TS Nguyễn Thụy Anh - người tổ chức EcoCamp: Tự rèn luyện và hoàn thiện kỹ năng sống
Lần đầu tiên được đến một thế giới dành riêng cho trẻ thơ, được giao lưu với bạn bè quốc tế, được khuyến khích tự tin thể hiện năng lực của mình, được lao động, chơi, hoạt động một cách tự chủ, tự lập, khi ấy cô bé Thụy Anh 14 tuổi đã bị choáng ngợp trước sự lộng lẫy của giấc mơ ban ngày ấy. Kỷ niệm 3 tuần ở trại hè gieo vào suy nghĩ của chị một ước mơ: Làm sao để trẻ em Việt Nam cũng có được một nơi của riêng mình như vậy mỗi khi hè đến.
“Năm 2013, khi tôi tổ chức trại hè nội trú cho các em ở khu đô thị Ecopark, tôi mong muốn xây dựng mô hình trại hè cân đối giữa sinh hoạt vui chơi tập thể, lao động, làm việc nhà, hoạt động thể chất với học tập và trải nghiệm.
Trong đó chú trọng hướng dẫn các em có ý thức sống thân thiện với môi trường và con người, phần nào manh nha hình thành các khái niệm về định hướng nghề nghiệp thông qua việc khám phá, thể hiện năng lực cá nhân và sự giao lưu với các khách mời thuộc các ngành nghề khác nhau. Và thế là, EcoCamp ra đời”, TS Nguyễn Thụy Anh nhớ lại.
Qua gần 10 mùa trại EcoCamp với hơn 20 lượt trại, kỷ niệm với nhà thơ Nguyễn Thụy Anh nhiều khôn kể. Có những bạn nhỏ lớn lên cùng với EcoCamp và EcoCamp cũng trưởng thành cùng các bạn. Đã có rất nhiều các trại viên đồng hành với trại từ tuổi non nớt, qua tuổi teen và bắt đầu trở thành anh chị phụ trách một cách chững chạc, có trách nhiệm. “Nhận thức, thái độ, hành vi thay đổi dần qua trải nghiệm, nhưng quan trọng hơn cả là những cảm xúc tích cực các em đã có, đã nâng niu”, TS Nguyễn Thụy Anh tâm sự.
“Hàng trăm, ngàn câu chuyện bé bỏng của các em được ghi lại. Ví dụ, những chia sẻ: “Ở trại hè không chỉ có chơi đâu mẹ ạ, con còn phải suy nghĩ nhiều lắm. Con nghĩ xem đâu là rau, đâu là cỏ để đi nhổ cỏ buổi sáng không nhổ nhầm rau…”; “Con nhận được thư mời trà của thuyền trưởng, con hạnh phúc lắm!”; “Con đã được học làm bánh ở trại nhưng không có sản phẩm để chụp ảnh khoe bố mẹ vì nó ngon quá nên con ăn mất rồi!”; “Ôi bố ơi, chung kết Mini World Cup của chúng con hoành tráng y như World Cup thật ý: có linh vật, có ban nhạc hát khai mạc!”…”.
Bên cạnh những kỷ niệm thú vị cũng có những sự việc xảy ra rất khó quên giúp chị Thụy Anh cùng nhóm từng bước kiện toàn kinh nghiệm tổ chức hoạt động cho trẻ em với những quy trình ngày càng chu đáo, chặt chẽ, an toàn hơn: “Chẳng hạn, khi đang diễn ra chung kết bóng đá EcoCup, trời đột ngột đổ mưa. Đang di chuyển đi tham quan thì hỏng xe. Suốt một đợt trại, trời bỗng mưa dai dẳng không ra được khỏi nhà. Một bạn nhỏ lên cơn hen nhẹ…”.
Chị Thụy Anh nhớ lại: “Ngoài ra, với riêng tôi, kỷ niệm lớn nhất là sự tin cậy, ấm áp từ bọn trẻ. Một số em sau này lớn lên vẫn viết thư tâm sự với tôi - đó là món quà vô giá tôi được nhận từ EcoCamp”.
Để tạo được sự tin tưởng khi phụ huynh gửi con tới, với chị Thụy Anh, lòng tin phải dựa trên sự trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc về thái độ làm việc của những người tổ chức, điều hành chứ không chỉ trên lời nói: “12 năm hoạt động CLB Đọc sách cùng con, gần 10 năm trại hè EcoCamp là thời gian đủ lâu để thử thách lòng kiên nhẫn và thương yêu của chúng tôi dành cho con trẻ. Trẻ em rất tinh. Cả những em bướng bỉnh, cá tính nhất cũng công bằng trong việc đánh giá thái độ của người lớn đối với chúng.
Chính các em là những người thuyết phục bố mẹ cho mình trở lại với EcoCamp vào những năm sau. Phương châm của chúng tôi là: “Điều gì tốt nhất cho trẻ thì chọn làm” nên tôi luôn tự tin ở bản thân, ở đồng sự, không ngại bị chất vấn, hiểu nhầm. Mình tin mình thì phụ huynh cũng sẽ tin mình - tôi nghĩ vậy”.
Để việc rèn luyện giáo dục các bé được tốt nhất qua mô hình trại hè, từ kinh nghiệm làm giáo dục nhiều năm của chị Thụy Anh, người lớn đừng coi trại hè là nơi để “rèn luyện” hay trẻ học được kỹ năng nào đó. Theo chị: “Chỉ cần tham gia hết mình vào cuộc sống thôi, trẻ đã luôn tự rèn luyện và hoàn thiện các kỹ năng sống và rút ra được điều gì cho riêng mình rồi.
Cho nên nhiệm vụ tôi đặt ra cho trại hè là xây dựng một không gian hấp dẫn, sáng tạo, đáng yêu và an toàn cho 10, 15 ngày tự lập của trẻ, là thiết kế những hoạt động phong phú, hợp độ tuổi, tạo điều kiện cho trẻ cùng làm với bạn, hợp tác với đồng đội, phát hiện được những điểm mạnh của mình… Trại hè phải là nơi và là quãng thời gian trẻ cùng nhau làm ra kỷ niệm mùa hè tươi đẹp của tuổi thơ chứ không phải là một kỳ học.
Kỹ năng được hoàn thiện và điều học được của mỗi bạn trẻ sẽ rất khác nhau, không ai giống ai. Tôi chỉ hy vọng, trong những điều học được ấy sẽ có cách ứng xử với mọi người xung quanh, cảm xúc biết ơn và yêu thương người thân, thói quen lao động và cảm nhận về nền nếp sinh hoạt, mong muốn thay đổi phương pháp học tập và bước đầu để tâm đến lưu ý về hướng nghiệp, xây dựng mơ ước, hoài bão cho tương lai…”.