Tiếp tục tinh giản biên chế
Bộ máy phình to nhưng kém hiệu quả, đó là một thực tế kéo dài. Chính vì vậy phải tinh giản biên chế hướng tới việc có được một bộ máy gọn nhẹ, tất cả mọi “mắt xích” trong bộ máy đều phát huy hiệu quả. Chủ trương ấy đã được Đảng, Nhà nước đặt ra từ nhiều năm, tới nay lại tiếp tục được Bộ Chính trị quán triệt bằng việc ban hành Kết luận về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Theo đó, giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016-2021, thì phải vừa tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 đồng thời tiếp tục giảm biên chế theo chỉ tiêu của giai đoạn trước. Những nơi giảm biên chế vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016-2021 thì phần vượt được tính vào kết quả giai đoạn 2022-2026.
Kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, biên chế được giao giai đoạn 2022-2026 không bao gồm lao động hợp đồng. Các đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp theo quy định, từ ngân sách chi thường xuyên.
Trước đó, Nghị quyết 39/2015 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu 10%. Đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, được khuyến khích chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng từ nguồn thu sự nghiệp.
Như đã nói, việc bộ máy cồng kềnh không chỉ hoạt động kém hiệu quả mà còn gây bức xúc xã hội, không phát huy được những người có năng lực trong hệ thống và cũng vô hình trung chở thành “ô che” cho không ít người kém năng lực. Đã từng có thời gian người ta tranh luận là trong bộ máy có bao nhiêu phần trăm “công chức cắp ô”? Đó là những người không hiệu quả trong mỗi cơ quan, đơn vị, choán chỗ, giành mất chỗ của những người làm việc tốt, những người cần công việc, nhất là nhân lực trẻ. Trong nhiều trường hợp, số “công chức cắp ô” này lại “lấy tấn công làm phòng thủ”, để bảo vệ mình họ đã trở thành những “chuyên gia kiện cáo”, gây mất đoàn kết, làm cơ quan, đơn vị mất ổn định.
Biết là vậy nhưng việc tinh giản biên chế, nhất là tinh giản đúng đối tượng cũng không dễ dàng. Điều đó không chỉ đòi hỏi sự quyết liệt của người đứng đầu, của những tổ chức trong cơ quan, đơn vị mà còn đòi hỏi sự công tâm, trong sáng, minh bạch. Vấn đề “con người” bao giờ cũng rất phức tạp, nhưng trước yêu cầu cuộc sống thì phức tạp mấy cũng phải làm, làm một cách công tâm.
Nhân câu chuyện tinh giản biên chế để bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả hơn cũng cần phải nói một chút về việc quá trình ấy cũng không nên tiến hành một cách quá cơ học. Vì thực tế cho thấy cũng có nơi vẫn cần tuyển dụng thêm, do công việc quá nhiều.
Ngày 23/6 vừa qua, báo cáo với Đoàn công tác Trung ương do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà dẫn đầu, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết, quy mô dân số của phường là 107.000 người, khối lượng công việc lớn, trong khi chỉ tiêu giao biên chế quá ít nên không đáp ứng được công việc. Nếu như năm 2019 có 62 người thì nay chỉ còn 34 người. Khối lượng công việc lớn, áp lực cao nên liên tục có tình trạng cán bộ nộp đơn xin nghỉ việc, kể cả phó chủ tịch phường.
Từ đó, ông Tuấn kiến nghị xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, công chức cho phường trên cơ sở thực tế, không cào bằng.
Về việc này, Bộ trưởng Nội vụ cơ bản đồng tình, ủng hộ tuy nhiên vẫn lưu ý tổ chức bộ máy phải hợp lý, tinh gọn, đáp ứng nhu cầu vận hành. "Về nhân lực đừng nghĩ nhiều mới là tốt, mà phải ít nhưng mà tinh”- bà Trà nói.
Trở lại Kết luận của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, cho thấy việc tinh giản biên chế, kiện toàn, nâng cao hiệu lực của bộ máy sẽ tiếp tục được triển khai và cũng có giải pháp thích hợp, đặc biệt đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp.
Với chỉ đạo của Bộ Chính trị, hy vọng tới đây số người “ăn lương nhà nước” sẽ giảm nhưng không làm bộ máy xộc xệch, ngược lại sẽ phát huy hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, muốn việc tinh giản biên chế thành công thì trách nhiệm rất lớn thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị.