Quảng Ninh: Khẳng định là nơi hội tụ của các nhà đầu tư
Trước thềm sự kiện Kỳ họp thứ III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), sự kiện mang nhiều ý nghĩa đối với các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022.
Nhà đầu tư được gì khi đến Quảng Ninh?
Với chủ đề “Quảng Ninh Hội tụ và lan tỏa”, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 diễn ra trong bối cảnh Quảng Ninh là một điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn “An toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới”; thực hiện thành công “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng GRDP hơn hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016 - 2021) của một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện khu vực phía Bắc, với quy mô GRDP năm 2021 (giá hiện hành) đạt trên 238 ngàn tỷ đồng và chủ động chuyển sang thực hiện “Thích ứng an toàn”, hoàn toàn chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, vừa chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa giữ vững sự ổn định kinh tế - xã hội, sản xuất - kinh doanh, nhanh chóng phục hồi vững chắc ngành du lịch.
6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đón 5,5 triệu lượt khách du lịch, gấp 2,2 lần cùng kỳ, giúp hồi sinh hàng ngàn doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động; tạo tiền đề rất quan trọng để đạt mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 10,66%, cao hơn cùng kỳ 2,64 điểm %.
Quảng Ninh cũng là vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, lan tỏa giá trị và lợi ích đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân và du khách.
Những năm gần đây, Quảng Ninh được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược (gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy - hàng hải quốc tế), hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng dịch vụ, du lịch, hạ tầng đô thị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng: Tỉnh đã kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển bền vững, được dẫn dắt bởi các động lực tăng trưởng của chuỗi các khu kinh tế trọng điểm Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái, 15 khu công nghiệp hiện hữu (và 8 khu công nghiệp trong tương lai), chuỗi đô thị biển, ven biển (mà hiện nay tỉnh đã có 4 thành phố, 2 thị xã, tỷ lệ đô thị hóa đạt 67%, chỉ đứng sau các thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là 7 thành phố, 1 thị xã, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%).
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh kêu gọi: Đến với Quảng Ninh, các nhà đầu tư và doanh nghiệp được lan tỏa lợi ích từ chính quyền địa phương với nền quản trị hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, không ngừng nỗ lực tập trung cải cách nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; quyết tâm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI đã 5 năm ở vị trí số 1), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index 4 năm liên tục dẫn đầu), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 3 năm liền ở vị trí thứ nhất) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
Gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người dân - nhà nước - nhà đầu tư (doanh nghiệp) trong tất cả các quyết sách phát triển, không ngừng kiến tạo, củng cố niềm tin của nhân dân, bởi đó là động lực to lớn và cũng là nguồn lực vô tận.
Chủ tịch VCCI: "Chúng tôi chọn Quảng Ninh"
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Quảng Ninh có vị trí chiến lược của Việt Nam, là “cây cầu” nối giữa Trung Quốc và khu vực CPTPP (hai khu vực thương mại hàng đầu thế giới), giữa Trung Quốc và thị trường ASEAN (hai thị trường phát triển năng động hàng đầu thế giới).
Quảng Ninh là một hiện tượng, với những thành công nổi bật trong phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Ông Phạm Tấn Công dẫn chứng: Quảng Ninh luôn nằm trong top đầu quốc gia về tăng trưởng kinh tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, dù dịch bệnh còn ảnh hưởng rất lớn nhưng Quảng Ninh vẫn rất xuất sắc đạt mức 2 con số, 10,66%. Không những thế, Quảng Ninh đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên 10% này liên tục trong 6 năm, từ 2016 đến 2021. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tỉnh nhà tăng lên rõ rệt; GRDP bình quân đầu người năm 2021 của Quảng Ninh đạt trên 7.000 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Quảng Ninh phát triển nhanh, vì sao nhiều doanh nghiệp chọn Quảng Ninh làm điểm đến? Chủ tịch VCCI đưa ra câu trả lời: Do nhiều yếu tố, từ tầm nhìn, chiến lược phát triển đúng đắn, các chính sách phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, đến các thuận lợi về vị trí địa lý, về thiên nhiên, văn hoá, xã hội của Quảng Ninh.
“Tại Diễn đàn này, tôi chỉ lưu ý với các doanh nghiệp hai yếu tố đã trở thành hai lợi thế đặc biệt và thương hiệu của Quảng Ninh: Một là hạ tầng giao thông hiện đại. Hai là, về môi trường kinh doanh thuận lợi.
Khi lựa chọn địa điểm tổ chức Hội nghị ABAC 3, chúng tôi đã từng cân nhắc nhiều địa điểm nhưng thực sự không mất nhiều thời gian để quyết định địa điểm tổ chức là Quảng Ninh. Không chỉ bởi cái đẹp của Vịnh Hạ Long, kỳ quan và di sản thiên nhiên thế giới, mà bởi vì Quảng Ninh chính là địa phương thể hiện được rõ nét nhất tiềm năng phát triển và sự năng động của đất nước Việt Nam” - Ông Phạm Tấn Công nói.
Tại Hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách thu hút đầu tư của địa phương vào các lĩnh vực tỉnh đang có lợi thế cạnh tranh vượt trội như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp sinh thái; thúc đẩy kinh doanh xanh; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió, kinh tế số… Đây là những lĩnh vực Quảng Ninh đang tập trung thu hút đầu tư. Kế hoạch đầu tư vào các lĩnh vực này cũng được thảo luận kỹ càng bởi các chuyên gia, doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh.