Đừng chủ quan với 'bà hỏa'!
Liên tiếp những vụ cháy diễn ra trong khu dân cư thời gian gần đây gây thiệt hại về người và tài sản đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự rình rập của “bà hỏa” và ý thức chủ động phòng, chống cháy nổ của người dân.
“Bà hỏa” thiêu rụi nhiều nơi
Mới đây, vụ cháy nhà dân ở huyện Bình Chánh (TP HCM) khiến 2 trẻ em tử vong. Theo thông tin ban đầu, khoảng 16h22 ngày 23/7, Công an xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) nhận tin báo cháy nhà dân tại tổ 14, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A. Đây được xác nhận là căn nhà do ông N.V.P. (37 tuổi) làm chủ với diện tích khoảng 44m2, có gác lửng.
Ngay sau đó, Công an địa phương và Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC) Công an huyện Bình Chánh đã đến hiện trường dập lửa.
Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, căn nhà khóa cửa ngoài, bên trong có 6 trẻ em. Người dân địa phương đã phá cửa cứu được 4 em thoát ra ngoài, còn 2 em bị kẹt lại bên trong và ngất xỉu trong nhà tắm. Người dân đã sơ cứu, hô hấp nhân tạo và phối hợp cùng lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu nhưng 2 bé đã tử vong.
Đến chiều 24/7, Công an huyện Bình Chánh tiếp tục phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP HCM điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy.
Trước đó, đêm ngày 23/7, Trung tâm Chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy tại số nhà 433 Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), trong đám cháy có nhiều người mắc kẹt. Ngay lập tức, trung tâm đã điều động 5 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ của Công an quận Bắc Từ Liêm và quận Tây Hồ đến hiện trường dập lửa, tổ chức cứu nạn cứu hộ.
Tại hiện trường, lực lượng Cánh sát PCCC phát hiện điểm cháy ở khu vực bếp của phòng 301, nằm tại tầng 3 của căn nhà. Thời điểm này, đám cháy đã tạo ra nhiều khói, khí độc đặc quánh xông khắp căn nhà. Lực lượng chức năng đã tiến hành giải cứu thành công 9 người mắc kẹt trên sân thượng.
Trước đó không lâu, vào đêm 21/7, một vụ cháy lớn cũng diễn ra tại TP Móng Cái (Quảng Ninh). Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 23h50 ngày 21/7, ngọn lửa bắt đầu bùng phát từ căn nhà số 53 (đường Triều Dương, phường Trần Phú, TP Móng Cái), sau đó cháy lan nhanh sang các căn bên cạnh, từ số nhà 47 đến nhà 65, gây thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện.
Hỏa hoạn, người dân vẫn chủ quan
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 848 vụ cháy (trong đó có 22 vụ cháy lớn, 397 vụ cháy trung bình và 429 vụ cháy nhỏ), làm chết 41 người, bị thương 42 người, thiệt hại về tài sản sơ bộ ước tính khoảng 414,73 tỷ đồng và 40,87ha rừng.
Ngoài ra, đã xảy ra 1.778 vụ sự cố chạm, chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân và cháy cỏ, rác, phế liệu khác, thiệt hại không đáng kể. So với cùng kì năm 2021, số vụ cháy giảm 306 vụ, giảm 12 người chết, giảm 35 người bị thương. Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản tăng hơn 128 tỷ đồng. Số vụ cháy lớn giảm 2 vụ, thiệt hại về tài sản tăng 153,3 tỷ đồng.
Các vụ cháy liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đặt ra báo động đỏ về tình trạng an toàn cháy nổ tại các khu dân cư. Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù thông tin các vụ cháy nổ liên tục được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thế nhưng việc thực hiện tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở lại có phần lơ là, người dân không mấy mặn mà.
Theo ông Thái Ngọc Oanh (Tổ trưởng Tổ dân phố 14 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), công tác tập huấn phòng cháy, chữa cháy cho dân cư vẫn được tổ chức thường xuyên cả ở quy mô cấp phường lẫn quy mô của các tổ dân phố. Đồng thời cũng tiến hành rà soát trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai công tác tập huấn này còn nhiều bất cập.
“Các buổi tập huấn này thường không được nhiều người dân tham dự mà chỉ có những người thực sự quan tâm hoặc những hộ kinh doanh lớn được yêu cầu mới đến. Một phần do thời gian tổ chức các buổi tập huấn rơi vào ngày, giờ hành chính, nhiều người phải đi làm. Nhưng phần lớn là do ý thức người dân còn nhiều chủ quan, lơ là. Do vậy, chúng tôi phải liên tục nhắc nhở, đăng thông tin vào nhóm Zalo của tổ dân phố để các hộ dân nâng cao cảnh giác và có kĩ năng cần thiết khi hỏa hoạn xảy ra” - ông Oanh cho hay.
