Nhà khoa học của rừng

Phạm Quang Đẩu 10/08/2022 05:56

Bẵng đi một thời gian, mới đây tôi gặp lại GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung. Dù đã ở tuổi ngoài “bát thập”, ông vẫn khỏe và tinh tường, đặc biệt vẫn say sưa với sự nghiệp quản lý rừng bền vững.

GS Nguyễn Ngọc Lung. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Giữa năm 2007, tôi được Hội Khoa học lâm nghiệp Việt Nam ủy thác chủ biên tờ tạp chí mới “Rừng & đời sống” ra hàng tháng. Cộng tác, gắn bó ngay từ buổi đầu với tạp chí là vị giáo sư kỳ cựu Nguyễn Ngọc Lung.

Ông nguyên Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp, thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thành quả trong những năm tháng tại chức của nhà khoa học về quản lý và bảo vệ rừng này thật đáng nể: Viết 2 cuốn sách chuyên môn sâu, trên 200 bài báo, chuyên khảo và ông đã thực hiện thành công 12 đề tài khoa học, trong đó có 4 đề tài cấp Nhà nước.

Ngay sau khi nghỉ hưu, năm 2006 ông đã khởi xướng, sáng lập Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, một viện rất mới khi nước ta ngày ấy bắt đầu hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới. Tôi có ông anh ruột Phạm Hồng Khôi - nguyên Giám đốc Sở Lâm nghiệp Hòa Bình.

Biết tôi có người “cộng tác viên VIP” như vậy, anh tỏ ra rất mừng, bảo: “Nguyễn Ngọc Lung là bạn đồng môn với anh ở trường Trung cấp Nông Lâm, đóng tại Chèm-Vẽ (Hà Nội). Anh bạn ấy quê Lâm Thao, Phú Thọ, nhà nghèo, học hết lớp 7 phải rẽ ngang, nhưng thông minh, chăm chỉ, ra trường năm 1960 được phân ngay về Học viện Nông Lâm; rồi tự học mà có bằng đại học, phó tiến sĩ (nay là TS), còn sang Liên Xô bảo vệ thành công học vị tiến sĩ (TSKH). Bạn học khóa 3 mấy trăm người tốt nghiệp năm ấy, chỉ có Nguyễn Ngọc Lung là đi trọn vẹn con đường khoa học đạt tới đỉnh cao...”

Bài đầu tiên đăng trên tạp chí của tôi của GS Nguyễn Ngọc Lung là về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Đề cập tới vấn đề thời sự này vào cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, cho thấy sự nhạy bén của vị giáo sư lâm học lúc đó đã ở tuổi “thất thập”.

Phong trào quốc tế về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã tiến hành trước thời điểm viện của GS Lung ra đời được gần 10 năm. Quản lý rừng bền vững là sự quản lý rừng và đất rừng theo cách thức và mức độ phù hợp để duy trì tính đa dạng sinh học, năng suất, khả năng tái tạo, sức sống của rừng. Lúc đầu chỉ có 83 nước tư bản phát triển cam kết “Chấp nhận giá mua gỗ và lâm sản cao từ 10-20% khi khai thác từ các khu rừng quản lý rừng bền vững với chức năng là: đạt kinh tế tốt; bảo vệ môi trường và bảo đảm phúc lợi xã hội.

Với sự giúp đỡ, tư vấn về mọi mặt của Viện do GS Lung đứng đầu, ở nước ta đã có ngay 3 đơn vị quản lý rừng đầu tiên được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, là hai lâm trường Đoan Hùng, Xuân Đài đều trên đất Phú Thọ và nhóm gần 100 hộ gia đình trồng rừng sản xuất tại huyện Gio Linh (Quảng Trị), hình thức quản lý gần như hợp tác xã kiểu mới, nhưng không tập trung đất đai.

Thế rồi bẵng đi một thời gian, mới đây tôi gặp lại GS Nguyễn Ngọc Lung. Ông cho tôi biết, đến năm 2020 Việt Nam đã chính thức tham gia vào các hiệp định thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do EVFTA với EU nơi mà thị trường yêu cầu khắt khe về nguồn gốc gỗ và đồ gỗ hợp pháp, bên cạnh đó mục tiêu đến 2025 Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản là 20 tỷ USD. Vì vậy nhu cầu về gỗ nguyên liệu có chứng chỉ hợp pháp cho công nghiệp chế biến trong nước ngày càng cao, đòi hỏi phải gia tăng diện tích rừng có chứng chỉ FM. Đến cuối năm 2020 mới chỉ có 49 chủ rừng trong nước được cấp chứng chỉ với diện tích gần 220.000 ha, trong đó 80% là rừng trồng.

Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng kỷ niệm 10 năm ra đời (2006-2016), GS. Viện trưởng Nguyễn Ngọc Lung ngồi giữa.

