Lãi suất trước áp lực tăng
Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng đã tham gia “cuộc đua” lãi suất. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát toàn cầu leo thang là một trong những nguyên nhân gây nhiều áp lực lên lãi suất trong nước.
Lãi suất đang tăng
Theo khảo sát với lãi suất gửi tiết kiệm, mức cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB với mức 7,30% cho kỳ hạn 12 tháng, tiếp theo là CBBank với 7,15%.
Ở một số kỳ hạn, mức chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng đã thấy rõ. Điển hình, kỳ hạn 1 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động dao động từ 3,0% - 4,0%. Có 5 ngân hàng niêm yết lãi suất ở mức cao nhất 4% là VIB, SCB, NCB, PGBank, GPBank. Trong khi đó, 4 niêm yết mức lãi suất ở mức thấp 3,0% - 3,1%. Thấp nhất thị trường là MB với mức lãi suất niêm yết 2,9%.
Lãi suất đang tăng cũng thu hút người dân gửi tiết kiệm. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5/2022 cho thấy tốc độ tăng tiền gửi của dân cư nhanh hơn tốc độ tăng của tiền gửi từ tổ chức kinh tế.
Ở kỳ hạn 6 tháng, chênh lệch lên tới 2,85%. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn này dao động từ 4% -6,9%. Cao nhất là CBBank ở mức 6,9% (hình thức gửi tiết kiệm online). Trong khi đó, vị trí chót bảng là 4 ngân hàng có vốn nhà nước: VietcomBank, VietinBank, Agribank, BIDV mới mức 4%.
Lãi suất đang tăng cũng thu hút người dân gửi tiết kiệm. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5/2022 cho thấy tốc độ tăng tiền gửi của dân cư nhanh hơn tốc độ tăng của tiền gửi từ tổ chức kinh tế.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 5/2022, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,07% so với cuối năm ngoái. Tiền gửi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng cũng ghi nhận thêm 1 tháng tăng liên tiếp kể từ tháng 8 năm ngoái đến nay.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến và lãi suất cho vay bắt đầu tăng vào cuối quý II/2022. Lãi suất huy động được dự báo có thể tăng thêm 0,5-0,7 điểm % sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm, lãi suất huy động được kỳ vọng tăng 1 - 1,5 điểm %.
Trước đó, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh trong quý III/2022 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4,9% trong quý III và tăng 11,5% trong cả năm nay. Mặt bằng lãi suất cho vay - huy động được các tổ chức tín dụng dự báo có thể tăng nhẹ trong quý III/2022 và cả năm 2022 trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.
Có tiếp tục tăng?
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục tăng trong năm nay, do áp lực lạm phát và người dân muốn chuyển dịch kênh đầu tư. Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền gửi, khiến áp lực lãi suất đầu vào cũng như lãi suất cho vay tăng cao.
Một góc nhìn khác, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất đến nhiều tác động lên lãi suất VND. Vả lại, trước nhu cầu tín dụng tăng nhanh tăng trong các tháng còn lại, đòi hỏi trước hết đối với các ngân hàng là phải có kế hoạch chuẩn bị tốt thanh khoản ngay từ lúc này. Và như vậy, cuộc đua lãi suất huy động sẽ vẫn tiếp diễn.
Điều này cũng được ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank thừa nhận việc tín dụng nửa đầu năm tăng nhanh, cao gấp đôi so với huy động vốn (huy động vốn tăng 4,61%) là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro cho lãi suất. Tín dụng 6 tháng đã tăng 9,35%, nếu tiếp tục tăng trưởng mạnh thì rõ ràng áp lực lạm phát rất lớn.
“Hy vọng các ngân hàng thương mại cố gắng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng vì nguồn vốn trong dân chỉ có mức nhất định, tăng trưởng huy động vốn năm nay không tăng nhiều so với năm trước trong khi tín dụng tăng quá mạnh thì các ngân hàng sẽ giành giật vốn lẫn nhau, châm ngòi cho cuộc đua lãi suất. Tôi mong rằng Chính phủ, NHNN sẽ có kế hoạch đảm bảo tăng trưởng phù hợp” - ông Ấn cảnh báo.
Tuy nhiên, chính TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, dù lãi suất huy động có xu hướng tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn được duy trì ổn định nhằm hỗ trợ phục hồi như định hướng của Chính phủ và NHNN, đặc biệt là khi gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng được triển khai.
NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, chưa vội thắt chặt chính sách ngay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và ổn định thị trường.