Ngày 1/8, giá xăng dầu có giảm?

Ngọc Quang 29/07/2022 07:03

Nếu như tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/7 vừa qua, giá giảm mạnh; thì kỳ điều chỉnh vào ngày 1/8 tới liệu điều đó có lặp lại? Nhiều ý kiến cho rằng, căn cứ vào việc giá dầu thô thế giới đi xuống cùng việc Bộ Tài chính, Bộ Công thương đề nghị giảm tiếp một số loại thuế, giá xăng dầu sẽ giảm, nhưng mức giảm sẽ không nhiều như 2 kỳ điều hành trước.

Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho biết, dựa vào mức giảm giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore thì rất có thể tới kỳ điều chỉnh mới (ngày 1/8), giá xăng dầu trong nước sẽ giảm lần thứ 3 liên tiếp.

Tuy nhiên, nếu lấy giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore để đối chiếu (trong khoảng thời gian từ 21 đến 28/7), thì giá xăng có thể giảm tương ứng khoảng 500-650 đồng/lít, dầu giảm quanh mức 800 đồng/lít, chưa tính tới yếu tố mức trích lập Quỹ bình ổn. Như vậy sẽ giảm không nhiều.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu giá dầu thô thế giới giữ nguyên mức như hiện nay, giá xăng kỳ tới có thể giảm tiếp khoảng 700-1.200 đồng/lít. Song từ nay cho tới đầu tháng 8, cũng không thể nói trước được giá dầu thô có tăng hay không, nên giá xăng dầu trong nước vẫn khó đoán.

Hiện, trong cơ cấu giá bán lẻ hiện nay, xăng dầu đang chịu 4 loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng. Thuế bảo vệ môi trường sau 2 lần giảm vào ngày 1/4 và 11/7 đã về mức sàn trong khung thuế suất, tổng cộng mức giảm thuế này là 3.000 đồng/lít.

Để kéo giá xăng dầu đi xuống, ngày 25/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có công văn giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng không chì về 10%, thay vì mức đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu MFN này từ 20% về 12% như trước đó.

Được biết, mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với các mặt hàng xăng là 7% - 10% là con số lớn trong cơ cấu giá xăng dầu (chiếm khoảng 2.000-2.500 đồng/lít trong mức giá xăng hiện nay), nên việc điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc kiềm chế sự tăng cao của giá xăng dầu trong thời gian tới.

Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã 19 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 6 lần giảm. Lần giảm sâu nhất là vào ngày 21/7 khi giá xăng E5 RON 92 giảm 2.710 đồng/lít còn 25.070 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 3.600 đồng/lít còn 26.070 đồng/lít. Tuy nhiên, so với đầu năm, xăng RON 95 vẫn đắt hơn 2.200 đồng/lít; E5 RON 92 cao hơn 1.900 đồng/lít; dầu diesel chênh lệch gần 6.600 đồng/lít.

Nếu lấy mốc kỳ điều chỉnh sắp tới vào ngày 1/8/2022, xem liệu giá xăng dầu sẽ là bao nhiêu; có thể so với cùng thời điểm của 2 năm trước. Đó là, ngày 1/8/2021, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường với xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.498 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 21.681 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.375 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 15.398 đồng/lít; giá dầu mazut không cao hơn 15.522 đồng/kg.

Còn với ngày 1/8/2020, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex thì xăng E5 RON92 giá 14.409 đồng/lít; xăng RON95 14.973 đồng/lít; dầu diesel 12.397 đồng/lít; dầu hỏa 10.279 đồng/lít.

Nhìn vào những con số trên với mốc là ngày 1/8, thì cho tới thời điểm này giá xăng RON 95-III cao hơn giá năm 2021 hơn 4.500 đồng/lít; cao hơn giá cùng thời điểm năm 2020 hơn 12.000 đồng/lít. Các loại xăng khác, dầu hỏa, mazut cũng chênh cao so với 2 năm trước đó.

Vậy, trong ngắn hạn, liệu giá xăng dầu có thể xuống mức nào? Đó là câu hỏi khó có câu trả lời chính xác nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, khi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng như tiếp tục giảm thuế, mà trước hết là thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế tiêu thụ đặc biệt, thì giá xăng RON A95-III sẽ có thể ở ngưỡng trên dưới 22.000 đồng/lít (hiện 26.070 đồng/lít).

Trong khi đó, dự báo mới đây của Bộ Công thương cho rằng, bình quân giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới vẫn sẽ biến động bất thường, khó lường trong quý 3, dao động 145-155 USD một thùng, có nghĩa là tăng 73-100% so với cùng kỳ 2021. Sang quý 4, giá thành phẩm xăng dầu thế giới được dự báo hạ nhiệt, về 110-115 USD một thùng, giúp giảm giá bán lẻ trong nước đáng kể, về dưới 24.000 đồng một lít; dầu dao động 19.000 - 20.000 đồng.

Cùng với nhập khẩu thì nguồn cung xăng dầu trong nước là yếu tố quan trọng tác động tới giá bán. Ở nửa đầu năm 2022, có thời điểm nguồn cung trong nước “trục trặc” do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị chiếm 35-40% thị phần trong nước, giảm công suất vào cuối tháng 1.

Để bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nghi Sơn, nhà điều hành phải tăng nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý 2 cho 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn và Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng phải chạy tăng công suất lên 103-105%.

Nửa cuối năm, Bộ Công thương dẫn báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn khoảng 8,3 triệu m3. Trong đó, sản lượng cung cấp của 2 nhà máy này trong quý 3 là 3,9 triệu m3 (Dung Quất là 1,98 triệu m3, Nghi Sơn khoảng 2,09 triệu m3). Lượng cung ứng từ hai nhà máy này sẽ tăng lên khoảng 4,4 triệu m3 trong quý cuối năm.

Như vậy có thể thấy nguồn cung trong nước những tháng cuối năm sẽ dồi dào hơn. Cùng với việc giảm một số sắc thuế, hy vọng giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm, góp phần kéo giảm giá của nhiều mặt hàng đi xuống, góp phần tích cực vào an sinh xã hội cũng như tăng cường phát triển sản xuất, kinh doanh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, hiện thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam là các nước ASEAN, Hàn Quốc do được hưởng lợi về thuế suất nhập khẩu ưu đãi 8% theo FTA, 0% với dầu. Xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường, các dấu hiệu mới đây cho thấy giá xăng dầu cuối năm về cơ bản sẽ ở mức 24.000 đồng/lít. Kỳ điều chỉnh sắp tới sẽ rơi vào ngày 1/8, có khả năng giá xăng dầu giảm giá nhẹ do diễn biến giá xăng dầu thế giới cho chênh lệch so với kỳ trước khoảng 1.400 – 2.000 đồng/lít với xăng RON 95 và 1000 – 1.600 đồng/lít với xăng RON 92. “Nếu không trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu, giá xăng dầu sẽ giảm tương ứng”- ông Thịnh nói.

Ngọc Quang