Nhà văn Võ Hồng: Thăm thẳm cô đơn

LÊ ĐỨC DƯƠNG 31/07/2022 19:58

Mỗi khi nhắc đến Võ Hồng, trong tôi hoài cảm dâng trào kỷ niệm về những năm tháng cuối đời của nhà văn. Ông đã sống trong một căn phòng nhỏ trên tầng hai ở đường Hồng Bàng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trong thăm thẳm cô đơn.                                                     

Nhà văn Võ Hồng.

Cuối tháng 4 vừa qua, Hội thảo “Hoài cố nhân - kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” được tổ chức tại Phú Yên - quê hương nhà văn Võ Hồng. Đông đảo các nhà nghiên cứu, học giả, nhà văn cả nước tham dự. Đây thực sự là một món quà đầy trang trọng dành cho nhà văn nổi tiếng của miền đất Nam Trung bộ.

Võ Hồng, sinh năm 1923, tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông là anh cả trong gia đình có hai em trai và bốn em gái. Mồ côi mẹ lúc mười một tuổi, được thân phụ nuôi dưỡng, cho học hành thành tài.

Võ Hồng cầm bút khá sớm. Từ năm 1939, Võ Hồng đã có truyện ngắn đầu tay "Mùa gặt" đăng trên "Tiểu thuyết thứ Bảy" với bút hiệu Ngân Sơn. Trong cuộc đời sáng tác, Võ Hồng còn sử dụng các bút danh: Võ An Thạch, Võ Tri Thủy. Năm 1959, Võ Hồng xuất bản tập truyện ngắn "Hoài cố nhân".

Tác phẩm vừa ra đời đã được người đọc đón nhận nồng hậu. Từ năm 1959 đến năm 1993, Võ Hồng đã sáng tác và xuất bản hơn 20 tác phẩm, gồm: “Hoài cố nhân” (1959), “Lá vẫn xanh” (1962), “Bên kia đường” (1968), “Những giọt đắng” (1969), “Trầm mặc cây rừng” (1971), “Trong vùng rêu im lặng” (1988), “Vẫy tay ngậm ngùi” (1992), “Một bông hồng dâng cha” (1991), “Thương mái trường xưa” (1993), “Hồn nhiên tuổi ngọc”, “Thời gian mây bay”...

Ngoài tư cách nhà văn, Võ Hồng còn là một nhà giáo được nhiều thế hệ học trò yêu quý. Thời kháng chiến chống Pháp, ông làm Hiệu trưởng trường Trung học Lương Văn Chánh, nay là trường chuyên của tỉnh Phú Yên. Từ năm 1956 đến năm 1982 Võ Hồng làm nghề giáo ở thành phố biển Nha Trang.

Về văn nghiệp của Võ Hồng, nhiều học giả đã đánh giá ông là cây bút xuất sắc tiêu biểu của văn học miền Nam cùng với Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy… Giáo sư Nguyễn Huệ Chi có nhận xét Võ Hồng là một nhà văn xuất sắc, là “một cây bút hàng đầu trong 20 năm văn học đô thị miền Nam”. Nhà văn Nguyễn Khải cũng tâm đắc: “Không ngờ Võ Hồng viết hay thật!”

Tuy nhiên ở một góc khuất ít người để ý là những khoảng cô đơn miên man hơn nửa cuộc đời sau của Võ Hồng. Trước tiên là người vợ yêu của ông mất năm 1957 để lại cho ông giáo chưa đến tứ tuần 3 đứa con thơ. Bà Phan Diệu Báu vợ Võ Hồng là người phụ nữ sinh ra trong một gia đình quyền quý ở Đà Lạt. Họ gặp nhau trong thời chiến tranh loạn lạc. Bà Diệu Báu theo ông về quê rồi sơ tán khắp nơi: Phú Yên, Ninh Thuận, Đà Lạt cuối cùng về Nha Trang đến khi bà ra đi.

Chị Võ Thị Tri Thủy - con út của nhà văn Võ Hồng kể: “Tôi vẫn nhớ một thời gian dài, những buổi chiều sau buổi đi dạy học về, hoặc những lúc ăn cơm xong cha tôi nằm trầm ngâm trên chiếc ghế bố đặt ở sân. Tôi leo lên ngực cha ôm thật chặt. Ông vuốt tóc tôi êm đềm. Bỗng những giọt nước mắt rơi lã chã lăn dài trên gò má cha. Chắc cha đau đớn lắm! Nhưng cha giấu không muốn hai đứa con lớn thấy niềm xót xa của mình…”. Sau này nhà văn có viết truyện ngắn “Lạnh tuổi thơ” để trải lòng về cảnh gà trống nuôi con”, thật xúc động.

