Giá thịt lợn và bài toán ổn định thị trường

D.KHANG - H. SA 31/07/2022 10:31

Giá lợn hơi giảm là điều đáng mừng đối với người tiêu dùng, thế nhưng với người chăn nuôi lợn, đây lại là một tin không vui...

Giá thịt lợn trên thị trường những ngày qua tại một số địa phương đã có xu hướng “hạ nhiệt”. Ảnh: Vũ Sinh.

Giá lợn hơi giảm

Ngay sau Chỉ thị của Chính phủ, cụ thể là văn bản số 4679/VPCP-KTTH ngày 26/7/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc điều chỉnh và kiểm soát giá thịt lợn cũng như đảm bảo cân đối cung cầu sản phẩm lợn hơi trên thị trường, những ngày qua, giá thịt lợn tại các địa phương đã có xu hướng “hạ nhiệt”.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội: Cần giải bài toán về thức ăn chăn nuôi

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh liên quan đến đàn lợn đã giảm thiểu, không còn gay gắt, phức tạp như trước. Tuy nhiên, trên thị trường lâu nay vẫn diễn ra thực trạng sản phẩm, hàng hóa sản xuất ra, trong đó có sản phẩm thịt lợn không đi từ nhà sản xuất đến bán lẻ, mà phải trải qua nhiều khâu trung gian, qua lò mổ, qua thương lái và tình trạng một số siêu thị hưởng chiết khấu cao... dẫn đến câu chuyện giá lợn hơi và giá thành phẩm ở chợ và siêu thị luôn có độ chênh lớn. Chúng ta cần giải bài toán về thức ăn chăn nuôi đang nóng hiện nay, theo đó giảm bớt phí nhập khẩu của nguyên liệu, chú trọng vào chuỗi thức ăn chăn nuôi trong nước để đảm bảo nguồn cung, kết hợp cùng các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên lợn hiệu quả sẽ giúp đảm bảo và ổn định giá thịt lợn.

Yêu cầu của Bộ NNPTNT ngay lập tức có hiệu lực. Số lượng lợn được bán qua biên giới đã giảm thiểu. Thương lái đã hạn chế mua nên số lượng lợn được chuyển đi phía Bắc giảm trông thấy. Mặt khác, giá trong nước vốn bị ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc nên khi giá tại quốc gia này hạ, giá lợn hơi trong nước cũng đã hạ nhiệt.

Việc cơ quan chức năng vào cuộc rà soát, xử lý nạn vận chuyển lợn qua biên giới trái phép sẽ là một trong những động thái giúp hạ nhiệt giá lợn hơi.

Khảo sát của nhóm phóng viên sau khi văn bản chỉ thị của Chính phủ được đưa ra sau hai ngày, vào ngày 28/7, giá lợn hơi tại các địa phương có xu hướng giảm rõ nét. Trong đó, ghi nhận mức giảm mạnh nhất 7.000 đồng/kg tại khu vực miền Nam.

Tại khu vực miền Bắc, trong ngày 28/7, giá lợn hơi đã giảm 1.000 - 4.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại tỉnh Hà Nam, giá lợn hơi giảm 4.000 đồng/kg xuống mức 65.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất khu vực.

Cùng giảm 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Nam Định và Ninh Bình trong những ngày qua cùng đứng ở mức 67.000 đồng/kg.

Còn tại Bắc Giang, giá lợn hơi hiện neo ở mức 69.000 đồng/kg sau khi giảm 1.000 đồng/kg so với những ngày trước đó. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Hà Nội.

Các địa phương còn lại tiếp tục giữ nguyên mức không đổi so với ngày hôm qua. Trong đó, mức giá cao nhất 70.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hưng Yên, Thái Bình.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng đã “hạ nhiệt” tại một vài địa phương, dao động ở mức 65.000 - 69.000 đồng/kg.

Trong đó, Quảng Ngãi và Bình Thuận, giá lợn hơi điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg xuống chung mức 69.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại nhiều địa phương gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng. Đây cũng là mức giá cao nhất khu vực.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi được ghi nhận đã giảm rải rác tại một số tỉnh thành và dao động trong khoảng 63.000 - 70.000 đồng/kg. Trong đó, mức giảm sâu nhất 7.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bà Rịa - Vũng Tàu đưa giá lợn hơi về mức 66.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại TPHCM, Long An, Đồng Tháp.

Riêng đối với thị trường Hà Nội, để đảm bảo nguồn cung, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Sở tiếp tục khuyến khích chăn nuôi lợn theo vùng, xã trọng điểm, xa khu dân cư và sẽ tập trung hỗ trợ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn nằm trong vùng quy hoạch của địa phương…

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ về giống, vaccine… để người chăn nuôi giảm giá thành sản xuất, bảo đảm tổng đàn lợn duy trì ổn định hơn 1,8 triệu con, qua đó chủ động nguồn cung cho thị trường Hà Nội.

Mặc dù giá thịt lợn hơi đã giảm khá sâu, thế nhưng ghi nhận thực tế cho thấy, giá thịt lợn trên thị trường vẫn không có dấu hiệu giảm.

Khảo sát tại chợ Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), giá các sản phẩm từ lợn như sườn non, nạc vai, chân giò, ba chỉ... giá vẫn giữ nguyên, quanh mức 130.000 đồng – 170.000 đồng/ kg tùy loại. Tương tự, tại các chợ truyền thống khác như chợ Hôm - Đức Viên, chợ Thành Công, chợ Cầu Giấy... giá thịt lợn vẫn neo ở mức 150.000 đồng -160.000 đồng/kg.

