Chuyên gia cảnh báo loạt dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản
Chuyên gia cảnh báo loạt dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản; thị trường ế ẩm, nhà đầu tư bất động sản âm thầm cắt lỗ nhiều lần... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa đưa ra cảnh báo về một số dấu hiệu "bất ổn", đáng quan ngại của thị trường bất động sản do đang có biểu hiện giảm tốc, chững lại, giảm thanh khoản.
Dấu hiệu bất ổn thứ nhất theo HoREA, đó là tình trạng lệch pha cung - cầu, thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở.
Thứ hai là tình trạng lệch pha phân khúc thị trường, trong đó lệch về phân khúc nhà ở cao cấp, trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở có giá vừa túi tiền, có giá dưới 2 tỷ đồng/căn và nhà ở xã hội.
Một dấu hiệu khác được HoREA dẫn chứng để nhận định về sự bất ổn, đó là giao dịch bất động sản trầm lắng, khách hàng mua nhà và cả chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở cũng rất khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng; giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm 79% trong quý II năm nay.
Theo anh Nguyễn Khanh - một nhà đầu tư bất động sản không chuyên, khoảng cuối năm 2020, anh và nhóm bạn mua một mảnh đất rộng hơn 120 m2 để phân thành 3 lô, xây nhà để bán. Lúc đó, thị trường sôi động, giá đất mua vào cũng ở mức cao, cộng với chi phí vật liệu xây dựng cao, khiến tổng mức đầu tư vượt dự toán nhiều lần.
"Do không chuyên nghiệp trong xây dựng và cân đối được dòng tiền, số tiền vay mượn ngân hàng cũng lớn hơn 70% giá trị căn nhà hoàn công. Anh em cũng tích cực bán để thu vốn, nhưng không có người mua", anh Yên nói.
Cũng theo anh Yên, cộng tiền đất và chi phí xây dựng một căn nhà xây sẵn như hiện tại của anh đã tới 3 tỷ đồng. Nhưng, anh đang bán cắt lỗ tới lần thứ 3 trong 2 tháng qua với số tiền lên tới 300 triệu đồng vẫn không thể bán được.
"Thị trường biến động nhanh khiến nhà đầu tư không chuyên như chúng tôi rơi vào thế khó chỉ sau thời gian ngắn. Tôi đang rất kỳ vọng sẽ bán sớm được căn nhà này để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng sớm", anh Yên chia sẻ và khẳng định giá cắt lỗ đã "ăn" vào tiền vốn của mình.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Nghị định số 44 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Cụ thể, Bộ đề nghị các địa phương giao Sở Xây dựng hoặc cơ quan chuyên môn quản lý nhà ở và thị trường bất động sản địa phương cấp tỉnh xây dựng quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản địa phương; tổ chức vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương.
Các cơ quan nêu trên cũng cần phối hợp với các đơn vị thu thập; tiếp nhận các thông tin liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản địa phương do cơ quan, tổ chức, cá nhân chia sẻ, cung cấp.
Đồng thời với việc tiếp nhận là chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin theo quy định của pháp luật. Bộ Xây dựng cũng lưu ý về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của địa phương, gửi báo cáo về Bộ Xây dựng theo quy định; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, về việc thực hiện chế độ cung cấp thông tin, dữ liệu được quy định tại Nghị định này.