Cần hài hòa nhiều yếu tố khi xây dựng không gian văn hóa Nhật Bản trên sông Tô Lịch
Theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, đề xuất việc xây dựng không gian văn hóa Nhật Bản trên sông Tô Lịch sở dĩ gây tranh cãi là do dư luận chưa yên với các giá trị lịch sử hàng nghìn năm để lại. Muốn giải quyết vấn đề này nhất thiết phải hài hòa các yếu tố: văn hóa – lịch sử và thực tiễn xây dựng cả công trình.
Mô hình đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) có dự kiến xây dựng không gian văn hóa Nhật Bản đang tạo nên cuộc tranh cãi lớn. Bên cạnh ý kiến đồng tình, một vài tranh cãi cho rằng việc xây dựng công trình chưa thật sự phù hợp.
Để làm rõ những thắc mắc của dư luận, PV Báo Đại Đoàn Kết Online liên hệ với chuyên gia nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang để lắng nghe những phân tích đa chiều về các giá trị xoay quanh đề xuất xây dựng không gian văn hóa Nhật Bản trên dòng sông Tô Lịch.
Công trình mang nhiều giá trị
Ngày 21/9/1973, Nhật Bản và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó, trên nền tảng "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh của châu Á", quan hệ hai nước không ngừng phát triển cho đến ngày nay.
Các hoạt động giao lưu sôi nổi không chỉ giữa 2 Chính phủ mà còn được mở rộng ra với sự tham gia của nhân dân hai nước ở nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa.
Chính vì vậy, mô hình đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) có dự kiến xây dựng không gian văn hóa Nhật Bản được kỳ vọng mang đến nhiều giá trị và sẽ được công chúng đón nhận trong tương lai.
Đại diện đơn vị đề xuất dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) cho biết, công trình nhằm hướng tới hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023).
Đơn vị đề xuất mong muốn trong tương lai công trình sẽ tạo nên một không gian đậm chất văn hóa Nhật Bản cùng những phù điêu, tranh ảnh - ghi lại những dấu mốc trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Dự án đề xuất dự kiến xây dựng Không gian văn hóa Nhật Bản mang đậm nét Tình hữu nghị Việt - Nhật tạo nên không gian Công viên Hữu nghị Việt - Nhật hết sức độc đáo.
Nhìn nhận về giá trị của công trình xây dựng không gian văn hóa trên sông Tô Lịch, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng công trình là một ý tưởng thú vị, hướng đến việc thắt chặt mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, việc có một không gian văn hoá Nhật Bản ở Hà Nội hoặc Việt Nam là cần thiết, khẳng định tầm nhìn hợp tác của hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về văn hoá.
Gây tranh cãi, do đâu?
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng, cải tạo hoặc xây mới trên bất cứ di tích lịch sử nào thì điều đầu tiên bắt buộc là không được làm mất đi hoặc làm biến dạng “hồn cốt” lịch sử của di tích ấy.
Đó không chỉ đơn thuần là chứng tích của lịch sử, của thời gian mà còn là chứng tích của tinh thần yêu nước, của tính độc lập tự cường mà dân tộc ấy có được trong suốt chiều dài binh biến.
Do đó, dù có xây dựng hay tôn tạo bất cứ hạng mục công trình nào trên con sông Tô Lịch huyền thoại thì điều đầu tiên cần tính đến là phải giữ cho được tính chủ quyền, tính độc lập đối với các giá trị lịch sử gắn liền với con sông ấy.
Muốn làm được điều đó thì việc nghiên cứu lịch sử hình thành và những biến động của thành Thăng Long xưa gắn liền với sông Tô Lịch phải đầy đủ tư liệu, thật chuyên sâu và kỹ càng.
“Chúng ta cần nhớ rằng, văn hoá là yếu tố có thể bổ sung, nhưng tuyệt đối không được đánh mất giá trị bản sắc! Nhất là với con sông Tô Lịch từng là Long mạch, là nguyên khí của cả một vùng Thăng Long xưa”, nhà nghiên cứu văn hóa nhấn mạnh.
Xoay quanh tranh cãi về đề xuất xây dựng không gian văn hóa Nhật Bản trên sông Tô Lịch nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang không tỏ ra quá bất ngờ. Bởi lẽ theo anh đây là vấn đề thiết yếu.
“Khi xây dựng bất kỳ công trình văn hoá nào ở Hà Nội cũng cần phải cân nhắc thật kỹ, nhất là khi dư luận đang trái chiều, vấn đề đặt ra không đơn thuần chỉ là xây dựng công trình văn hóa Nhật Bản trên sông Tô Lịch mà là cách dân vận chưa hợp lý.
Mấu chốt của việc dân vận chưa hợp lý đó là “lòng dân” chưa yên với các giá trị lịch sử hàng nghìn năm để lại. Bởi từ xa xưa đến nay sông Tô Lịch không đơn thuần là một vị trí địa lý mà còn là “hồn cốt”, là “giá trị lịch sử”, là chứng tích của sự đoàn kết, tinh thần độc lập tự chủ của người Thăng Long xưa và Hà Nội nay”, nhà nghiên cứu văn hóa nêu quan điểm.
Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, việc xây dựng bất cứ công trình văn hoá, nghệ thuật nào cũng có giá trị đóng góp nhất định. Tuy nhiên cũng cần phải phân tích rõ ràng hai vấn đề: Đó là đóng góp về mặt ngoại giao hay là đóng góp về mặt lợi ích lịch sử quốc gia, dân tộc? Nhiều ý kiến đặt ra tại sao lại là không gian văn hoá Nhật Bản mà không phải là không gian văn hoá thuần Việt được xây dựng trên sông Tô Lịch? Các ý kiến đó không phải là không có cơ sở.
Thực tế đã chứng minh, nếu đặt bất cứ công trình văn hoá - nghệ thuật nào ở một vị trí địa lý phù hợp sẽ phát huy tất cả trí tuệ và sự hưởng ứng của người dân. Ngược lại việc đặt các công trình văn hoá ấy ở nơi chưa thực sự phù hợp tất yếu sẽ gây ra những xáo trộn về dư luận, làm cản trở quá trình đưa các giá trị văn hoá vào thực tiễn. Vô hình chung, những công trình văn hoá ấy sẽ có tác dụng ngược.
Đề xuất giải pháp nhằm hạn chế luồng tranh cãi xoay quanh đề xuất xây dựng không gian văn hóa Nhật Bản trên sông Tô Lịch, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nêu quan điểm: “Điều cần chú ý đầu tiên đó là phải nghiên cứu thật kỹ, cân nhắc sâu chuyện được - mất “các giá trị” khi xây dựng các công trình văn hoá, nghệ thuật. Đơn vị thi công nhất thiết phải hài hòa các yếu tố: văn hóa - lịch sử và thực tiễn xây dựng cả công trình để tránh việc làm mất đi các giá trị cốt lõi”.