn thư, Lưu trữ 63 tỉnh, thành phố, phục vụ việc nhận lại hồ sơ của cán bộ đi B.
“Hiện nay Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang quản lý nhiều các hồ sơ có kỷ vật, trong đó có nhiều bức ảnh. Những hồ sơ, kỷ vật được trao trả cho gia đình sẽ hết sức có ý nghĩa đối với cán bộ đi B và gia đình của họ. Đây là những kỷ vật vô cùng thiêng liêng. Chúng tôi mong muốn có thể gửi về cho gia đình, người thân sớm nhất có thể” - bà Hoa nói.
Ký ức của thời kỳ hào hùng
Sau khi tiếp nhận, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về danh sách cán bộ đi B và tổ chức Lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B. Hàng năm, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã đón tiếp và phục vụ các cán bộ đi B, thân nhân có nhu cầu về thông tin và nhận kỷ vật tại Phòng Đọc Trung tâm, đồng thời tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm về hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B ở các tỉnh, thành phố, như: “Triển lãm hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (năm 2006); Triển lãm “Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tỉnh Vĩnh Phúc” (năm 2008); Triển lãm “Kỷ vật đi B – Quảng Trị - Ngày trở về” (năm 2018); “Tập kết năm 1954 - Cao Lãnh - Ra đi để trở về” (2019); Triển lãm trực tuyến “Vinh danh những anh hùng thầm lặng” (2021)…
Ông Trần Thư Nguyên (86 tuổi) cán bộ đi B từ năm 1965, thời điểm đó ông đang là giáo viên, nhớ lại ngày lên đường: “Vì nhiệm vụ chúng tôi lập tức lên đường. Hôm nay, cầm trên tay kỷ vật ngày đó, ký ức hào hùng lại ùa về. Có những ký ức không thể nào quên. Mong muốn con cháu ghi nhớ lịch sử hào hùng của cả dân tộc”
Còn bà Đặng Thị Kim Trâm (67 tuổi) em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã xúc động khi nhận lại những kỷ vật của chị gái. “Những hồ sơ, kỷ vật được lưu trữ là hết sức quý giá với mỗi cá nhân, gia đình cán bộ đi B. Được nhận lại những kỷ vật của chị gái, thực sự là quý giá đối với gia đình tôi” - bà Trâm chia sẻ.
“Hiện nay, xã hội vẫn chưa biết nhiều về công lao, cống hiến của cán bộ đi B. Chúng tôi mong muốn sau này, Nhà nước sẽ dành một ngày trong năm để kỷ niệm, tưởng nhớ những cán bộ đi B” - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa bày tỏ.