Tại siêu thị, giá cũng được niêm yết ở mức cũ như nhiều ngày trước đó, như siêu thị Vinmart, giá thịt nạc thăn ở mức 160.000 đồng/kg, sườn non có giá dao động quanh mức 230.000 đồng/kg...

Chị Hoàng Thu Thủy (phố Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhiều ngày gần đây bữa cơm nhà chị thiếu món ăn chế biến từ thịt lợn do giá thịt lợn cao quá. “Trước hầu như bữa cơm nào cũng có món này món kia chế biến từ lợn nhưng gần đây giá thịt đắt đỏ nên tuần chỉ mua thịt lợn 1 -2 lần chế biến món ăn. Tôi nghe thông tin giá thịt lợn hơi đã giảm nhưng thực tế, giá vẫn giữ nguyên như trước” - chị Thủy cho hay.

Người chăn nuôi thiệt thòi

Như vậy, với những diễn biến trên thị trường cho thấy, giá thịt lợn hơi đã hạ nhiệt. Tuy nhiên giá lợn hơi giảm có thể là tin vui với người tiêu dùng thế nhưng lại là thiệt thòi đối với người chăn nuôi. Là bởi, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, với người chăn nuôi nói chung, người nuôi lợn nói riêng, giá thức ăn chăn nuôi là gánh nặng trên vai của họ.

Bởi giá thành phẩm chịu chi phối của tỷ lệ không nhỏ thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian qua, mà giá lợn thành phẩm không tăng được, khiến người nuôi lao đao.

Các doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi liên tục điều chỉnh giá khiến cho người chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng khó tứ bề.

Theo chia sẻ của ông Hồ Đức Hoàng (xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), giá thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản xuất (60%-70%), bởi vậy nên thời điểm này, giá lợn hơi phải bán được ở mức trên 60.000 đồng/kg mới hòa vốn chứ chưa nói có lãi.

“Những ngày trước giá có lên cao một chút nhưng thời điểm đó lứa lợn chưa thể xuất được nên tôi cũng không bán, giờ giá lại bắt đầu hạ” - ông Hoàng chia sẻ và mong giá lợn hơi có giảm cũng sẽ ổn định quanh mức trên 60.000 đồng/kg thì nông dân mới không bị lỗ, bởi hiện nay bà con rất khó khăn vì chi phí sản xuất cao.

Tương tự, nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cũng cho biết, hơn một năm nay, các hộ nuôi lợn không có lãi nên không mở rộng đàn, chỉ duy trì số lượng nhất định vì giá cả rất bấp bênh.

Nói về việc giá lợn hơi giảm những ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng, giá giảm chủ yếu do thông tin Chính phủ yêu cầu kìm giá và nhiều người nuôi tăng lượng bán. Tuy nhiên, giá lợn hơi tại thị trường Trung Quốc, Thái Lan được dự báo còn neo cao, đặc biệt Trung Quốc sẽ tìm cách tăng mua lợn từ Việt Nam. Do đó, ngoài giải pháp tăng đàn, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể như hạn chế xuất khẩu thịt lợn, tăng nguồn nhập khẩu..

Xu hướng tiêu dùng giảm

Theo ông Nguyễn Quốc Lân - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), xu hướng tiêu dùng thịt lợn tại Việt Nam giảm dần, tăng lên ở các loại thực phẩm khác, một phần nguyên nhân do dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 trong thời gian dài, đồng thời một phần cũng do sự thay đổi thói quen người tiêu dùng. Đây là tín hiệu tốt để giảm áp lực đối với sự biến động của thị trường thịt lợn.

Mới đây, Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos đã công bố kết quả nghiên cứu về thị trường thịt lợn Việt Nam năm 2022, cho thấy mức tiêu thụ thịt lợn của người Việt Nam ít hơn so với 5 - 6 năm trước. Nguồn cung thịt lợn hiện vẫn được đảm bảo, cộng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không có nhiều biến động, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ ổn định ở mức thấp.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại Nguyễn Quốc Lân, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65 - 70% trong giá thành sản xuất thịt lợn. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh 5 lần tăng giá, tương đương tăng khoảng 20%, cộng các chi phí đầu vào khác (con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc khử khuẩn, sát trùng...)

Trước áp lực chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức cao, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành cần đưa ra những giải pháp có tính lâu dài, hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để thay thế một phần thức ăn công nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng từ trang trại tới bàn ăn. Nhà nước có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường, nếu không sẽ khó khắc phục được tình trạng giảm đàn, bỏ chuồng ở các nông hộ như đã tái diễn suốt thời gian qua.

Trung Quốc giảm mua, giá lợn hơi hạ nhiệt

Trước tình trạng lợn vận chuyển qua biên giới tăng những ngày qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn các trường hợp vận chuyển lợn qua biên giới.

Bộ NNPTNT cho biết theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn thú y, hiện nay do sự chênh lệch về giá cả lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng dẫn đến hiện tượng buôn bán, vận chuyện trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt là việc vận chuyển lợn từ Việt Nam qua biên giới phía Bắc đang làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi; lở mồm long móng... giữa các nước với Việt Nam.

Theo đó, Bộ NNPTNT đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các địa phương; thành lập các đoàn công tác đến địa bàn trọng điểm triển khai các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Bộ NNPTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn trái phép để ổn định thị trường, giá thịt lợn trong nước...

D.KHANG - H. SA