Tiếp tục giải tỏa gánh nặng thuế, phí xăng dầu
Theo chỉ đạo mới nhất từ Văn phòng Chính phủ, trước ngày 30/7, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ các phương án giảm thuế với xăng dầu. Như vậy, giá xăng kỳ vọng được giảm thêm, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giá thành sản phẩm, cùng đó là kiềm chế lạm phát...
Tin vui đến với doanh nghiệp, người lao động
Sau đợt điều chỉnh giảm sâu giá xăng dầu trên thị trường, gánh nặng chi phí lên doanh nghiệp (DN) và người dân phần nào đã được giảm bớt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nỗi lo khi giá dầu trên thế giới còn nhiều bất ổn. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để điều chỉnh giá xăng dầu, giúp hạ nhiệt chi phí, giá thành hàng hoá, dịch vụ.
Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), xăng dầu giảm giá sẽ tạo điều kiện để DN thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và giá cả tiêu dùng có cơ hội giảm. Thời gian qua, cùng với giá xăng dầu tăng mạnh thì nguyên vật liệu sản xuất cũng tăng giá từ 15-20%. Chi phí vận chuyển, chạy máy, kho bãi đều nhích lên, DN đối mặt với rất nhiều khó khăn. Việc giá xăng dầu về mốc cách đây 5 tháng tạo thêm động lực cho DN tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Đứng ở góc độ DN, ông Phạm Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên máy nông nghiệp Việt Trung cho biết, giá xăng được điều chỉnh về mức 25.000-26.000 đồng/lít là tín hiệu tích cực đối với DN và người lao động. “DN sẽ giảm được chi phí sản xuất, việc vận tải xuất khẩu hàng hóa cũng khả quan hơn. Cùng với đó, người lao động cũng phấn khởi vì giảm áp lực chi phí khi thu nhập chưa tăng. Công nhân vui vẻ đến nhà máy”- ông Tuấn Anh nói.
Mừng nhất phải kể đến các DN ngành vận tải. Đây là những đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá nhiên liệu này.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Giám đốc Công ty CP vận tải Thái Việt Trung cho biết: “Chúng tôi ký hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải với hành khách theo năm. Khi đó giá xăng dầu mới ở mức 20.000 -21.000 đồng/lít. Khi giá xăng dầu lên hơn 33.000 đồng/lít, DN vẫn không được điều chỉnh giá nên bị lỗ. Bởi vậy, giá xăng dầu giảm sẽ giúp DN bớt khó khăn”.
Giới chuyên gia cũng khẳng định giá xăng dầu giảm sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí, chi tiêu cho người dân và DN. Tuy nhiên, việc giá hàng hoá giảm ngay sau khi điều chỉnh giá xăng dầu là điều khó xảy ra do thường có độ trễ.
Áp các sắc thuế phù hợp
Hiện, Bộ Tài chính vẫn đang nỗ lực đề xuất các giải pháp nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước, qua đó hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng. Cùng với việc điều chỉnh giảm Thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn, mới đây Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ giảm từ 20% xuống còn 10% Thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng dầu (thay vì mức 12% như đề xuất trước đó).
Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu xuống 10% tuy có thể góp phần giảm giá xăng trong nước nhưng cũng chỉ ở mức thấp. Tuy nhiên, việc điểu chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện cho DN có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ cũng như Quốc hội, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi và đang lên phương án để thời gian tới sẽ trình phương án giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như Thuế giá trị gia tăng nếu giá dầu vẫn ở mức cao.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây tiếp tục giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án giảm các loại thuế, phí liên quan tới xăng dầu, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh. Thời hạn cho Bộ Tài chính là trước ngày 30/7. Việc giảm thêm thuế, phí này nhằm giảm chi phí, giá thành sản phẩm, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn.
Giới chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế phí để kìm giá xăng trong bối cảnh lạm phát tăng trở lại là điều cần thiết. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần xem xét xăng, dầu như một mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng để đánh các sắc thuế phù hợp.
Như vậy, trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách cần chấp nhận một khoản thiếu hụt từ việc giảm thuế với xăng, dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.
Còn nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phân tích, hiện có 3 sắc thuế đối với xăng, dầu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT) đang đánh vào phần trăm của giá bán lẻ xăng, dầu trên thị trường. Do đó, nếu giảm được các sắc thuế này thì giá xăng, dầu sẽ giảm được nhiều.