Vì sao khó xử lý hàng hiệu giả?
Hàng chục nghìn chai nước hoa gắn các thương hiệu nổi tiếng thế giới cùng số lượng lớn mỹ phẩm vừa được cơ quan chức năng phát hiện tại Bắc Ninh không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ cho thấy thị trường hàng hiệu giả vẫn sôi động, nhiều nơi vô tư bày bán công khai mà không bị xử lý.
Theo chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh vừa chỉ đạo Đội QLTT số 3, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Ninh, Công an thành phố Bắc Ninh đột xuất kiểm tra kho chứa hàng hóa tại Khu Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.
Trong diện tích khoảng 50m2, chủ cơ sở dùng để chứa trữ hàng hóa chủ yếu là các loại mỹ phẩm như: nước tẩy trang, kem nền, son môi, tẩy da chết, kem dưỡng da, sữa rửa mặt, ủ tóc… với các thương hiệu đang được ưa chuộng và tin tưởng trên thị trường hiện nay như Innisfree, bioderma, kem dưỡng trắng V7...
Đặc biệt, một lượng lớn sản phẩm là nước hoa giả các nhãn hiệu như Chanel, Gucci, Dior… vừa được chủ cơ sở vận chuyển về đến kho, vẫn “nguyên đai, nguyên kiện” thì bị lực lượng chức năng “ập” vào kiểm tra.
Kiểm đếm thực tế tại hiện trường, lực lượng chức năng tạm giữ trên 20 tấn hàng hóa với 76.804 sản phẩm, trong đó gần 25.000 sản phẩm dán nhãn nước hoa Lancôm, Versace, Giorgio, Armani, Dior, Victoria’s secret, chanel, Gucci, Hugo boss…
Số lượng còn lại dán nhãn kem trang điểm Hiisees, nước hoa xịt phòng Victoria’s secret, sữa rửa mặt Innisfree, kem tẩy da chết Heyxi, kem trắng da V7 Dr.Jart, dầu gội đầu Jiorniee và son Vongee. Làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Hiện lực lượng chức năng đã niêm phong toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác minh, làm rõ xử lý theo quy định.
Có thể thấy từ nhiều năm qua, vấn đề hàng giả hàng nhái các thương hiệu lớn trên thế giới đã không còn lạ với thị trường và người tiêu dùng Việt Nam. Nó không chỉ trở thành nỗi lo, sự sợ hãi khi ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn trở thành vấn nạn đe dọa tới cả những người kinh doanh chân chính. Nhất là trong bối cảnh thị trường bán hàng online phát triển, ai cũng có thể kinh doanh và buôn bán thì càng khó kiểm soát hàng giả, hàng nhái.
Với mức giá rẻ đến giật mình, các sản phẩm “hàng hiệu” từ túi xách, nước hoa, mỹ phẩm đang được rao bán nhan nhản trên các cửa hàng online với đủ các chiêu trò câu khách. Như thương hiệu Chanel nổi tiếng.
Mỗi sản phẩm chính hãng của thương hiệu này dao động từ 5.000 đến 10.000 USD. Nhưng khi lướt trên chợ online, thì hàng loạt sản phẩm gán mác thương hiệu này đang được bán với giá chỉ có vài trăm nghìn, với những lời quảng cáo: Hàng còn chuẩn full box, có thẻ, bill và mã đầy đủ.
Trên trang Ebay, những chiếc túi Hermès Birkin được rao với giá khoảng 10.000 USD. Nhưng tại Việt Nam, những chiếc túi này có giá là 600.000 đồng. Bên cạnh đó, dòng túi LV Capucines có giá bán 120 triệu đồng, nhưng trên mạng rao bán tầm 3 triệu đồng.
Không chỉ túi xách bị làm giả một cách tràn lan mà đến cả mỹ phẩm, nước hoa, quần áo fake “cao cấp” cũng được bày bán nhan nhản trên các trang bán hàng online. Nguồn gốc của các sản phẩm này được giới thiệu là hàng chính hãng xách tay từ Pháp, Đức, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Giá của các sản phẩm này đa dạng, từ vài chục nghìn cho tới vài trăm nghìn đối với dòng trang điểm dành cho nữ.
Điều đáng lo ngại nhất là phần lớn các loại mỹ phẩm, nước hoa giá rẻ này lại không có nguồn gốc rõ ràng. Chúng đều không được cơ quan chức năng kiểm định hay cấp giấy phép về chất lượng.
Giới chuyên gia cho rằng, với nhiều người tiêu dùng Việt có tâm lý ham đồ rẻ nên mua các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc qua mạng. Hậu quả là do không có đơn chứng từ, nên khi xảy ra sự cố với hàng kém chất lượng rất khó để khiếu nại. Các loại hàng giả này đang không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Ông Ngô Anh Hiếu - Đội trưởng Đội Quản lí thị trường số 20 (Cục QLTT Hà Nội) cho biết: Sản phẩm giả thương hiệu nổi tiếng thường được bán với giá rẻ hơn hàng chục lần so với hàng chính hãng. Vì lợi nhuận nên các đối tượng vẫn ngang nhiên sản xuất, kinh doanh, buôn bán. Cùng với đó, chính tâm lý ham đồ rẻ nhưng vẫn muốn dùng “hàng hiệu” của người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho vấn nạn hàng giả, khiến hàng giả vẫn len lỏi vào thị trường.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc sản xuất, buôn bán hàng giả đã xâm phạm đến quyền sở hữu độc quyền về thương hiệu sản phẩm của công ty đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chế tài xử lý vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhẹ, đặc biệt với hàng vi phạm có trị giá thấp hơn mức xử lý hình sự (200 triệu đồng), trong khi lợi nhuận thu được từ kinh doanh mặt hàng này lớn, một số đối tượng vẫn tái phạm nhiều lần.
“Do vậy, để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả, cơ quan quản lý cần có các chế tài xử phạt đủ mạnh để có tính răn đe, ngăn chặn”, luật sư Phạm Hải Long nhấn mạnh.