Xuất khẩu thủy sản: Phải sớm tháo gỡ những điểm nghẽn

Lê Bảo - Minh Sang 28/07/2022 07:01

Dù 6 tháng đầu năm xuất hiện nhiều mốc kỷ lục mới nhưng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản đang đứng trước nhiều thách thức.

Nguyên liệu vẫn là thách thức đối với ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Thiếu diện tích nuôi trồng thủy sản

Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi là 1 trong 6 nhà máy vừa được hưởng mức thuế 0% khi xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Để tận dụng cơ hội vàng này, công ty đã lên kế hoạch khai thác tối đa lợi thế, tuy nhiên, do thiếu nguyên liệu nên chỉ chế biến được 100 tấn cá mỗi ngày, đạt 50% công suất.

“Giá thức ăn cho cá tra tăng nên bà con giảm lượng nuôi” - bà Ngô Thị Diệu Trinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi cho biết.

Thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào đang là bài toán nan giải với nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản hiện nay. Theo bà Tạ Hà - chuyên gia thị trường cá tra, có tới 40 - 50% tàu khai thác hải sản đã nằm bờ, nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70 - 80% so với trước. Trong khi nguồn thủy sản nuôi trồng không tăng lên, mà còn có xu hướng giảm, do chi phí thức ăn, giống cũng tăng cao. Đứng trước tình thế này, 70% các doanh nghiệp (DN) đang có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất tại nhiều địa phương và những quy hoạch về sử dụng đất đang là thách thức lớn cho DN thủy sản và người nuôi.

Cùng với những khó khăn về nguồn nguyên liệu, theo VASEP doanh nghiệp thủy sản đang bị giảm năng lực cạnh tranh do hàng loạt tác động dây chuyền từ đại dịch, xung đột Nga-Ukraine, đẩy chi phí logistics tăng gấp nhiều lần..

Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ “tắc cảng” do đại dịch Covid-19 và nay là giá nhiên liệu xăng dầu tăng, giá cước container ở hầu hết các chặng tăng 4-5 lần. Đến tháng 6/2022, dù đã giảm một chút, nhưng để xuất được một container 40 feet qua bờ Đông Hoa kỳ (Florida) thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/container, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới TPHCM (chiếm hơn 60%), thì trung bình 400 - 410 triệu đồng/container.

Gỡ khó, tạo đà cho ngành thủy sản

Giá xăng dầu tăng cũng đẩy chi phí vận chuyển đường bộ, logistics tăng từ 10-20% so với trước. Đây là bài toán khó đối với các DN thủy sản trong bối cảnh thị trường thủy sản thế giới đã hồi phục sau Covid-19 và các nguồn cung đối thủ đang gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ. Trước thực trạng trên, mới đây VASEP đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó kiến nghị đề xuất cần thúc đẩy nhanh việc sửa Luật Đất đai, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành thủy sản phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp. Chính phủ và các địa phương cũng cần có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung.

Về nhập khẩu, VASEP cho rằng, các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất, xuất khẩu còn thiếu, các thủ tục cho nhập khẩu vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở chiến lược phát triển thủy sản đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, VASEP đề nghị Chính phủ ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu.

Trong Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, mục tiêu đặt ra là phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Để đạt các mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, có rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu hoàn thiện quy định để quản lý về cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất đai và cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối với cụm ngành chế biến, thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện từng vùng, ngành hàng. Đẩy mạnh triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng hỗ trợ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản, phát triển các mô hình trung tâm, cụm liên kết sản xuất - chế biến, bảo quản - tiêu thụ nông sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết quý II/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 3,2 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng năm 2022 đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Kết quả này là nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và những thị trường tiềm năng khác, đặc biệt là sự nỗ lực của DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại.

Lê Bảo - Minh Sang