GS Lung nhìn nhận: Tiến trình chứng chỉ cho chủ rừng ở Việt Nam hiện gặp không ít khó khăn, như: Chính sách về đất đai còn nhiều bất cập, không khuyến khích được các chủ rừng, đặc biệt chủ rừng là doanh nghiệp nhà nước; Nhận thức và năng lực về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ở cấp địa phương của các cơ quan quản lý chưa đầy đủ. Muốn tháo gỡ những bất cập này, cần phải có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và các nước cũng như các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao nhận thức cho chủ rừng và các bên liên quan.

Hiện Chính phủ đã ban hành Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, theo đó giai đoạn từ 2020 đến 2030 sẽ đặt mục tiêu xây dựng và tổ chức cấp chứng chỉ cho 1 triệu ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ của các tổ chức, hộ gia đình và ban quản lý rừng phòng hộ. Một trong những khó khăn của việc thực hiện mục tiêu này là phần lớn thuộc sở hữu của các chủ rừng nhỏ, diện tích trung bình khoảng 2-3 ha, rất khó để xây dựng và thực hiện các chương trình quản lý rừng bền vững theo chuẩn quốc tế...

GS Nguyễn Ngọc Lung chia sẻ, giờ tuổi cao không đi rừng được thường xuyên nữa, thấy trong người bứt rứt lắm. Và cuộc đời hoạt động của ông đã chứng kiến bao thăng trầm của ngành Lâm nghiệp, đau xót nhất vẫn là chuyện “mất rừng”. Năm 1946, độ che phủ rừng tự nhiên nước ta là 43%, tương đương 14,3 triệu ha rừng. Đến năm 1954, còn 35%; 1976 còn 29%; 1992 chỉ còn 27%. Khi đó ngành Lâm nghiệp báo cáo với Quốc hội, Chính phủ rằng diện tích rừng như vậy sẽ không bảo đảm phát triển môi trường bền vững. Đến những năm cuối thế kỷ trước đã có những tiến bộ nhất định trong việc nâng cao độ che phủ rừng và Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định mạnh mẽ về việc đóng cửa rừng tự nhiên.

Rồi giọng nói của ông vui hơn khi nhắc đến Dự án 327 giao đất giao rừng ra đời. Ở đây chúng ta đã rút ra được bài học khá sâu sắc về xã hội hóa nghề rừng, Nhà nước không phải can thiệp vào toàn bộ quá trình chăm sóc, bảo vệ rừng. Người nông dân đã có vai trò quan trọng thông qua việc trồng, giữ rừng và nhờ đó họ được hưởng lợi. Đến đầu thế kỷ XXI thêm một bước tiến mới trong việc bảo vệ, phát triển vốn rừng. Đó là việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng thực sự tạo một động lực mới, đặc biệt là việc khai thác, chế biến lâm sản, hội nhập thương mại quốc tế.

Ông cũng cho hay, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã qua hai lần cấp lại chứng chỉ rừng cho những khu rừng được công nhận là quản lý rừng bền vững. Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã có 16 năm hoạt động phi lợi nhuận rất có hiệu quả, có những đóng góp nhất định cho hoạt động của khối hợp tác ASIAN, của quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng của khối ASOF. Ngày nay chúng ta có thêm một tiêu chuẩn quản lý rừng thứ hai là PEFC giúp cho chủ rừng dù là thành phần kinh tế nào cũng có điều kiện để lựa chọn xin chứng chỉ rừng mà thị trường thế giới ưa thích.

Mới đây GS Lung email cho tôi: “Anh Khôi em trên Hòa Bình có khỏe không? Thế hệ anh đều đã già cả rồi, các anh Hà Chu Chử, nguyên viện trưởng Viện Công nghiệp rừng; Phan Thanh Xuân - nguyên Thứ trưởng Lâm nghiệp vừa mới ra đi. Công việc cuối đời của anh là quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng những năm qua đã có những bước tiến, nhưng anh vẫn muốn được nhìn thấy trong một ngày gần đây nó có bước tiến vững chắc hơn nữa, thì anh mãn nguyện, còn gì hơn...”

GS Nguyễn Ngọc Lung năm nay 83 tuổi. Chúc nhà khoa học của rừng trường thọ, thỏa nguyện nỗi lòng đau đáu về sự nghiệp quản lý rừng bền vững của mình.

GS Nguyễn Ngọc Lung chia sẻ, giờ tuổi cao không đi rừng được thường xuyên nữa, thấy trong người bứt rứt lắm. Và cuộc đời hoạt động của ông đã chứng kiến bao thăng trầm của ngành Lâm nghiệp, đau xót nhất vẫn là chuyện “mất rừng”. Năm 1946, độ che phủ rừng tự nhiên nước ta là 43%, tương đương 14,3 triệu ha rừng. Đến năm 1954, còn 35%; 1976 còn 29%; 1992 chỉ còn 27%. Khi đó ngành Lâm nghiệp báo cáo với Quốc hội, Chính phủ rằng diện tích rừng như vậy sẽ không bảo đảm phát triển môi trường bền vững. Đến những năm cuối thế kỷ trước đã có những tiến bộ nhất định trong việc nâng cao độ che phủ rừng và Thủ tướng chính phủ đã có quyết định mạnh mẽ về việc đóng cửa rừng tự nhiên.

Phạm Quang Đẩu