Nhà quản lý, chuyên gia ‘bắt bệnh’ kinh tế Vùng đồng bằng sông Hồng
Khẳng định Vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều lợi thế vượt trội, kết quả phát triển kinh tế tích cực nhưng đại diện các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia cũng chỉ ra nhiều khó khăn, bất cập, những thách thức, rủi ro Vùng này đang phải đối mặt trong quá trình phát triển…
Chiều 26/7, tại tỉnh Nam Định, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hội thảo được tổ chức nhằm phục vụ xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
13 tham luận của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia được trình bày hoặc gửi tới hội thảo đều cùng nhìn nhận, đánh giá Vùng đồng bằng sông Hồng (gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, trong đó có 5 tỉnh, thành có không gian biển) có tiềm năng, lợi thế vượt trội về tự nhiên, hạ tầng, xã hội, nguồn nhân lực; có vị thế đặc biệt quan trọng, là động lực dẫn dắt các vùng kinh tế khác và đóng góp hàng đầu cho kinh tế cả nước…
Dân số chiếm 23,6% nhưng đóng góp 30,6% GDP của cả nước
Trong đó, theo đánh giá của đại diện Bộ GTVT, đây là vùng có dân cư đông đúc, có lịch sử phát triển lâu đời; có các ngành dịch vụ phát triển khá, nhất là dịch vụ du lịch; có tiềm năng phát triển các hành lang kinh tế, chủ yếu gắn với các khu đô thị và khu công nghiệp thành các hành lang kinh tế tổng hợp; có vị trí thuận lợi, trở thành cửa ngõ ở phía biển Đông với khu vực và thế giới và là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Dẫn số liệu nghiên cứu chỉ chiếm 23,6% dân số cả nước nhưng Vùng đồng bằng sông Hồng đóng góp tới 30,6% GDP của cả nước, Tiến sỹ Cấn Văn Lực (Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia) nêu ra 5 yếu tố vượt trội của vùng trong những năm qua, gồm: Kinh tế đạt tốc độ cao, góp phần quan trọng vào GDP của cả nước; thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao so cả nước; hệ thống hạ tầng ngày càng đồng bộ, hiện đại; hoạt động ngoại thương, thu hút FDI và du lịch đạt kết quả khả quan trong giai đoạn 2016 - 2021; môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cải thiện.
Tuy nhiên, theo đại diện các bộ ngành, địa phương, chuyên gia, bên cạnh những kết quả tích cực, phát triển kinh tế - xã hội ở Vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, gặp nhiều thách thức, rủi ro.
Trong đó, theo đại diện Bộ GTVT, sự phát triển của vùng thời gian qua chủ yếu vẫn mang tính độc lập, đơn lẻ của từng địa phương; tính liên kết, hợp tác phát triển chưa cao, đặc biệt là trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển công nghiệp, du lịch; chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cũng như xác định rõ vị trí, vai trò của từng địa phương trong vùng.
Vùng đồng bằng sông Hồng cũng được nhìn nhận là vùng có quy mô diện tích nhỏ nhưng là vùng có dân số đông, đang gây áp lực trong việc mở rộng không gian phát triển.
Kết cấu hạ tầng mặc dù có sự phát triển mạnh trong giai đoạn vừa qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng như thiếu đồng bộ, khả năng kết nối hạn chế, hạ tầng giao thông phát triển thiếu đồng bộ, đường sắt và đường thủy chưa góp phần giảm tải cho đường bộ. Hệ thống giao thông ở cửa ngõ thủ đô Hà Nội còn nhiều bất cập, nguy cơ ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ thủ đô…
Liên kết vùng mờ nhạt, mới chỉ dừng ở hội nghị, hội thảo
Liên quan đến thể chế liên kết vùng, đại diện Bộ KHĐT nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, liên kết vùng ở Vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều hạn chế, các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do Trung ương đầu tư.
Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và kết nối hạ tầng còn chưa được triển khai rộng khắp dù đã có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết. Do vậy, liên kết vùng chưa phát huy hết vai trò và thế mạnh của từng địa phương trong một vùng.
Đại diện bộ cũng chỉ ra rằng, chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng tạo điều kiện cho thúc đẩy liên kết tại Vùng đồng bằng sông Hồng. “Tính liên kết giữa các địa phương trong các hoạt động phát triển trên thực tế còn khá mờ nhạt” - đại diện bộ nhìn nhận, thêm rằng “hình thức liên kết mới tập trung ở hội nghị, hội thảo, biên bản ghi nhớ; địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một, hai địa phương, tập trung chủ yếu tại các địa phương có tiềm lực kinh tế; chưa có liên kết ngoài vùng”.
Liên quan đến phát triển lĩnh vực logistics ở vùng, bên cạnh những kết quả tích cực, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đánh giá, quỹ đất để xây dựng kho hàng, kho bãi, trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics của vùng không nhiều, vốn đầu tư của các doanh nghiệp không lớn. Hệ thống kho cơ bản có cơ sở vật chất lạc hậu vì xây dựng đã lâu, không được đầu tư sửa chữa thường xuyên. Huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics của vùng còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn một số tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết.
Việc kết nối các loại hình giao thông với nhau còn hạn chế. Vận tải container đường thủy nội địa chưa phát triển, thiếu các giải pháp đồng bộ để khuyến khích dịch chuyển lượng hàng vận chuyển bằng đường bộ xuống đường thủy từ cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, nổi bật là vấn đề tĩnh không cầu Đuống, thiếu cảng container đầu mối tại khu vực Hà Nội, thiếu bến đỗ cho phương tiện vận tải thủy nội địa tại khu vực cảng biển, luồn tuyến bị khan cạn dài ngày trong năm.
