Tình sâu, nghĩa nặng

HOÀNG MAI 01/08/2022 05:56

“Là hai nước láng giềng gần gũi, cùng uống chung dòng nước sông Mê Công, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, Việt Nam và Lào có truyền thống bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc”. Câu nói ấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 – 18/7/2022) đã nói lên tình cảm sâu đậm của hai dân tộc anh em.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN.

Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long

Hơn 90 năm trước trên bán đảo Đông Dương có hai đất nước cùng chịu sự đô hộ của thực dân Pháp và cùng có chung khát vọng cháy bỏng thoát khỏi ách đô hộ của chế độ thực dân, giành độc lập dân tộc. Đồng chí hướng, nên các nhà cách mạng tiền bối của hai nước đã cùng nhau thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào ngày nay.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đã diễn ra ngày càng rộng khắp và gắn bó, với tinh thần đồng chí, anh em ruột thịt và ý chí cách mạng quật cường. Chính tinh thần ấy, ý chí ấy đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn, giúp cả hai dân tộc giành được chính quyền vào năm 1945. Và, ngày 2/9/1945 đánh dấu sự ra đời của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Còn ở bên kia dãy Trường Sơn, Chính phủ Lào Issala ra đời ngày 12/10/1945.

Cùng cháy bỏng khát vọng độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong cùng các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối của hai nước trong suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân, liên quân Việt Nam - Lào đã vượt qua bao gian khổ để đưa sự nghiệp kháng chiến của cả hai nước đi đến thắng lợi với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Nhưng điều đáng trân trọng hơn cả là trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất, quân và dân hai nước không chỉ đồng cam cộng khổ mà còn luôn luôn sát cánh, đoàn kết bên nhau như nhà thơ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại CHDCND Lào Tạ Minh Châu từng viết: “Như sông kia chẳng vơi dòng/ Câu thơ Bác mãi tạc lòng cháu con/ Chia từng hạt muối, nắm cơm/ Chung cùng cánh võng Trường Sơn đại ngàn/ Gánh cùng muôn nỗi gian nan/ Vui cùng mỗi khúc khải hoàn reo ca”.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã cử hàng vạn cán bộ, chiến sĩ sang phối hợp, giúp đỡ và sát cánh chiến đấu cùng quân đội và nhân dân Lào. Cũng với tình cảm đặc biệt, Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đã hết lòng hết sức hỗ trợ Việt Nam xây dựng “Đường Hồ Chí Minh”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…

Sự giúp đỡ lẫn nhau vô cùng to lớn và cao đẹp đó theo như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn là “đã trở thành sức mạnh vô song, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của mỗi nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975”.

Hơn 90 năm sát cánh trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và cả trong thời bình thì hai nước đã trải qua 60 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022). Sáu thập niên với biết bao biến thiên của lịch sử nhưng tình hữu nghị Việt Nam - Lào vẫn không hề nhạt theo năm tháng; dù cho biết bao những tác động ngoại lực như muốn thử thách tình cảm của nhân dân hai nước.

Sự gắn kết tình cảm anh em Việt Nam - Lào vì thế luôn luôn là biểu tượng mẫu mực của tinh thần đoàn kết quốc tế, tinh thần quốc tế vô sản. Việt Nam và Lào - hai nước anh em luôn đề cao hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau với tình cảm vô tư, trong sáng để cùng nhau bảo vệ độc lập, hòa bình và phát triển kinh tế - xã hội.

“Tình đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào là quy luật khách quan, là nhân tố có ý nghĩa sống còn của mỗi Đảng, mỗi nước; đồng thời là tài sản chung vô giá và là nền tảng để hai nước chúng ta cùng phát huy trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Việt Nam và Lào không chỉ là hai nước láng giềng, mà là hai nước anh em, đồng chí”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá như thế về quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm.

Còn Thường trực Ban Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounthong Chitmany thì nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng phấn khởi thấy rằng, mặc dù tình hình khu vực, quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, bên cạnh những khó khăn, thách thức mỗi nước phải đối mặt, quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam vẫn tiếp tục được phát huy sâu rộng, được thể hiện thông qua kết quả hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục vững chắc, quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác cũng như quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước đều có những tiến triển và đang mang lại lợi ích thực tiễn cho cả hai bên”.

45 năm cùng nhau phát triển

Sau khi hòa bình lập lại, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977. Hiệp ước này đã trở thành cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để hai bên không ngừng củng cố và phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam - Lào trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một dấu mốc vô cùng quan trọng đối với cách mạng hai nước, khẳng định trên nền tảng vững chắc của tình đoàn kết và hữu nghị không gì lay chuyển được giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Hợp tác Việt Nam - Lào thể hiện toàn diện, sâu sắc trên khắp các lĩnh vực từ chính trị, an ninh, kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ. Đặc biệt, hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào ngày càng thực chất và hiệu quả.

Giao lưu giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân của hai nước ngày càng sôi động, phong phú. Nhiều dự án, công trình hợp tác mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị thủy chung, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã và đang phát huy hiệu quả. Điển hình như, công trình Nhà Quốc hội mới của Lào khánh thành vào năm 2021 - quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là một trong những biểu tượng có nhiều ý nghĩa của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ đổi mới.

Một lĩnh vực quan trọng khác là hợp tác kinh tế đã trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ hai nước và ngày càng khởi sắc. Thương mại song phương tăng trưởng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2021 vẫn tăng trưởng 33,3%, đạt 1,37 tỷ USD. Hợp tác đầu tư cũng phát triển vượt bậc. Đến nay, Việt Nam đã đầu tư 214 dự án tại Lào với tổng số vốn đạt 5,33 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.

Các dự án của Việt Nam tại Lào đang phát huy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, như thủy điện, kết cấu hạ tầng, hàng không, tài chính, ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp…, không chỉ góp phần tăng cường kết nối kinh tế hai nước, mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi nước.

Nổi bật là, dự án Cảng quốc tế Việt Nam - Lào tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) cùng với các dự án hợp tác nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt qua biên giới hai nước theo trục Đông - Tây sẽ góp phần quan trọng giúp Lào khai thác vận tải biển và tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế để thực hiện mục tiêu chiến lược của Lào là phấn đấu trở thành một trung tâm hậu cần, tiếp vận (logistics) ở tiểu vùng sông Mê Công và khu vực Đông Nam Á.

Nhận định về hợp tác Việt Nam - Lào trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, cần mở rộng và nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối kinh tế, cơ sở hạ tầng nhằm củng cố nền tảng lâu dài, vững chắc cho quan hệ hai nước.

60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào đã cho nhiều trái ngọt trong quan hệ hai nước - đây chắc chắn sẽ là nền tảng tốt để hai nước tiếp tục củng cố hơn nữa mối quan hệ truyền thống tốt đẹp này.

HOÀNG MAI