Đào Hải Phong ‘tìm lại mình’ trong văn Thạch Lam

THƯ HOÀNG 31/07/2022 14:00

Sau “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng, “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng, Tủ sách Văn chương và Mỹ thuật vừa trở lại bằng việc ra mắt ấn phẩm “Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường” của nhà văn Thạch Lam. Những áng văn ấn tượng nhất của Thạch Lam lần này có sự góp mặt của họa sĩ đương đại Đào Hải Phong, mang tới cho độc giả một cảm xúc mới, khi hội họa đồng hành cùng văn học.

Họa sĩ Đào Hải Phong.

Nhà văn Thạch Lam (1910-1942) nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam với những tác phẩm như “Hai đứa trẻ”, “Nắng trong vườn”, “Hà Nội băm sáu phố phường”, “Gió đầu mùa”… Chọn “Gió đầu mùa” - tập truyện ngắn và “Hà Nội băm sáu phố phường” - tập tùy bút nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, Đông A và NXB Văn học đã xếp chung trong một tập sách với tựa đề “Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường”.

Trong ấn phẩm này, phần văn bản của tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” được thực hiện theo bản in lần đầu năm 1937 của NXB Đời Nay, với Lời tựa do nhà văn Khái Hưng viết. Còn phần văn bản của tùy bút “Hà Nội băm sáu phố phường” được thực hiện theo bản in đầu tiên năm 1943 của NXB Đời Nay, cũng do Khái Hưng viết Lời tựa.

Vẽ minh họa cho các tác phẩm văn học nổi tiếng luôn là một thử thách với các họa sĩ đương đại, nhất là họa sĩ quen bảng màu, giá vẽ. Văn chương Thạch Lam càng có vẻ khó hơn. Bởi như “Gió đầu mùa” hay “Hà Nội băm sáu phố phường” vốn đầy ắp hình ảnh và mang nét duyên dáng rất riêng, vừa thâm trầm sâu lắng, vừa ý nhị, nhẹ nhàng. Hơn thế, đã có rất nhiều họa sĩ vẽ về Hà Nội và để lại dấu ấn sâu đậm trong người xem.

Họa sĩ Đào Hải Phong được mời minh họa cho ấn phẩm lần này. Khi thấy họa sĩ nhận lời vẽ minh họa “Gió đầu mùa” và “Hà Nội băm sáu phố phường”, nhiều người nghĩ anh “liều”. Bởi trong hội họa Việt Nam đương đại, họa sĩ Đào Hải Phong đã xây dựng một phong cách riêng với cách sử dụng màu sắc đầy ấn tượng. Thế nhưng, với lời mời này, họa sĩ Đào Hải Phong xem nó vừa như một cơ duyên nhưng đồng thời là một thử thách thú vị.

Minh họa bột màu của họa sĩ Đào Hải Phong trong ấn phẩm “Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường”.

Nếu trước đó, với “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ đã tạo được ấn tượng thẩm mỹ tốt, khi anh vắt kiệt sức mình trong một thời điểm để vẽ minh họa thì với bộ minh họa trong “Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường”, họa sĩ Đào Hải Phong dường như đã tìm lại được mình. Họa sĩ Đào Hải Phong cho biết, anh thực hiện các bức minh họa này trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Họa sĩ xem đây là cơ duyên, là may mắn khi được cùng nhà văn Thạch Lam xuất hiện trên cùng một cuốn sách.

“Văn chương Thạch Lam có sự gần gũi, tương đồng với quan niệm nghệ thuật của tôi… Tôi vẽ những bức minh họa này bằng bột màu, là chất liệu đã làm nên tên tuổi của tôi những năm 90 của thế kỷ trước. Tôi có cảm giác nhà văn Thạch Lam gợi lại cho tôi những gì đã là giá trị của tôi, những gì mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng mang lại nhiều điều thú vị” - họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ.

Dù không phải là họa sĩ có thế mạnh trong vẽ minh họa, nhưng với “Gió đầu mùa” và “Hà Nội băm sáu phố phường” có thể nhận ra sự hòa điệu nhịp nhàng. Đào Hải Phong đã “bắt” trúng tinh thần của văn chương của nhà văn Thạch Lam để vẽ. Những bức minh họa của Đào Hải Phong trong ấn phẩm này, ở chừng mực nào đó, có thể coi là những tác phẩm hội họa độc lập được gợi hứng từ những trang văn giàu cảm xúc của nhà văn Thạch Lam.

Các bức vẽ trong bộ minh họa mang đến cho người xem điểm nhìn mới về những vết dấu cũ xưa. Hà Nội hiện ra trong tranh Đào Hải Phong vừa quen thuộc vừa mới lạ, thâm trầm nhưng cũng đầy kiêu sa. Minh họa của họa sĩ đồng điệu với văn chương Thạch Lam ở nét thanh lịch dịu dàng và tình yêu chân thành, tha thiết dành cho cảnh vật, con người, những giá trị đẹp đẽ và cao quý.

THƯ HOÀNG