Ra mắt Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường
Sáng 28/7, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Đoàn thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ thức Hội nghị các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường.
Đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị quản lý thuộc Bộ, sự tham gia của 200 các nhà nghiên cứu khoa học trẻ đến từ các viện, trường, các đơn vị quản lý trực thuộc Bộ.
Hội nghị được diễn ra bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 1.000 điểm cầu, từ đảo Song Tử Tây cho đến trên 600 điểm cầu truyền hình tại 7 sở, ngành thuộc 63 tỉnh, thành phố, các trường đại học có ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện hoạt động thiết thực hướng đến chào mừng Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (5/8/2002 – 5/8/2022).
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như nguồn lực của các nhà khoa học trẻ trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân biểu dương và chúc mừng các nhà khoa học nói chung, các nhà khoa học trẻ nói riêng của các đơn vị trực thuộc Bộ đã có những cống hiến thầm lặng, miệt mài nghiên cứu sáng tạo, góp phần quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học cũng như sự nghiệp đào tạo, phát triển của ngành.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng bày tỏ mong muốn và kêu gọi các nhà khoa học trẻ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa để thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 và Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 theo 3 định hướng cụ thể.
Trong đó, định hướng đầu tiên là tăng cường liên kết giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học để hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực theo quy chế thành lập ngành và tổ chức hoạt động nhóm nghiên cứu mạnh của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Tọa đàm: “Vai trò của các Nhà khoa học trẻ trong chuyển đổi số và công nghệ số lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển bền vững” nhằm trao đổi, giải đáp, khuyến khích và định hướng đối với các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường phát huy tính xung kích sáng tạo phục vụ hiệu quả phát triển bền vững cho đất nước.
Nhiều câu hỏi của các nhà khoa học trẻ đã được các đại biểu trả lời ngay tại diễn đàn đã giúp cho các nhà khoa học trẻ có được những giải đáp, định hướng sáng tạo trong nghiên cứu để ứng dụng và phục vụ hiệu quả cho các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Tại hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường.
Ban điều hành lâm thời Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường gồm 3 thành viên, gồm: PGS.TS Phạm Minh Hải, Viện Khoa học Đo đạc bản đồ, Chủ tịch lâm thời CLB; TS Đoàn Quang Trí, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Phó Chủ tịch CLB và TS Huỳnh Thiên Tài, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch CLB.
Câu lạc bộ được thành lập với mong muốn xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ trong ngành tài nguyên và môi trường và các nhà khoa học trẻ ngoài ngành đã, đang có các công trình nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường vì sự phát triển bền vững ngành tài nguyên và môi trường; Chia sẻ quan điểm và trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ nghiên cứu khoa học, các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên từ các trường đại học, có đào tạo các chuyên ngành liên quan đến tài nguyên và môi trường để tiếp nối thành công và kiến tạo một nền tảng vững chắc cho khoa học.
Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà khoa học trẻ ngành tài nguyên và môi trường, các nhà khoa học trẻ đã tham gia Hội thảo khoa học với chủ đề “Chuyển đổi số và công nghệ số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển bền vững”.
Qua hơn một tháng chuẩn bị, Ban tổ chức đã nhận được 40 công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ trong các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị ngoài Bộ. Ban Tổ chức đã chọn lựa các công trình tiêu biểu xây dựng kỷ yếu hội thảo.