Đánh giá vì sự tiến bộ của người học
Để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT), cần đổi mới đồng bộ cả kiểm tra, đánh giá. Không chỉ dừng lại ở việc thu thập và phân tích dữ liệu về kết quả học tập, kiểm tra, đánh giá còn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cao hơn với mục đích cuối cùng là sự tiến bộ không ngừng của người học.
Đề cao sự phát triển năng lực của học sinh
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về đổi mới kiểm tra, đánh giá của Đại học Quốc gia Hà Nội, thời gian qua, công tác kiểm tra, đánh giá đã đi đúng hướng khi được thể chế hóa bằng chính sách ở tất cả các bậc đào tạo. Cụ thể, ở bậc tiểu học, chuyển từ trọng tâm định lượng sang định tính; ở bậc trung học và đại học, đánh giá tổng kết dần dịch chuyển sang đánh giá quá trình, bám sát chuẩn đầu ra.
GS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), đại diện nhóm nghiên cứu nhìn nhận kiểm tra đánh giá đang đi đúng triết lý vì sự phát triển năng lực của học sinh. Việc kiểm tra đã tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức; kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, nhấn mạnh định tính trong đánh giá quá trình; tạo nhiều cơ hội cho học sinh thể hiện như tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, đánh giá trình diễn…
Một số tồn tại, rào cản trong kiểm tra đánh giá hiện nay được nhóm nghiên cứu chỉ ra đó là thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách kiểm tra đánh giá bởi chương trình hiện hành vẫn nặng về kiến thức. Số học sinh trên lớp học quá đông khó triển khai đổi mới; tâm lý thi cử vẫn nặng nề, công tác phân luồng trong đào tạo chưa hiệu quả. Đối với giáo viên, năng lực kiểm tra đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, một số giáo viên vẫn giữ thói quen cũ, ngại thay đổi.
Đổi mới đồng bộ, từng bước
Trên thực tế, việc kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông được xem là nguồn cung cấp các chỉ số về học tập và tuân theo trình tự: Người dạy thực hiện việc giảng dạy, kiểm tra kiến thức người học và tiến hành đánh giá kết quả của người học và dựa trên kết quả kiểm tra đó để làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước đó là kỳ thi THPT quốc gia) được tổ chức từ năm 2015 đã góp phần giảm bớt tình trạng dạy - học lệch tủ; giảm áp lực tài chính cho phụ huynh và xã hội, hình thức thi có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam... Tới đây, khi lứa học sinh đầu tiên của chương trình GDPT mới ở cấp THPT tốt nghiệp, nhiều người đặt câu hỏi về những đổi mới của kỳ thi sẽ như thế nào? Các bài thi tổ hợp có thay đổi? Liệu các trường có tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh vào đại học hay không?
Bởi khác với chương trình hiện hành, học sinh học tất cả các môn và đến kỳ thi tốt nghiệp mới chọn bài thi tổ hợp, từ năm học 2022-2023, học sinh từ lớp 10 ngoài các môn học bắt buộc sẽ chọn luôn tổ hợp, chuyên đề tự chọn. Nhiều ý kiến lo ngại về việc nếu trong quá trình học, học sinh muốn thay đổi tổ hợp do thay đổi định hướng ngành nghề - điều rất dễ xảy ra do các em vẫn mới chỉ 15, 16 tuổi thì có khó khăn gì không?
Nhiều kỳ vọng đặt ra với Chương trình GDPT 2018 và đi cùng với đó phải là những thay đổi trong việc kiểm tra, đánh giá. Gần nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn bước đầu đối với việc đổi mới đánh giá môn Ngữ văn trong chương trình phổ thông, từ cấp tiểu học đến THCS, THPT, trong đó khuyến khích học sinh sáng tạo, có cảm nhận riêng. Với giáo viên, khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.
Theo chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất, hiện nay, mỗi một trường, một địa phương ra đề kiểm tra khác nhau, việc đánh giá học sinh cũng khác nhau không cùng một chuẩn chung nên kết quả cuối cùng là học bạ lại dùng chung để xét tuyển vào đại học, cao đẳng gây nên những bất cập.
12 năm học, học sinh cả nước mới có một kỳ đánh giá theo đề cấp quốc gia. Trong khi ở nhiều nước, hàng năm học sinh còn được đánh giá theo đề chuẩn quốc gia ở từng bộ môn. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là kỳ thi quan trọng và đã được đưa vào Luật Giáo dục mới bởi những dữ liệu về kết quả thi sẽ cho ngành giáo dục biết được kết quả giáo dục ở từng bộ môn, ở từng vùng miền, từng địa phương, từng nhà trường để các đơn vị giáo dục có những nhận định cũng như giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học ở từng bộ môn.
Từ kinh nghiệm nghiên cứu nền giáo dục nhiều nước tiên tiến trên thế giới, các chuyên gia đề xuất đối với kiểm tra, đánh giá học sinh phổ thông cần dựa trên khung chuẩn năng lực thống nhất, liên thông đối với từng lứa tuổi, cấp học bằng cả kiến thức và kỹ năng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình đánh giá...