Trồng mới 3.000 cây xanh tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai
Ngày 28/7, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai tổ chức chương trình trồng 3.000 cây đóng góp vào mục tiêu 1 tỷ cây xanh của Việt Nam giai đoạn 2021- 2025.
Tại chương trình, 3.000 cây xanh đã được các tình nguyện viên, những người yêu thiên nhiên, các em học sinh trường THCS Mã Đà (Huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) trồng tại các khoảnh rừng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.
Lãnh đạo Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai nhấn mạnh, đây là một trong những hoạt động ý nghĩa hưởng ứng ngày Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (28-7). Việc này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trong nững nỗ lực giảm thiểu tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hơn hết, bảo tồn đa dạng sinh học cũng là biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp môi trường xanh, sạch hơn, từ đó hướng đến tương lai bền vững cho thế hệ sau.
Dịp này, Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai cũng đã giới thiệu đến các tình nguyện viên, những người yêu thiên nhiên, các em học sinh trường THCS Mã Đà về sự đa dạng sinh học của nơi này. Theo đó, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và di sản văn hóa của Việt Nam; thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp (khu vực SA5- lưu vực sông Đồng Nai - WWF, 2001) nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới được xác định trong “Global 200 Ecoregions”. Là sinh cảnh ưu tiên được xác định bởi Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF 2003-2004).
Khu Bảo tồn được thành lập với mục tiêu khôi phục lại sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng cây tự nhiên bản địa thuộc lưu vực sông Đồng Nai và vùng miền Đông Nam bộ; tạo ra phạm vi bảo tồn thiên nhiên rộng lớn nối liền với Vườn Quốc gia Cát Tiên, bảo tồn nơi cư trú và di trú cho các loài động vật hoang dã, phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của các di tích, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch sinh thái, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư với các tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi để đăng ký KBT thành khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Đây là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Có hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng miền Đông Nam bộ, tồn tại nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN thế giới.
Tổng diện tích tự nhiên của Khu bảo tồn trên 100.571 ha, gồm: 68.051 ha đất lâm nghiệp và 32.520 ha mặt nước (hồ Trị An). Bên cạnh giá trị về đa dạng sinh học, KBT trước đây còn là vùng căn cứ cách mạng với địa danh nổi tiếng Chiến khu Đ.