Dù vợ mất khi mới 34 tuổi. Là thầy giáo khả kính, một trí thức hàng đầu với văn tài quá nổi tiếng mà sao Võ Hồng vẫn còm cõi một mình cùng đàn con thơ? Trong những trang viết, Võ Hồng cũng bày tỏ mình rất đa cảm và đa tình chứ không phải khô khan khiêm cung. Truyện ngắn “Thơm ngát hương cau” đăng trên báo Tuổi trẻ chủ nhật tháng 12/1989 đã thể hiện điều đó.

Đây là truyện ngắn đầu tiên ông “tái xuất” trên báo chí sau giải phóng với cái tên Võ Hồng. Tác giả “ngượng ngập” kể lại chút “gió thoáng hương bay” của mình với một phụ nữ tên Huấn ở xóm nhỏ Gò Cau, Bồng Sơn (Bình Định) khi tản cư lánh nạn phải giấu thân phận một thầy giáo nổi tiếng để làm thợ hớt tóc.

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Võ Hồng.

Theo lý giải của những người con của Võ Hồng, việc lựa chọn ở vậy nuôi con chính là lòng yêu thương bao la của ông. Bởi ông sợ các con sẽ khổ khi cha đi bước nữa. Ông bày tỏ với các con: “Cha sợ mẹ kế sẽ không thương các con!” Hình ảnh thầy giáo Võ Hồng cao lêu khêu, đi chiếc xe gắn máy Velo Solex tiếng kêu bình bịch chạy từ trường về ngôi nhà nhỏ gần chợ Xóm Mới, Nha Trang thực sự thân thương ấm áp làm sao.

Do cảnh nuôi con nhỏ nên Võ Hồng phải nhờ nhiều những “người bạn gái” - đó là những người đồng nghiệp, bạn đọc yêu văn chương quý mến ông giúp tư vấn dạy dỗ con mình. Hình ảnh ông giáo - nhà văn trong mắt các con lúc giống con gà trống lộc ngộc ngơ ngác trong mưa chiều. Lúc giống như con chim cánh cụt đầy cô đơn trên băng giá.

Tuy nhiên người cha luôn vui vẻ hài hước, lạc quan với các con không bao giờ cáu bẳn hay tức giận. Bởi thế sau này khi các con lớn khôn đi du học và định cư tất cả ở nước ngoài ông vẫn vui vẻ chấp nhận sống cô đơn ở ngôi nhà nhỏ của mình ở Nha Trang như một định mệnh.

Là người trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, nhà văn Võ Hồng cuối cùng vẫn là ông giáo thuần khiết. Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban từng là học trò Võ Hồng ở trường Bồ Đề (Nha Trang) những năm 1950 kể lại, thầy Võ Hồng ngoài là nhà sư phạm mẫu mực, thầy rất uyên bác vì thầy dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật và cả tiếng Hán.

Thỉnh thoảng thầy dạy sinh học nữa. Đặc biệt thầy có cách dạy rất độc đáo: vừa vui vừa dễ hiểu. Với thầy mọi thứ phức tạp mấy cũng đơn giản và hài hước, chất trí tuệ luôn có sẵn ở tâm hồn ông. Với môn văn của thầy học trò tha hồ được “trải nghiệm” các trò chơi như Nối Điêu – một dạng thay đổi đoạn kết câu truyện để học sinh được tưởng tượng sáng tạo, thầy dạy làm thơ viết văn. Thấy học trò nào có năng khiếu thầy khuyến khích động viên sáng tác.

Những năm cuối đời sống ở Nha Trang thầy giáo Võ Hồng tiếp nhiều học trò và độc giả yêu văn chương tới thăm. Trước đó trong tác phẩm “Trầm mặc cây rừng” xuất bản năm 1971, Võ Hồng đã kể tình cảm thầy trò thời kháng chiến rất xúc động. Vì thế bạn đọc nhớ mãi về thầy Võ Hồng với sự ngưỡng mộ kính trọng.

Nếu như với học trò cũ, Võ Hồng rất thân thiết thì với bạn văn ông có một sự cẩn trọng mặc dù tính ông rất nhã nhặn.

