Cúm A gia tăng: Người dân đổ xô mua thuốc Tamiflu
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) vừa cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 7, thành phố ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, tại 23/30 quận, huyện, thị xã.
Trước tình trạng người bệnh đổ xô đi mua thuốc Tamiflu điều trị cúm, các chuyên gia lưu ý không nên lạm dụng thuốc này trong điều trị phòng nguy cơ gây kháng thuốc.
Số ca đến khám bệnh gia tăng
Trước đó, CDC Hà Nội ghi nhận 887 ca mắc cúm trong tháng 6, tăng 60% so với tháng 5, đa số triệu chứng nhẹ. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, đơn vị đầu ngành về bệnh truyền nhiễm cũng đã ghi nhận số người đến khám do mắc cúm tăng. Trong vòng 2 tuần gần đây, gần 100 bệnh nhân tới bệnh viện này thăm khám do xuất hiện triệu chứng cúm A.
Hiện, bệnh viện điều trị 252 trường hợp, chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 44,1%), tiếp theo là nhóm tuổi 18-49 (chiếm 40%). Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú. 71 trường hợp có chỉ định nhập viện là trẻ em, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, điều trị khỏi sau 3-4 ngày.
Tương tự, Bệnh viện Nhi trung ương điều trị hàng trăm ca mắc cúm, tăng nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, 45% trẻ mắc cúm A vào viện có hiện tượng co giật, 6% biểu hiện viêm não. Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân/ngày với biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có người nặng hơn bị viêm phổi, suy hô hấp.
Thông tin về dịch cúm A, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua nhiều tỉnh, thành ghi nhận các trường hợp cúm nhập viện gia tăng, trong đó phần lớn là các chủng cúm A thông thường, không có độc lực cao như H5N1, H5N6, H5N8.
Lý giải về việc bệnh nhân cúm A tăng trong mùa hè, ông Tâm phân tích: Trong 2 năm dịch Covid-19, người dân đeo khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng, chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm A ít. Tuy nhiên sau khi khống chế được Covid-19, người dân chủ quan hơn trong phòng, chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết thay đổi thất thường cũng khiến bệnh phát triển. Tuy nhiên đến nay chúng ta chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A, các ca phần lớn đều có triệu chứng nhẹ.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cúm mùa là bệnh thông thường, đa số biểu hiện nhẹ song không nên chủ quan. Ngành y tế cần giám sát các ca lâm sàng và biến đổi của chủng virus để ngăn chặn bùng phát dịch.
Không tự ý mua thuốc Tamiflu
Điều đáng lưu ý là do người dân đổ xô đi mua thuốc chữa cúm A nên giá thuốc Tamiflu điều trị cúm cũng tăng nhanh chóng mặt. Nhiều nhà thuốc bệnh viện không có thuốc Tamiflu, bệnh nhân ra ngoài mua, song mỗi nơi một giá. Nhiều nơi giá thuốc tăng cao với giá từ 65.000 - 80.000 đồng/viên. Khảo sát thêm một số nhà thuốc tại các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân… giá Tamiflu cũng có mức khác nhau, nơi niêm yết 850.000 đồng/hộp 10 viên, nơi bán 800.000 đồng/hộp 10 viên, có nơi ghi giá bán 900.000 đồng/hộp…
Một số nơi lý giải giá cao là do nhập khẩu chính hãng, còn hàng xách tay bán giá rẻ. Chẳng hạn thuốc Tamiflu xách tay của Nga tại chợ thuốc Hapulico chỉ bán với giá từ 450.000-500.000 đồng/hộp; nếu là hàng công ty giá rao bán là 515.000-560.000 đồng/hộp, không giới hạn số lượng. Ngoài bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc Tamiflu tìm mua thì còn một số người mua để “dự trữ” khiến thuốc càng khan hiếm.
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong điều trị cúm A, B, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.
TS Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo: Các cơ sở điều trị không dùng chỉ định đại trà Tamiflu cho những trường hợp nhiễm cúm A vì không những không mang lại lợi ích mà còn có nguy cơ gây cho virus kháng thuốc.
TS. BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, việc sử dụng thuốc kháng virus hoặc kháng sinh phải do các bác sĩ quyết định sau khi thăm khám và đánh giá mức độ bệnh. Người bệnh bị viêm phổi siêu vi cấp tính do cúm mới cân nhắc dùng Tamiflu hoặc người có bệnh nền tiểu đường mắc cúm A, có khả năng diễn biến nặng hơn mới dùng Tamiflu.
Theo bác sĩ Nam, đối với trẻ nghi ngờ mắc cúm chủ yếu điều trị triệu chứng như hạ sốt, bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác hoặc những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, nằm trong môi trường thoáng khí, nhiệt độ mát.
Đặc biệt quan trọng là tiêm vaccine cúm hàng năm để tăng cường khả năng phòng ngừa nhiễm bệnh hoặc giảm mức độ nặng khi nhiễm bệnh.
Ngoài ra, gia đình cần theo dõi trẻ, khi xuất hiện các dấu hiệu nặng, như khó thở - thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều... cần đi khám và điều trị tại bệnh viện ngay.