Dịch bệnh trước cửa nhà
Tại Công điện số 4707, ngày 27/7, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho biết hiện nay số ca mắc Covid-19 mới đang tăng trở lại; một số biến thể mới của chủng Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở để quán triệt, bảo đảm nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19, không để vaccine quá hạn.
Đáng chú ý, Thủ tướng nêu rõ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19; chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và pháp luật nếu để xảy ra tình trạng vaccine quá hạn.
Báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm này các tỉnh phía Nam biến thể phụ BA.4, BA.5 đang dần chiếm tỷ trọng cao cùng với biến thể phụ BA.2, đồng thời phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1 (biến thể BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch như biến thể BA.4, BA.5). Trong khi đó vài tuần gần đây, các tỉnh phía Nam lại xuất hiện ổ dịch của chủng Delta làm tăng số ca mắc. Delta chính là chủng gây ra thảm họa ghê gớm trong lần bùng phát dịch thứ 4 ở nước ta, trong năm 2021.
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc tiêm vaccine mũi 3 và mũi 4 là rất cần thiết. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 vẫn có tác dụng đối với hai biến chủng BA.4 và BA.5, đặc biệt có cả tác dụng phòng cúm A và cúm thường. Ngày 27/7, vẫn theo WHO, từ ngày 18 đến 24/7, toàn thế giới đã có thêm 6,6 triệu ca Covid-19, trong đó phần lớn tập trung ở khu vực châu Âu và Tây Thái Bình dương. Việt Nam nằm trong khu vực Tây Thái Bình dương, nơi có đến gần 2,2 triệu ca mới trong tuần, tăng 52% so với tuần trước, cũng là mức tăng cao nhất toàn cầu.
Như vậy là cho dù số ca mắc mới chưa cao nhưng cũng có thể nói là làn sóng Covid-19 mới đã ở ngay trước cửa nhà chúng ta.
Cũng cần nhắc lại, ngày 2/7, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 4114, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.
Điểm lại tình hình như như vậy để thấy nguy cơ bùng phát một đợt dịch Covid-19 mới ở ta là cao, nhưng việc chủ động phòng, chống tại các địa phương chưa tốt, nhất là tiến độ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 là rất chậm; cho dù Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt.
Kể từ khi “mở cửa” khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, dần dần các biện pháp phòng, chống Covid-19 mặc nhiên bị bỏ, có cảm giác như mọi người đã “quên” từng có đại dịch khủng khiếp cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người Việt Nam. Nhất là mấy tháng qua việc tiêm vaccine đã không còn được quan tâm, kể từ người dân cho đến ngành y tế cũng như chính quyền địa phương các cấp; là mối họa tiềm ẩn, nếu không sớm điều chỉnh thì hậu quả có thể sẽ rất nặng nề.
Điều đó lại càng đặc biệt nguy hiểm khi bệnh đậu mùa khỉ rình rập; số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh; bệnh tay chân miệng, cúm A cũng có chiều hướng gia tăng. Riêng về bệnh đậu mùa khỉ, theo WHO, tính tới ngày 27/7 đã lây lan ra 84 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nói như bác sĩ Đỗ Hồng Hiên - chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam thì cho dù Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian, không loại trừ cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng.
Dịch bệnh đã ở ngay trước cửa nhà, thật đáng lo ngại khi nguy cơ “dịch chồng dịch” ngày một lớn. Sẽ rất nguy hiểm khi bệnh nhân mắc đồng thời cả Covid-19 và sốt xuất huyết, hay cúm A, đậu mùa khỉ, việc điều trị sẽ rất khó khăn và kéo dài, nguy cơ tử vong cao. Đây đều là những bệnh do virus gây ra, nếu không tiêm phòng vaccine đầy đủ thì có thể nói là hiểm họa chực chờ.
Vì thế, ở thời điểm này, chặn dịch là cần thiết nhất. Trong đó rất quan trọng là người dân cần chủ động tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine ngừa Covid-19. Y tế dự phòng, y tế cơ sở cần kích hoạt trở lại một cách mạnh mẽ; cùng đó là vai trò chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên, liên tục của chính quyền các cấp. Dịch bệnh đã ở trước cửa, không quyết liệt thì nó sẽ vào nhà, gây họa cho chúng ta.