Nhà thơ Yên Khương: Không gì tốt hơn khi cha mẹ cùng con trải nghiệm

Việt Quỳnh (thực hiện) 03/08/2022 11:11

Mùa hè này, con gái 8 tuổi của vợ chồng nhà thơ Yên Khương tham gia trại hè EcoCamp 10 ngày ở Đồ Sơn, Hải Phòng và một khóa hè ngắn ngày tại Hà Nội. Việc cho bé tham gia hai khóa hè liên tiếp không hoàn toàn là quyết định từ chị mà là kết quả của quá trình hai mẹ con cùng tìm hiểu, thậm chí tham gia trải nghiệm trước khi quyết định. Khi con tràn đầy hào hứng và sẵn sàng cho những chuyến đi như vậy, việc của chị chỉ là ủng hộ và dõi theo.

Chị làm thế nào để có sự tin tưởng gửi con tham gia trại hè một mình, trong khi trước đó đi đâu bé cũng thường đi cùng bố mẹ?

- Đây không phải lần đầu tiên tôi để con tham gia trại hè dài ngày. Cách đây 2 năm, trước khi con gái tôi vào lớp 1, tôi đã từng cho cháu tham gia Trại hè EcoCamp. Nếu như hè năm nay, chúng tôi lên kế hoạch cho việc tham gia các trại hè, tôi chỉ là người đưa ra các phương án, và tôn trọng lựa chọn tham gia của con, thì với mùa hè của 2 năm trước, tôi chủ động trong việc gửi con tham gia trại hè.

Bởi ở thời điểm đó, tôi muốn con có thêm cơ hội trải nghiệm trong một môi trường không có ba mẹ, gia đình ở bên mà sẽ có những người bạn hoàn toàn mới, học hỏi những kỹ năng mới, sẵn sàng cho một chặng đường học tập sau hè trong một ngôi trường mới khác hơn so với trường mầm non quen thuộc.

Theo chị, điều quan trọng nhất là rèn luyện những gì cho con trẻ qua mô hình trại hè?

- Hiện nay, có rất nhiều mô hình trại hè khác nhau, và ở mỗi trại hè sẽ đưa ra những tiêu chí rèn luyện cho trẻ. Tôi lại không đặt nặng vấn đề con sẽ rèn luyện được gì, học được những gì, hay thay đổi ra sao sau một trại hè. Một tuần hay 10 ngày, thậm chí cả tháng ở một trại hè bất kỳ vẫn là quá ngắn so với hành trình trưởng thành của một đứa trẻ.

Mọi kỹ năng, mọi thói quen cần rèn giũa một cách bền bỉ, từng ngày, từng ngày trong chính cuộc sống thường nhật chứ không chỉ qua một trại hè. Bởi vậy, điều tôi mong muốn khi con tham gia các trại hè chính là để con có thêm một mùa hè ý nghĩa, với những kỷ niệm được tạo nên thông qua những mối quan hệ mới, những khoảng thời gian không ở cạnh gia đình, hay những hoạt động được thiết kế dành cho các con tại trại hè.

Vượt ra khỏi không gian của ngôi nhà quen thuộc, ngoài vòng tay đầy bao bọc yêu thương của ông bà, cha mẹ, con sẽ được mở rộng những mối quan hệ, được thử thách chính mình trong các hoạt động tập thể hay cá nhân.

Tôi đánh giá cao mọi trải nghiệm trong hành trình lớn lên của một đứa trẻ, đó có thể là niềm vui, là nỗi buồn, là chút nhớ nhung gia đình, là chút giận hờn cãi vã với những người bạn mới chưa kịp hiểu nhau, là niềm vui khi tự con hoàn thành được một thử thách, hay đôi khi đó có thể là sự thất bại… Có những trải nghiệm phong phú như thế, tự con sẽ hiểu thêm về cuộc sống, hiểu thêm về chính bản thân mình.

Có những trải nghiệm phong phú, trẻ em sẽ hiểu thêm về cuộc sống, về chính bản thân mình.

Liệu thời gian của một đợt trại hè có quá ngắn để tạo nên những thói quen mới tích cực cho các con? Bố mẹ sẽ bổ sung thêm việc rèn luyện các kỹ năng sống ra sao cho con?

- Như tôi đã chia sẻ, một trại hè thực sự dành cho trẻ sẽ tạo cho trẻ động lực để hướng tới những giá trị tích cực hơn, còn thói quen - luôn phải được tạo dựng một cách lâu dài, bền bỉ với sự đồng hành nhất quán của gia đình.

Tất cả những kỹ năng, những thói quen mà bố mẹ cho rằng tốt và hữu ích cho con thì trước hết chính bố mẹ phải là người thực hành một cách bền bỉ. Mặt khác, ngay trong gia đình mình, cả tôi và chồng thường xuyên chia sẻ với nhau những vấn đề liên quan đến con cái, chúng tôi cố gắng để vượt qua những định kiến, những giới hạn của bản thân mình để giúp cho chính những đứa trẻ trong gia đình không gặp trở ngại trong quá trình học hỏi, khám phá bản thân và thế giới xung quanh.

Cuộc sống này vô cùng phong phú và biến đổi khôn lường, các kỹ năng sống cũng vì thế cần được rèn luyện để có thể linh hoạt ứng biến. Và không gì tốt hơn bằng việc cùng con trải nghiệm.

Ngày nay, việc giáo dục tích cực cho trẻ em đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra như thế nào, đặc biệt sau 2 năm đại dịch, trẻ em ở trong nhà và nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực về tinh thần?

- Theo quan sát của tôi, năng lượng tích cực ở trẻ con mạnh lắm, chúng dễ thích nghi, dễ tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống hơn người lớn nhiều. Việc giáo dục tích cực được đặt ra, tôi nghĩ trên hết phải hướng tới các bậc làm cha mẹ. Tôi tin, một người mẹ luôn sống tích cực, chấp nhận khó khăn, sẵn sàng chia sẻ với con cái và nhìn ra những hướng giải quyết tích cực, một người cha biết gạt bỏ những áp lực cuộc sống bên ngoài cánh cửa gia đình… thì cuộc sống của những đứa con luôn vui vẻ.

Chị có ý định cho các con tham gia trại hè tiếp không và ý nghĩa của cha mẹ trong việc giáo dục con như thế nào?

- Vừa kết thúc trại hè của năm nay, con gái tôi đã lên kế hoạch cho trại hè của mùa hè năm sau rồi. Con rất thích trại hè này, và tôi biết con đã thực sự có trong tim mình một mùa hè đầy ý nghĩa với bao nhiêu kỷ niệm và những tình bạn đẹp. Chúng tôi cũng thực sự hạnh phúc vì điều đó. Trong việc giáo dục con cái, chúng tôi chọn làm gương thay vì ép buộc, chúng tôi chọn tin tưởng thay vì bao bọc, chúng tôi chọn trao quyền thay vì làm hộ…

Trong học tập hay trong mọi vấn đề của cuộc sống đều như vậy. Chúng tôi để con tự đưa ra những quyết định và đồng hành, con sẽ tự chịu trách nhiệm với những sai lầm, nhưng cũng là người đầu tiên được hưởng thành quả của chính mình. Hành trình trưởng thành của con, cũng là hành trình trưởng thành của chúng tôi, những người trưởng thành đang hoàn thiện mình mỗi ngày trong vai trò cha mẹ. Và chúng tôi tìm thấy ý nghĩa của hai chữ “gia đình” trong đó!

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Việt Quỳnh (thực hiện)