Vàng 'bay màu' và vì sao có tâm lý... chán vàng?
Gần đây việc giá vàng miếng thị trường trong nước liên tục “nhảy múa” khiến nhiều người cười ra nước mắt. Người ta cho rằng, nếu giữ làm của để dành thì nên mua vàng nhẫn “bốn số chín” thay vì vàng miếng SJC vì chất lượng như nhau trong khi vàng miếng SJC đắt hơn trên 10 triệu đồng/lượng, tính trung bình.
Một chuyên gia về lĩnh vực vàng cho biết, năm 1994, đúng 5 năm sau ngày dập vàng miếng đầu tiên, Công ty Vàng bạc Đá quý TPHCM (SJC) thông báo đã gia công một triệu lượng vàng, tương đương 37,6 tấn; chiếm hơn 90% lượng vàng lưu thông trên thị trường. Nhưng tới nay, “thời hoàng kim” đã qua, thị phần của SJC giảm sút rõ rệt. Điều đó cũng là do nhu cầu về vàng giảm mạnh khi nó là kênh đầu tư lép vế so với tiền đồng, chứng khoán và đặc biệt là bất động sản. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, 5 tháng qua doanh số mua bán vàng miếng trên địa bàn thành phố chưa tới 400.000 lượng. Doanh số mua vào giảm 15%, bán ra giảm 12% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, khi Nghị định 24 về quản lý, kinh doanh vàng ra đời và có hiệu lực từ giữa năm 2012, sự liên thông giữa giá vàng quốc tế và trong nước bị cắt đứt, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Từ đó cũng xuất hiện tâm lý “chán vàng” như một kênh đầu tư có lời hoặc là nơi “trú ẩn” trước những biến động thị trường. Cả giai đoạn 2014-2019 giá vàng SJC xoay quanh ngưỡng 35-36 triệu đồng/lượng, bất chấp giá vàng thế giới lên xuống. Hệ lụy vàng bị “chán” cuối cùng phát huy tác dụng.
Một nguyên nhân nữa khiến “vàng bay màu” là do Nhà nước ngừng cấp quota dập vàng cho công ty SJC. SJC hiện nay chỉ chế tác vàng nữ trang và đổi vàng móp méo, hư hỏng bao bì cho người tiêu dùng với phí 140.000 đồng/lượng. Doanh thu của công ty SJC từng đạt 110.000 tỷ đồng năm đỉnh cao 2011, thì 10 năm sau tụt xuống gần 18.000 tỷ đồng.
Trở lại với giá vàng “nhảy múa” hơn một tháng qua, có thể thấy sự trồi sụt vẫn chưa chấm dứt. Nếu như vào đầu tháng 6, giá vàng miếng SJC lên tới hơn 70 triệu đồng/lượng, thì những phiên giao dịch sau đó (tính theo từng ngày) đã rung lắc dữ dội. Khi ở “đỉnh”, giá vàng miếng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới gần 20 triệu đồng/lượng. Đó là độ chênh “không tưởng” vì tính vô lý của nó.
Tuy nhiên, cũng chính vào thời điểm giá vàng trên đà tăng, thì giao dịch lại rất sôi động, bất chấp việc nếu mang vàng đi bán sẽ thấp hơn giá mua vào tới hơn 2 triệu đồng/lượng. Nhưng khi giá vàng theo chiều đi xuống thì giao dịch lại giảm rõ rệt, số người bán để cắt lỗ nhiều hơn hẳn số người “ôm vào” vì cho rằng giá sẽ còn rớt nữa.
Mà đúng như vậy, từ đầu tháng 7 tới nay giá vàng miếng được coi là lao dốc. Chốt phiên 1/7, Tập đoàn Doji niêm yết vàng ở mức 68,1 triệu đồng - 68,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn giá vàng SJC niêm yết ở mức 68,15 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 68,75 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Sau những ngày “đầy bất trắc”, tới ngày 19/7, các hệ thống kinh doanh vàng miếng niêm yết giá mua vào 60 triệu đồng, có nghĩa là giảm 3,5 triệu so 12 giờ trước và giảm tới 7 triệu đồng trong vòng hơn nửa tháng trước đó.
Cho tới ngày hôm qua, 25/7, chốt phiên giao dịch, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 64,7 triệu đồng/lượng, bán ra 66,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 51,85 triệu đồng/lượng mua vào, 52,75 triệu đồng/lượng bán ra. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng SJC giữ ở mức 1,5 triệu đồng/lượng trong khi biên độ giá vàng trang sức khoảng 900.000 đồng/lượng.
“Rung lắc”, “bất trắc”, “bị nhấn chìm”, đó là những từ xuất hiện nhiều khi mà giá vàng miếng tiếp tục khó đoán định. Thậm chí, có người còn cho rằng giá vàng miếng trong nước sẽ nhanh chóng xuống tới mức 48 triệu đồng/lượng.
Tất cả dự báo đều chỉ là... dự báo, tuy nhiên có điều chắc chắn là trong dài hạn vàng sẽ không còn là chỗ “trú ẩn” an toàn, khi mà mức chênh quá cao so với giá vàng thế giới. Cụ thể, ngày 25/7, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 12 triệu đồng/lượng.