Nhận mặt luống cày

NGUYỄN VĂN HỌC 11/08/2022 10:16

Mùa gặt nắng nôi vừa kết thúc, thóc vẫn còn giãy trên sân phơi chưa kịp vào bồ, người dân quê mình đã tranh thủ cày ải chuẩn bị vụ mùa. Vụ cấy mùa bao giờ cũng tất bật hơn vì nắng lắm mưa nhiều. Có những năm sau ngày nắng như đổ lửa là bất chợt mưa ung úng, mịt mù cả tuần. Mưa thối đất thối cát. Mưa như thể không ai có thể mở mắt ra mà mình trời. Ngay cả những cánh cò cũng nhọc lòng bởi chẳng biết hướng nào đi kiếm ăn nữa. Cho nên việc cấy cày phải làm cấp tập, vội vàng cho kịp. Mà mưa thì hợp với cấy hơn. Mưa đổ đầy ắp nước cho những ô ruộng. Nhà nông luôn chân luôn tay, cái nhọc nhằn cứ ùn ùn kéo lê bản thân nó trên những cánh đồng. Nhưng đã là người nông dân, ở đâu cũng vẫn sống chung nỗi nhọc nhằn, từ đó mà vững vàng hơn.

Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Đến đây, tôi chợt bâng khuâng nhớ đến những câu thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường:

“Ruộng cấy ta mong cơn mưa

Ruộng gặt ta mong ngọn nắng

Chăm lo cánh đồng tình yêu

Anh đếm từng vầng trăng sáng…”

Nhẩm xong rồi nghĩ đến những nao nao cuộc đời và bao ân nghĩa trên cánh đồng làng, với những con người mộc mạc. Bao nhiêu giọt mồ hôi của người nông dân đổ xuống, để có những hạt mầm chắc mẩy, để có những bình minh thân thương? Không ai đong đếm được. Nhưng tất thảy sẽ được đo bằng dằng dặc những nỗi niềm khi luôn phải “trông trời trông đất trông mây…”. Chỉ qua vài nỗi chờ trông, hy vọng đó là hết một đời người.

Một cánh cò trắng muốt như dải lụa mây vừa là là bay ngang thân đê. Đó là con đê làng đong đầy nỗi nhớ và vẻ đẹp cho mỗi người con của làng. Con đê là một nét vẽ diệu kỳ trên bức tranh đồng quê rộng lớn. Một nét vẽ thân thương đủ làm vơi bớt mệt nhọc cho mỗi ai từ đây là ngồi hóng mát. Những bà, mẹ, chị và cả miền tuổi thơ tôi đã nghỉ ngơi hóng mát ở nơi này. Các bác thợ cày, những chú trâu, bò sau ngày làm việc vất vả, cũng áp vào vạt cỏ ven đê để gió vỗ về.

Và cứ tưởng tượng một chút, so sánh một chút thì con đê làng xưa ấy có khác gì một miền cổ tích. Chỉ ngồi đó thôi cũng thấy cả rừng nón trắng nhấp nhô trên đồng luôn làm cả cánh cò cảm động, luôn là sắc màu trang điểm những vạt đồng quê sinh động và tươi mới. Từ đây tôi thấy cánh đồng lên xanh, rồi đồng lại chín mùa thu hoạch. Hẳn các bà mẹ và các chị phải yêu đồng đất quê mình lắm. Hẳn phải có một sự gắn kết nào đó thì con người và cánh đồng mới có thể bổ trợ cho nhau một cách hài hòa đến thế.

Tôi vẫn nhớ năm nào, mẹ dạy tôi yêu cánh đồng và chị dạy tôi yêu những cái cây. Khi con người biết sẻ chia và biết yêu những điều nhỏ bé, giản dị, thì người đó sẽ yêu những điều lớn lao, yêu đồng loại. Như chim bay trên trời phải biết yêu bầu trời, yêu cánh gió và cả những con diều đang vi vút ngân nga. Như thể con cá bơi yêu nước, yêu cả màu nước trong hồ ao, yêu cánh sen, cái bèo, yêu sự sống nhiệm màu đã cho mình hiện diện. Tôi chợt nhớ lời một đứa con yêu quê đã viết:

“Mẹ trao cho tôi một ngọn gió đồng

Tiếng cu gáy vọng trời xa khó nhọc

Vết bùn non gót chân ngày đi học

Để khi xa tôi nhớ lối về làng...”

Yêu làng và yêu đồng, ta cũng yêu bác thợ cày với những con trâu, con bò. Ông nội đã nói thế này: “Ai chưa hiểu người nông dân, hãy ra ruộng cày”. Có phải, ruộng cày cùng với những con trâu, con bò là tài sản, là công cụ sản xuất quý báu của người nông dân một nắng hai sương?

Nhưng hơi hướng công nghiệp hóa đã về làng. Nông thôn mới đã giúp các cung đường ra đồng nở hoa. Máy cày, máy bừa độ này nổ pành pành trên những thửa ruộng xa. Khi bên này bà con còn đang ý ới gọi máy, bên kia đã gọt cỏ đầu bờ. Bà nội vẫn bảo, giờ sướng thật, một “con máy” làm bằng cả chục con trâu, con bò.

