Giữ mãi mạch nguồn tri ân. Bài 3: Nghĩa tình tháng Bảy tại đất lửa Quảng Trị

Nghĩa Văn 26/07/2022 09:37

Những ngày tháng Bảy, người dân khắp mọi nơi lại tìm về mảnh đất Quảng Trị để viếng thăm những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Thăm vùng đất lửa, viếng anh linh các anh hùng liệt sĩ

Những ngày này, các địa điểm tại tỉnh Quảng Trị như: Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị… đều có rất nhiều đoàn đến thăm viếng.

Trong số đó, có những đoàn là cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, viếng những người đồng đội đã hi sinh; có những đoàn là cán bộ và nhân dân của các địa phương khác đến thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sĩ; cũng có những gia đình vào thăm thân nhân hay những gia đình đi đến đây để bày tỏ lòng thành kính, tri ân đối với sự hi sinh của thế hệ đi trước…

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Quang Hưng (33 tuổi, đến từ Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho hay, anh đã biết Thành cổ Quảng Trị nói riêng và mảnh đất Quảng Trị nói chung là nơi in đậm dấu ấn của chiến tranh. Tuy nhiên, khi ghé thăm trực tiếp nơi đây anh mới cảm nhận rõ nét những hi sinh, mất mát của thế hệ cha ông đi trước là to lớn đến nhường nào.

Cùng cảm xúc với anh Hưng, chị Phạm Thị Tuyên (40 tuổi, đến từ TP Đà Nẵng) cho biết, chị cùng với gia đình đến một số địa điểm ở tỉnh Quảng Trị và khi chứng kiến cảnh hàng nghìn ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9… chị vô cùng xúc động và cảm ơn thế hệ cha ông đi trước đã hi sinh thân mình để thế hệ đi sau được sống trong hòa bình, độc lập.

Dịp này rất nhiều đoàn ở khắp mọi nơi về thăm viếng các địa điểm di tích lịch sử tại tỉnh Quảng Trị.

Bà Đoàn Thị Yến (55 tuổi, đến từ huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đến thăm viếng mộ người thân đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, chia sẻ trong sự xúc động, gia đình bà ở ngay trong tỉnh nên thỉnh thoảng lại đến viếng mộ người anh của bà đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mỗi lần đến đây, bà đều thấy ngoài gia đình mình còn có rất nhiều người khác, các đoàn đến thăm viếng nên cũng thấy được an ủi và vơi đi sự mất mát của gia đình mình.

Không may mắn như gia đình bà Yến, bà Nguyễn Thị Thiệp (63 tuổi, trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cho biết, anh trai của chồng bà cũng hi sinh khi tham gia đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tuy nhiên, đến nay gia đình vẫn chưa tìm được mộ của liệt sĩ. Vậy nên, mỗi năm đến dịp 27/7, gia đình bà lại sắm sửa một mâm cơm theo phong tục của địa phương và đặt giữa sân để cúng cho người anh trai của chồng đã hi sinh trước đó.

Gia đình bà Trương Thị Nghĩa (64 tuổi, đến từ Quỳ Hợp, Nghệ An), sau bao năm tìm kiếm thì có thông tin liệt sĩ Trương Xuân Hồng - anh trai bà Nghĩa hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Tuy nhiên, khi gia đình đến trực tiếp thì thấy rằng nội dung ghi trên bia mộ liệt sĩ có điều chưa trùng khớp. Bởi vậy, bà Nghĩa cùng người thân trong gia đình phải tiếp tục liên hệ cơ quan chức năng để xác minh lại. Bà Nghĩa cũng cho biết, trong trường hợp xác minh chính xác thông tin và đúng là phần mộ của anh trai mình thì gia đình bà có nguyện vọng được đưa liệt sĩ về nghĩa trang tại quê nhà để tiện bề chăm sóc, thăm viếng.

Thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều hoạt động như: Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Huân chương Độc lập; Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu và tuyên dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ “Màu hoa đỏ”; Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ và Chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình”; Viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đường 9 và dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị…

Lãnh đạo các cấp, ban, ngành tại tỉnh cũng đã tiến hành thăm hỏi, động viên các gia đình Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ… Điển hình, theo kế hoạch, đoàn công tác gồm ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Thanh và nhiều cán bộ, lãnh đạo địa phương sẽ thăm các gia đình tại huyện Hải Lăng, gồm: Gia đình ông Nguyễn Minh Thái (thương binh 41%, bị tù đày), bà Nguyễn Thị Diêm (con liệt sĩ Nguyễn Tiện), bà Nguyễn Thị Mến (con liệt sĩ Nguyễn Đồng); tương tự, đoàn công tác gồm ông Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cùng nhiều cán bộ, lãnh đạo địa phương và đoàn công tác gồm bà Lê Thị Lan - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện hướng tới 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và thăm hỏi, động viên các gia đình, tỉnh Quảng Trị đang thực hiện hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn.

Thông tin về hoạt động thiết thực này, ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trong vòng 10 năm (2021 - 2022), tỉnh đã hỗ trợ xây mới 1.557 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 416 căn và tặng hàng nghìn sổ tiết kiệm cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đồng thời, phấn đấu đến trước năm 2025 sẽ không còn gia đình người có công với cách mạng, gia đình thân nhân gặp khó khăn về nhà ở.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành rà soát nhu cầu nhà ở của các gia đình người có công với cách mạng, gia đình thân nhân, từ đó xây dựng Đề án để huy động các nguồn lực xã hội triển khai thực hiện. Sau 6 tháng phát động đề án, tỉnh đã vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 268 nhà với trị giá trên 21 tỷ đồng.

Nghĩa Văn