Theo lời kể của nhà văn Lê Ký Thương, năm 1984 khi Hội Văn nghệ Nha Trang được thành lập. Thầy Võ Hồng khi đó đã nghỉ hưu thường xuyên đến chơi thăm vào buổi sáng. Thầy ăn mặc chỉnh tề như một viên công chức đến cà phê tâm sự với các “bạn văn lớp trước” như: Thế Vũ, Lê Ký Thương, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Hoàng Thu… có lẽ đã trải qua những thăng trầm nên Võ Hồng rất ít nói.

Sau thập niên 1990 đó, Võ Hồng thấy vui vẻ lạc quan, ông viết báo viết truyện liên tục. Bởi cái tên Võ Hồng thực sự đem lại niềm cảm mến vô cùng với mọi người, nhất là những người đã trải qua hai thời kỳ chiến tranh.

Ngoài sách được in lại Võ Hồng còn viết thêm nhiều cuốn mới như:“Chia tay người bạn nhỏ” (1991), “Một bông hồng dâng cha” (1991), “Vẫy tay ngậm ngùi” (1992), “Thương mái trường xưa” (1993), “Hồn nhiên tuổi ngọc”, “Thời gian mây bay”... Những truyện ngắn của ông viết trên các báo thiên về ngụ ngôn nhưng đầy triết lý sâu lắng nhưng rộn tiếng cười thâm thúy.

Nhiều người biết nơi ở của Võ Hồng nhưng đứng trước ngôi nhà đường Hồng Bàng – gần chợ Xóm Mới, Nha Trang thì sẽ e ngại vì không biết ông nhà văn nổi tiếng này có chịu tiếp mình không? Thì Võ Hồng đã đánh tan nỗi e ngại nghi hoặc đó bằng tấm bảng treo trên chiếc cửa sắt nhỏ của con hẻm giữa hai ngôi nhà có số 51 và 53 Hồng Bàng.

Ông viết dòng chữ “Kéo chuông gọi Võ Hồng”. Ban đầu thấy ngỡ ngàng trước “cái chuông” của Võ Hồng. Đó là cái lon sữa bò thả mấy viên sỏi để khi cầm dây lắc nó kêu rộn rã, ai cũng thấy vui vì sự ngộ nghĩnh. Khi còn khỏe nhất định Võ Hồng sẽ từ trên gác xuống đón khách với sự ân cần, lịch thiệp của một ông giáo.

Về ngôi nhà của Võ Hồng có nhiều điều rất lạ. Võ Hồng ở trên căn phòng nhỏ trên lầu 1 ngôi nhà số 51 đường Hồng Bàng, Nha Trang. Phía trước có khoảnh sân thượng đặt vài chậu cây nhưng xung quanh hàng xóm ngả sang nào khế, mận, ô ma…và Võ Hồng nhận đấy là của mình để sáng tác những chuyện “cây vườn” rất đặc sắc.

Nhà văn Võ Hồng rời cõi tạm vào ngày cuối tháng 3/2013, năm ông 92 tuổi. Tuy nhiên khi ông ra đi mà không có con cháu ở bên. Tiễn ông, trời Nha Trang rải một cơn mưa xuân nhẹ êm đềm.

Võ Hồng cầm bút khá sớm. Từ năm 1939, Võ Hồng đã có truyện ngắn đầu tay "Mùa gặt" đăng trên "Tiểu thuyết thứ Bảy" với bút hiệu Ngân Sơn. Trong cuộc đời sáng tác, Võ Hồng còn sử dụng các bút danh: Võ An Thạch, Võ Tri Thủy. Năm 1959, Võ Hồng xuất bản tập truyện ngắn "Hoài cố nhân". Tác phẩm vừa ra đời đã được người đọc đón nhận nồng hậu. Từ năm 1959 đến năm 1993, Võ Hồng đã sáng tác và xuất bản hơn 20 tác phẩm, gồm: “Hoài cố nhân” (1959), “Lá vẫn xanh” (1962), “Bên kia đường” (1968), “Những giọt đắng” (1969), “Trầm mặc cây rừng” (1971), “Trong vùng rêu im lặng” (1988), “Vẫy tay ngậm ngùi” (1992), “Một bông hồng dâng cha” (1991), “Thương mái trường xưa” (1993), “Hồn nhiên tuổi ngọc”, “Thời gian mây bay”...

LÊ ĐỨC DƯƠNG