Xưa ở quê, nhà nào chả có trâu, hoặc bò, nhất là những nhà nhiều ruộng. Trong làng lúc nào cũng có vài thợ chuyên cày thuê. Họ giúp cho những hộ không đủ nuôi một con trâu. Thợ phải là những người có sức khỏe, nhanh nhẹn, có thể thi gan được với nắng gắt và sự vất vả của công việc. Đâu chỉ có thế, thợ cày còn phải thi gan được với chú trâu, bò mà mình điều khiển. Làm sao để có thể “cày sâu, cuốc bẫm”, ruộng đất nhuyễn, giúp việc cấy hái sau này dễ dàng. Sau vụ cày thuê vẫn khỏe khoắn như thường và tích lũy nhựa sống cũng như sức khỏe cho mùa sau.

Giờ quê mình rất vắng trâu bò. Nhiều khóm tre làng có chú trâu nằm nhởn nhơ nhai lại chỉ còn trong quá vãng, dù con đê làng vẫn cong bờ sông vẫn gió. Hình ảnh gần gũi, thân thương như cánh cò trắng đậu trên lưng trâu, như một nét chấm phá của thiên nhiên miền quê vẫn còn đó, nhưng lối về ngày xưa bỗng trở nên xa vời. Vạt đê rộng thế, mùa này cỏ xanh mượt mà cũng chỉ có vài chú trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ. Bà nội bảo sức trâu bò đã được thay thế bởi sức máy. Máy móc đã cướp nghề trâu bò và người nông dân ít cần chúng hơn.

Hôm nay về đồng, tôi muốn tìm luống cày ngày xưa của tôi, để trò chuyện như đã từng. Luống cày ngày xưa đã thắp ước mơ học hành để tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Nhưng tôi chỉ có thể gọi luống cày do những chú trâu bò góp sức từ trong quá vãng.

- Nào luống cày, ký ức của tôi ơi. Luống cày đã cho tôi hình dung về giọt mồ hôi, về mặn mòi nước mắt người nông dân khi gió bão làm mất mùa, có thể đưa tôi lướt qua một vùng kỷ niệm?

- Luống cày, đồng quê, có còn hằn in tiếng giục trâu bò, bước chân nặng nề khó nhọc của người thợ cày?

Trả lời tôi chỉ có ruộng đất, đang phơi mình trong óng ánh nắng tươi. Trả lời tôi là mênh mang gió và xốn xang nỗi niềm. Tôi không thể nào hình dung nổi, một khi thế hệ ông nội tôi về thế giới bên kia, cánh đồng vắng hẳn trâu bò, thì chẳng biết cánh đồng sẽ buồn biết bao nhiêu! Ai sẽ nhớ đến đồng, đến luống cày vỡ đất, cày ải, đường bừa ì oạm bùn đất…

Chắc lẽ, sự đặc sắc của cánh đồng cũng như sự sinh động của đời sống người nông dân sẽ giảm đi. Người ta chỉ còn thấy sự vô tình của máy móc, mà không thấy sự gắn kết giữa con người với cánh đồng. Có thể là tôi… rất cũ. Có thể là tôi đang rất hoài niệm và nghĩ ngợi nhiều. Nhưng biết sao được, có ai đánh thuế một chuyến trở về với thiên nhiên cũ năm nào.

Con có thể tìm được những hình ảnh đẹp đó ở đâu, nội nhỉ? Nội bảo, con hãy găm nó trong bảo tàng lòng mình. Tôi chùng lòng xuống. Trong tôi có một góc bảo tàng cuộc đời, hay là lộn xộn những mớ nghĩ đã rong rêu. Cũng may, ông còn giữ được chú trâu, để một phần cày những ô ruộng nhỏ máy cày, máy phay không thể vào được. Nhưng ngoài điều đó, ông nội muốn lưu giữ một mảng ký ức.

Ông là người hoài cổ, muốn dạy con cháu trước tiên bằng hình ảnh “con trâu đi trước cái cày” để thế hệ sau nhớ ơn thế hệ trước. Thế hệ sau hãy biết lối về quê hương, biến làng quê thành nơi đáng sống, muốn quay về để được bình yên, chứ không phải là sự giàu có đến vô tình, đến bạc nhược.

Sự nhọc nhằn của chú trâu trong mùa hè gắt nắng, cùng với người đàn ông đội nón mê, quần xắn ống thấp ống cao, lấm lem bùn đất liêu xiêu vác cày, vác bừa mãi mãi là bài học không bao giờ cũ, để cháu con ghi nhớ công ơn người xưa và biết quý trọng sức lao động.

Hãy thử ngẫm mà xem, chúng ta đã từng phải sưu tầm và bảo lưu những cái rất xưa để nhắc nhở con cháu về thời gian khó của cha ông đấy thôi. Vậy tại sao trong dòng chảy cuộc đời, ta không nhìn lại những cách làm thân thiện môi sinh, gần gũi, mộc mạc để tất cả hình ảnh đó sẽ được soi rọi, làm bài học trực quan cho mai sau.

Trước cuộc sống nhiều đổi thay, chắc có lẽ, tôi sẽ bảo lưu hình ảnh luống cày xưa trong tâm tưởng mình, với những chú trâu bò nhiệt thành và cần mẫn, để mỗi mùa lại về, nhận mặt ruộng đồng, nhận mặt luống cày và những bình dị dấu yêu. Dù tôi hỏi, cánh đồng chỉ đáp lại bằng một lời chào.

NGUYỄN VĂN HỌC