Điểm sáng nguồn vốn FDI
Theo Tổng cục Thống kê, điểm sáng thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, đó là vốn giải ngân tăng khá mạnh, ước đạt gần 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đây được coi là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
"Việt Nam luôn duy trì được vị thế là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, nhất là xét trong mục đích tái cơ cấu, thực hiện dịch chuyển dòng vốn trên phạm vi toàn cầu đang diễn ra", Tổng cục trưởng Tổng cụ Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết.
Mặc dù số vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, song vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 59,3% và 25,7%.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư tăng cao, một mặt cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu.
Cụ thể: Tính đến ngày 20/7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Theo thống kê của cơ quan quản lý, số vốn cấp mới có giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, có 927 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 7,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt trên 5,72 tỷ USD (giảm 43,5% so với cùng kỳ).
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Các doanh nghiệp (DN) đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngược lại, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng khá mạnh. Tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn tuy chậm lại so với các tháng đầu năm song quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tương đối cao so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao, ví dụ của Samsung, được tăng vốn với quy mô lớn trong 7 tháng năm 2022.
Trong 7 tháng năm 2022, đã có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong đó, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 23,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore với 1,22 tỷ USD, chiếm 21,3%; Trung Quốc 651,4 triệu USD, chiếm 11,4%; Hàn Quốc 567,8 triệu USD, chiếm 9,9%; Nhật Bản 534,8 triệu USD, chiếm 9,3%...
Hiện, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 2 là ngành kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỷ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, để duy trì tăng trưởng thu hút FDI trong thời gian tới, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng. Theo đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thành lập và phát triển.
Về phía các DN cần nỗ lực nâng cao năng lực: năng lực công nghệ, chất lượng lao động, quản lý. Cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các DN FDI mà còn của các DN tư nhân trong nước; rà soát toàn bộ các khu công nghiệp (KCN): các KCN cần ưu tiên mở rộng, xây mới, các KCN cần thu hẹp.
Nhằm tiếp tục thu hút vốn FDI từ nay tới cuối năm, TS Nguyễn Thị Thanh Tâm - Viện Lãnh đạo và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh 4 vấn đề mang tính chiến lược: Đầu tiên, phải chú trọng đến những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, cụ thể là: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.
Thứ hai, cần chủ động xây dựng lĩnh vực ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn FDI phù hợp với nhu cầu phát triển của các địa phương. Đối với các địa phương đã phát triển như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại; Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.
Thứ ba, các DN trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý, nhanh chóng bắt tay chuyển đổi số. Điều này giúp các DN FDI có các công ty phù trợ để đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.
Thứ tư, Chính phủ và các địa phương cần rà soát lại việc sử dụng vốn FDI hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý. Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên DN công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam.
Trước sự khởi sắc của nguồn vốn đầu tư nước ngoài, giới chuyên gia kinh tế nhận định: Việc Việt Nam thu hút nhiều dự án FDI lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tăng vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới. Đây là điều tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau 2 năm chùng xuống do dịch bệnh Covid-19.