Hàng giả vẫn công khai thách thức

T.Hằng 30/07/2022 14:00

Hiện nay việc quản lý môi trường kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử còn lỏng lẻo khiến việc đưa hàng giả đưa vào lưu thông khá rầm rộ. Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho rằng, điều này làm cho lực lượng chức năng rất khó đối phó.

Việc mua bán trên mạng xã hội diễn biến phức tạp và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ.

Hàng giả đi đường chính ngạch

Từ đầu năm đến nay, phía Trung Quốc vẫn đang cấm biên, hàng hóa không đi qua được những kênh như đường mòn lối mở, mà buộc phải đi chính ngạch. Chính vì vậy nên các đối tượng làm hàng giả đã tìm cách để luồn lách qua kênh chính ngạch, việc sản xuất, rồi thẩm lậu hàng giả vào trong thị trường nội địa cũng rất phức tạp. Ngay trong nội địa vẫn có những đối tượng ở các làng nghề tiếp tục sản xuất hàng giả, tập trung chủ yếu vào đồ thực phẩm.

"Cách đây một tháng, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện cơ sở sản xuất mật ong giả ngay trong một hộ gia đình và chỉ bán trên Facebook. Đấy là những thứ rất nguy hiểm đến sức khỏe của người dân" - ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết.

Đánh giá về thực trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại thời gian qua, ông Linh cho biết thêm, tính riêng từ đầu năm 2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tốc độ cũng như quy mô và tính phức tạp của hàng giả đã gia tăng. Hàng giả trước đây chỉ có ở một số sản phẩm mỹ phẩm, đồ gia dụng... nhưng giờ hàng giả xuất hiện cả ở mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp cho đến xăng dầu với tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Ông Linh cũng chỉ ra thực trạng do thị trường phát triển nhiều kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm cùng những cách thức mua sắm dễ dàng cũng tạo điều kiện cho hàng lậu, hàng giả, nhái có cơ hội phát triển, nhất là trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử. Lợi dụng dịch vụ chuyển phát, hàng giả được sản xuất và vận chuyển tương đối công khai khiến cho các lực lượng chức năng rất khó đối phó.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương) cho biết, các đối tượng ngày càng có những hành vi mới, những thủ đoạn tinh vi hơn, phức tạp hơn.

“Các đối tượng đăng thông tin hoặc livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho hàng lại ở nơi khác; thậm chí các đối tượng bán hàng qua trung gian để kiếm lời hoặc chia kho ra ở rất nhiều các tỉnh, thành phố khác nhau, kể cả hàng hóa có ở các khu chung cư nên cơ quan chức năng khi kiểm tra, xử lý vi phạm hết sức khó khăn” - ông Tuấn nêu.

Nâng cao ý thức chống hàng giả

Thời gian vừa qua, hoạt động chống hàng nhái, hàng giả đã tập trung vào tuyên truyền nâng cao nhận thức ở các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Bên cạnh đó là tăng nặng chế tài xử phạt.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng hàng giả không phải chỉ là vấn đề lợi nhuận mà còn liên quan đến tâm lý của người tiêu dùng. Người tiêu dùng biết là giả nhưng vẫn mua bởi giá rẻ lại được sở hữu thương hiệu nổi tiếng, nên muốn thay đổi tâm lý và thói quen tiêu dùng. Còn với doanh nghiệp chủ sở hữu các nhãn hiệu hàng hóa chân chính cũng đã phải rất nỗ lực trong việc đấu tranh với hàng giả.

Ông Phạm Quốc Lộc - Giám đốc Nhà máy URC Hà Nội cho rằng, hơn lúc nào hết, DN cần luôn nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu của mình. Cần thường xuyên đăng tải những thông tin chi tiết về sản phẩm trên website chính thức, qua đó các kênh phân phối, nhân viên cũng như khách hàng dễ dàng nhận biết và phân biệt được giữa sản phẩm chính hãng và sản phẩm giả.

“DN tiếp tục đầu tư công nghệ sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là quy trình hoàn thiện sản phẩm, bao bì đóng gói, nhãn mác để các đối tượng muốn làm giả cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, DN cần chú trọng khâu truy vết nguồn gốc để giúp khách hàng dễ dàng phản hồi mỗi khi phát hiện có sản phẩm vi phạm” - ông Lộc nêu giải pháp.

Khuyến cáo tới DN, ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho rằng, sản phẩm của DN phải có đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu nhận diện để được cơ quan quản lý nhà nước công nhận và làm căn cứ xử lý trước pháp luật đối với các đối tượng làm giả sản phẩm. Trên thực tế có rất nhiều DN vẫn không đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước. Bởi khi lực lượng chức năng xử lý những trường hợp DN bị làm giả hàng hóa, ngay bản thân DN cũng không chứng minh được sản phẩm chính hãng của mình thì sẽ rất khó.

Theo Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tình trạng mua bán trên các mạng xã hội rất phổ biến, tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng bày bán là rất khó khi mà việc trao đổi, mua bán diễn ra trực tiếp giữa người mua và người bán không thông qua đơn vị kiểm soát chất lượng. Người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại về mua hàng trên mạng chất lượng không như quảng cáo, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng... ngày càng gia tăng. Trong đó, nhiều địa chỉ bán hàng của cá nhân trên mạng không đăng ký với các cơ quan chức năng nên rất khó trong việc xác minh, xác định tên và địa chỉ người vi phạm. Nhiều trường hợp bị phản ánh đã khóa tài khoản không liên hệ được.

T.Hằng