Đại diện Bộ NN&PTNT đánh giá, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất để tổ chức vùng nguyên liệu ở Vùng đồng bằng sông Hồng còn chậm. Mặc dù đã xuất hiện các mô hình liên kết nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của Vùng.
Tích tụ, tập trung ruộng đất được thực hiện, phát triển thông qua mô hình “cánh đồng lớn” tuy nhiên diện tích đất sản xuất nông nghiệp phân tán, manh mún, nhỏ lẻ vẫn phổ biến dẫn đến khó ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất.
Việc xây dựng nông nghiệp công nghệ cao chưa tạo được đột phá, chưa có nhiều doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu trong xây dựng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Công nghiệp chế biến nông sản, kết cấu hạ tầng bảo quản, chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu tập trung.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Vùng vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, bãi rác tập trung chôn lấp…
Đại diện Bộ TNMT thì nhìn nhận, khác với phần nội địa, không gian kinh tế biển Vùng đồng bằng sông Hồng có thể đồng thời diễn ra nhiều hoạt động với các mục đích khác nhau, từ quốc phòng, an ninh đến hoạt động phát triển các ngành kinh tế biển và bảo vệ, bảo tồn giá trị tự nhiên, tài nguyên, sinh thái biển.
Từ đó, đại diện bộ đánh gia trong giai đoạn vừa qua, một số hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển với cường độ cao của các ngành kinh tế chưa phù hợp với chức năng sinh thái của biển, làm nảy sinh một số mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, và mâu thuẫn giữa chính các ngành kinh tế biển với nhau, làm suy giảm giá trị và khả năng đáp ứng các dịch vụ của biển đối với các nhu cầu sống còn của con người, gây ra các hệ lụy như suy giảm nguồn lợi, tài nguyên và đa dạng sinh học, ô nhiễm, sự cố môi trường.
Vùng biển và ven biển, hải đảo của Vùng đồng bằng sông Hồng cũng đang đối mặt với nhiều tác động của biến đổi khí hậu cực đoan, đe dọa việc sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, môi trường biển của Vùng…
Công nghệ áp dụng mới chỉ dừng ở phần đuôi, chưa có công nghệ nguồn
Ở góc độ địa phương, nói về những hạn chế trong phát triển sản xuất công nghiệp, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, việc đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm cộng nghiệp ở thành phố còn chậm, thành phố chưa có khu công nghiệp công nghệ cao.
Quy mô công nghiệp tuy tăng trưởng khá cao nhưng chủ yếu vẫn là đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Các ngành công nghiệp truyền thống có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước (giày dép, chế biến thực phẩm, đóng tàu, sản xuất thép…) tăng trưởng thấp hoặc suy giảm. Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển; chưa hình thành được các cụm liên kết ngành công nghiệp.
Công nghệ được các nhà đầu tư nước ngoài áp dụng tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng mới chỉ đạt mức trung bình, mới chỉ dừng ở phần đuôi công nghệ, chưa có công nghệ nguồn, công nghệ thiết kế sản phẩm ban đầu, thường chỉ nhằm vào các khâu lắp ráp, thủ công, cần nhiều lao động phổ thông.
Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chủ yếu sử dụng linh kiện ngoại nhập hoặc kéo theo các nhà máy sản xuất phụ trợ đi kèm vào đầu tư, do đó chưa phát huy được việc tạo đà và kích thích việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước và thị trường nội địa.
Dẫn số liệu nhập khẩu khu vực FDI chiếm trên 82% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn thành phố, ông Nguyễn Đức Thọ cho rằng điều này thể hiện nguồn nguyên liệu và bán thành phẩm trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, mối liên kết tác động giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cũng cho rằng chất lượng lao động dù đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường; hiệu quả giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân còn thấp.
Đặc biệt, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp, xen kẽ trong khu dân cư, ảnh hưởng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Từ góc độ chuyên gia, Tiến sỹ Cấn Văn Lực chỉ ra “bệnh” của Vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay là mức độ tăng trưởng còn chênh lệch đáng kể giữa các địa phương trong vùng.
Quy mô kinh tế của hầu hết các tỉnh trong vùng còn nhỏ; cơ cấu kinh tế dịch chuyển chậm; khu vực dịch vụ chưa tạo được chuyển biến rõ nét; cán cân thương mại vẫn nhập siêu.
Nhiều tỉnh có sự sụt giảm về điểm số và xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ngành du lịch chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và còn nhiều khó khăn hậu Covid-19.
Liên kết vùng còn khá lỏng lẻo, Hà Nội chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu. Nguồn lực tài chính vẫn còn một số hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Vùng.
Từ đó, vị chuyên gia “hiến kế”, Vùng đồng bằng sông Hồng cần sớm được hoàn thiện các quy hoạch quan trọng của vùng. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng tầm quy mô và hiệu quả thực chất của cơ chế liên kết vùng để thu hút và phát triển các nguồn lực tài chính.
Các tỉnh trong Vùng cũng cần chú trọng phát triển doanh nghiệp hiệu quả, bền vững, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường nguồn lực ngân sách địa phương; phát triển nguồn lực ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân vừa phù hợp với thế mạnh của Vùng vừa đảm bảo an toàn lành mạnh…