Đưa Không gian văn hóa về từng khu dân cư
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ quan trọng về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tới từng quận, huyện và TP Thủ Đức.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với chủ đề “Bác Hồ với thiếu nhi” vừa được khánh thành tại xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP HCM) vào trung tuần tháng 7/2022 là công trình mới nhất vừa được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh -Liệt sĩ và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Y - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, ngày 26/7, công trình mới nhất được xây dựng tại xã Nhuận Đức chỉ là một trong số rất nhiều các không gian văn hóa Hồ Chí Minh được khánh thành và đi vào hoạt động kể từ đầu năm đến nay.
Trước đó, vào đầu tháng 6/2022, quận Bình Thạnh đã đưa vào hoạt động Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Nhà truyền thống quận với nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu các tác phẩm của Bác và triển lãm “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”... thu hút đông đảo người dân địa phương đến thưởng lãm. Cùng thời gian này, một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh quy mô cũng được khánh thành tại Trung tâm Văn hóa TP Thủ Đức. Ngay đầu tháng 7, Ủy ban MTTQ TP HCM và Hội Cựu chiến binh quận 4 tiếp tục ra mắt “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Trung tâm Hành chính quận.
“Thật xúc động, tự hào khi tại thành phố mang tên Bác đã và đang hình thành những Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thật sự ý nghĩa để người dân thành phố, đặc biệt là thế hệ trẻ có sân chơi, không gian thực tế, sống động để học tập, làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” - PGS.TS Nguyễn Văn Y chia sẻ.
Tại các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được quận, huyện và TP Thủ Đức khánh thành, đưa vào hoạt động, ngoài các hình ảnh, hiện vật giáo dục truyền thống, hướng vào chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ở từng đơn vị cũng bố trí sáng tạo nhiều không gian về văn hóa đọc, khu vực giới thiệu những địa danh văn hóa - lịch sử của đất nước; không gian tuyên truyền về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.
Nhờ sự đa dạng, sáng tạo, gắn với nhu cầu thực tiễn đã giúp cho các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn TP HCM được người dân đồng tình hưởng ứng.
Ông Nguyễn Văn Minh (74 tuổi) - cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường K, rất xúc động khi hay tin một huyện ngoại thành thành phố như huyện Củ Chi cũng đã có một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh khang trang. “Thế hệ chúng tôi đã đi qua chiến tranh, người mất người còn nhưng để thế hệ trẻ hiểu được, trân trọng các giá trị tuyền thống yêu nước của dân tộc thì cần rất nhiều các không gian văn hóa” - ông Minh nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Điền Quân - một doanh nghiệp địa phương cũng rất hào hứng khi TP HCM chủ trương xã hội hóa các nguồn lực để xây dựng, nhân rộng các mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến từng khu dân cư. Theo ông Quân, một chủ trương đúng đắn hướng đến đối tượng hưởng thụ văn hóa tinh thần là người dân thì các chủ trương, chính sách ấy sẽ được cả xã hội đón nhận.
Bà Phan Thị Cúc - một Kiều bào Úc khi biết đến Không gian văn hóa TP Thủ Đức được khánh thành cũng đã dành một tuần lễ về nước cùng gia đình để tham quan, thưởng lãm. “Gia đình có hai cháu nhỏ sinh ra tại Việt Nam nhưng học tập tại Úc nên những không gian văn hóa rất ý nghĩa này sẽ giúp các cháu hiểu hơn về văn hóa, lịch sử và truyền thống dân tộc” - bà Cúc chia sẻ.
Khẳng định các giá trị và ý nghĩa hết sức đặc biệt của công trình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM dành tâm huyết nhân rộng, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM nhấn mạnh, không chỉ cho hiện tại và những năm tới đây, các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc không phải nơi nào cũng có được. Từ đây, các địa phương sẽ nhân rộng ra và tạo thêm nhiều không gian thực tế để học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.