Tương tự, ông Phan Lang (Tổ trưởng Tổ dân phố 29, phường Trung Hòa, Cầu Giấy) thông tin, do đặc thù của tổ dân phố là cư dân trong chung cư hỗn hợp nên đã có đội phòng cháy, chữa cháy riêng, thuộc quản lí chủ đầu tư của tòa nhà. Người dân trong chung cư chỉ tham gia khi có các sự kiện cần thiết. Do vậy, hầu hết người dân đều không chú ý đến việc tự trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy cho mình.
“Về công tác kiểm tra, giám sát hệ thống, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại tòa nhà được cư dân thực hiện tốt. Tuy nhiên về mặt tổ chức đội hình, do đã có đội phòng cháy, chữa cháy của chủ đầu tư của tòa nhà và các đội phòng cháy, chữa cháy của phường nên người dân cũng còn nhiều lơ là, không quan tâm đến các chương trình tập huấn “thực chiến” - ông Lang nói.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Thượng úy Đinh Mạnh Đạt - cán bộ Đội Phòng cháy, chữa cháy, Công an quận Thanh Xuân cho biết, thời gian qua, các vụ cháy tại khu dân cư liên tiếp xảy ra. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng vọt. Đặc biệt nhu cầu với các thiết bị làm mát công suất lớn, tiêu thụ điện cao như: Điều hòa, quạt điều hòa, máy lạnh... tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá tải xảy ra gây nên hiện tượng cháy, chập điện… Ngoài ra, các thiết bị điện được sử dụng nhiều nhưng không được bảo dưỡng định kì như điều hòa, tủ lạnh,… cũng có thể dẫn đến các sự cố.
Trong khi đó, hệ thống đường dây tải điện tại nhiều khu vực, nhất là những khu vực đông dân cư, các chung cư cũ, khu tập thể cũ, chợ... đã xuống cấp. Ý thức an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện nói riêng của người dân vẫn còn những hạn chế. Nhiều hộ gia đình trang bị thêm các thiết bị làm mát mà không tính toán đến sự an toàn của lưới điện, tự ý lắp thêm các thiết bị điện mà không nâng cấp dây dẫn điện. Xuất hiện tình trạng các hộ dân thường câu móc, đấu nối điện tùy tiện, không kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện đã sử dụng lâu năm.
“Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức những buổi tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, tổ dân phố, tuy nhiên số lượng người dân tham gia lại rất hạn chế. Do đó, khi gặp phải sự cố cháy nổ, người dân trở nên lúng túng, không biết cách xử lí ra sao” - Thượng úy Đạt cho hay.
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng:
Công tác tuyên truyền, tập huấn chưa tốt
Ở điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, việc xảy ra các sự cố liên quan đến cháy nổ, đặc biệt ở những vùng khô, mùa khô thường xuyên có nguy cơ. Còn về chủ quan, rõ ràng ý thức phòng cháy, chữa cháy của người dân chưa cao, nhiều người dân còn chủ quan, lơ là, sơ suất trong sử dụng nguồn nhiệt, nguồn điện. Chỉ đến khi đã xảy ra sự cố mới bắt đầu quan tâm đến vấn đề này.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận là các cơ quan quản lí và cơ quan chức năng vẫn chưa làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn phòng cháy, chữa cháy cho người dân. Việc kiểm tra, giám sát người dân thực hiện công tác này đến đâu cũng chưa được thực hiện triệt để. Do đó thời gian qua liên tục xảy ra những vụ cháy lớn, gây cả thiệt hại về người và tài sản rất đáng tiếc, đau lòng.
Theo tôi, cơ quan chức năng cần nghiêm túc trong việc kiểm tra, rà soát lại các hệ thống, phương tiện phòng cháy chữa cháy, đặc biệt ở các khu đô thị, chung cư cũ lâu năm, đã xuống cấp. Đối với các trường hợp không đủ điều kiện, phải có phương án xử lí, công bố công khai. Ngoài ra, việc tuyên truyền cho người dân cũng cần được đẩy mạnh để mỗi người, mỗi hộ gia đình ý thức được trách nhiệm của mình và phương án xử lí khi gặp sự cố cháy nổ.
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Người dân chưa hết chủ quan
Theo quy định, tùy thuộc hành vi, tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra cháy nổ mà người vi phạm có thể chịu phạt tiền từ 100.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Bên cạnh đó phải khắc phục hậu quả bằng cách chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thương.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện xử phạt còn tồn tại một số khó khăn như: chính người gây ra cháy nổ, hỏa hoạn cũng bị thiệt hại nặng nề về người, tài sản, không có khả năng tài chính…. nên việc để người vi phạm thi hành quyết định xử phạt trên thực tế cũng khó thực hiện.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn chủ quan về phòng cháy, chữa cháy tại gia đình cũng như khu dân cư mình sinh sống. Việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân cần được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cũng cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp để người dân dễ tiếp cận.
Hoàng Chiến(Ghi)