Gần 62.000 tỷ trái phiếu được mua lại trước hạn
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng gần 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Thông tin từ Bộ Tài chính về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ 6 tháng năm 2022, thị trường đã có những thay đổi sau những hoạt động tăng cường quản lý của cơ quan nhà nước đối với hoạt động phát hành TPDN, cung cấp dịch vụ và đầu tư TPDN riêng lẻ.
Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc công bố thông tin bổ sung về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu.
Khối lượng phát hành TPDN tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022, lên đến 55.900 tỷ đồng và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4 khi tháng 3 đạt mức 48.800 tỷ đồng, tháng 4 đạt 30.600 tỷ đồng.
Từ tháng 5/2022, khối lượng phát hành tăng trở lại, ở mức 44.200 tỷ đồng và sang tháng 6 vào khoảng 47.500 tỷ đồng.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mặc dù "khát vốn" để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhưng không ít doanh nghiệp vẫn "mạnh tay" mua lại trái phiếu trước hạn.
Cụ thể, trong quý I/2022, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 12.800 tỷ đồng, sang đến quý II là khoảng 49.100 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61.900 tỷ đồng TPDN.
Thị trường TPDN đang có sự tăng trưởng “nóng” đi kèm với đó là rủi ro không thanh toán được gốc và lãi của các doanh nghiệp khi trái phiếu đến hạn.
Vì vậy, chiều 25/7, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi tới các nhà đầu tư một số khuyến nghị trong bối cảnh thị trường TPDN 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng trưởng về giá trị phát hành.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ rủi ro trước khi quyết định đầu tư.
Tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các cam kết về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành trong bối cảnh phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản gồm bất động sản, chứng khoán.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần hiểu rõ quy định pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để đảm bảo mình đủ điều kiện được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng khuyến nghị nhà đầu tư hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.