Xã hội hóa, giảm áp lực trợ giá xe buýt từ ngân sách
Các địa phương như Bắc Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang,...đang chủ động xã hội hóa, cho doanh nghiệp tham gia đấu thầu trong hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) với hình thức không trợ giá, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Ngày 28/7, tại TP HCM, Báo Giao thông tổ chức Hội thảo "Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng", với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực hạ tầng giao thông công cộng.
Tại hội thảo, TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết, toàn quốc hiện có 56/63 tỉnh thành đã tổ chức khai thác các tuyến VTHKCC bằng xe buýt, với trên 700 tuyến xe buýt và trên 11.000 phương tiện xe buýt các loại, với tổng chiều dài trên cả nước là 23.000 km.
Dù vậy, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, mức độ bao phủ của VTHKCC bằng xe buýt trên toàn quốc hiện nay vẫn rất thấp, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP HCM (khoảng 90%), trong khi các tỉnh, thành còn lại ở mức rất thấp (dưới 20%).
Trong khi đó, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt trong những năm gần đây liên tục sụt giảm. Theo TS Mười, dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm 2020, 2021 đã khiến hoạt động VTHKCC tại hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM bị ảnh hưởng rất nặng nề. Có doanh nghiệp hoạt động tại Hà Nội không cầm cự được phải ngừng 5 tuyến xe buýt.
Trước bối cảnh khó khăn này, một số địa phương như Bắc Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang,...đang chủ động xã hội hóa, cho doanh nghiệp tham gia đấu thầu trong hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) với hình thức không trợ giá, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Đại diện Sở GTVT TP HCM nhìn nhận thực tế, mạng lưới xe buýt tại đô thị lớn nhất nước đang dựa trên mạng lưới đường tuyến hiện hữu, vốn nhỏ hẹp, hình thành từ các tuyến trục và nhánh phân bổ theo dạng hình quạt.
Hiện nay, TP HCM đang có hơn 2.100 phương tiện xe buýt hoạt động tại 128 tuyến xe buýt, trong đó có hơn 1.800 xe hoạt động có trợ giá.
Để giảm áp lực cho ngân sách, ngành GTVT thành phố đang tiếp tục nghiên cứu đưa vào khai thác các tuyến xe buýt mới, trong đó có 02 tuyến xe buýt liên tỉnh không trợ giá kết nối TP HCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai. Ngoài ra, phát triển 4 tuyến sử dụng năng lượng điện.
Tại Hội thảo, ông Thái Hồ Phương, Phó GĐ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, hiện thủ đô có tổng số phương iện trên toàn mạng lưới là hơn 2.100 xe, trong đó cũng có tới hơn 1.900 tuyến xe được trợ giá.
Dù vậy, ông Phương cũng cho biết, hầu hết các xe buýt đều có thời gian hoạt động dưới 10 năm và đến nay tuổi trung bình của các phương tiện rất thấp, chỉ khoảng 4 năm.
Giải pháp của ngành GTVT TP Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển hệ thống VTHKCC để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 chiếm 30-35% nhu cầu đi lại, đến 2030 đạt khoảng 50-55%. Ngoài ra, xe buýt nhanh sẽ được Hà Nội quy hoạch lâu dài trên 08 tuyến và 03 tuyến quá độ. Khi có lưu lượng lớn sẽ chuyển thành đường sắt đô thị hoặc monorail.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học cũng đã góp ý, hiến kế các giải pháp để ngành VTHKCC trên cả nước hoạt động hiệu quả, thu hút sự chú ý và quan tâm thụ hưởng của đông đảo người dân. Muốn vậy, bên cạnh xã hội hóa, giảm áp lực ngân sách, các địa phương cần chủ động nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa hạ tầng cơ sở xe buýt (nhà chờ, bến bãi, phục vụ,...) để đáp ứng mức độ cạnh tranh ngày càng cao trong lĩnh vực GTVT./.