Lê Chức - người nghệ sĩ tài hoa
Gần đây Lê Chức lấy lại chữ Đại vốn là chữ đệm trong tên của thân phụ gã - thi sĩ, kịch sĩ Lê Đại Thanh - người được thành phố Hải Phòng đặt tên phố. Vì vậy, chả biết lý lịch có thêm không, còn trên Facebook thì có đổi. Riêng tôi và bè bạn vẫn thích gọi gã là Lê Chức như một nếp quen.
Lê Chức sinh năm 1947, đứng tuổi Đinh Hợi. Tôi quen Lê Chức vào năm 1992 khi gã vừa tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu ở Liên Xô về. Chân ướt chân ráo, gã bắt tay vào dựng kịch bản “Điểm yếu của con người” của tôi (khi dựng Lê Chức đổi là “Bốn trái tim đau”). Diễn viên gồm vợ chồng NSND Lan Bông - Đỗ Kỉ, nhệ sĩ Phú Đôn và nghệ sĩ gạo cội Kim Thư.
Sau đó chúng tôi khá thân nhau. Càng thân tôi càng hiểu nên càng quý Lê Chức. Xuất thân từ một gia đình làm nghệ thuật nên cuộc đời của Lê Chức từ thiếu thời nay đã 75 tuổi đời đều gắn với nghệ thuật sân khấu. Gã từng là diễn viên Đoàn Kịch nói Hải Phòng, từng tạo dấu ấn trong một số vai trong đó nổi nhất là vai Platon Krêset… Chính vì sự vượt trội trong nghiệp diễn viên nên gã là người có tuổi khá lớn khi được cử đi học đạo diễn ở Liên Xô.
Loanh quanh cuộc đời gã chỉ gắn với tấm màn nhung sân khấu ở những vai trò khác nhau. Làm diễn viên, làm đạo diễn, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam (13 năm), Cục phó Cục Biểu diễn Nghệ thuật, rồi làm Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vài ba khóa đến tận bây giờ. Với tôi Lê Chức có ấn tượng khởi đầu là đạo diễn.
Vốn là một diễn viên có nghề, sau lại được học bài bản đạo diễn nên Lê Chức rất trung thành với chuyên môn mình được học. Chứng kiến Lê Chức thị phạm cho NSND Lan Bông lớp nhân vật say trong “Bốn trái tim đau”, hay khi Lê Chức thị phạm nhân vật bóc mặt nạ trong kịch bản “Uy quyền lớn” mới thấy Lê Chức kĩ và thạo về nghề thế nào.
Ấn tượng thứ hai của Lê Chức đối với tôi là một người làm nghệ thuật ham học, ham hiểu biết. Chẳng cứ đọc, học những kiến thức có liên quan đến sân khấu mà cả những ngành khác. Một người đàn ông tài hoa sống sòng phẳng, mạch lạc, công bằng và dứt khoát. Nhớ lại lần tôi dự trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ở Đại Lải (Vĩnh Phúc) vào năm 2009, lúc đó Lê Chức là Phó Chủ tịch phụ trách trại.
Lên trại, tôi được cơ quan cử đi công tác một tuần ở Hàn Quốc. Khi về còn đúng một tuần ở trại, mặc dù là bạn thân nhưng Lê Chức vẫn nói với tôi rằng: “Trong thời gian còn lại, dứt khoát cậu phải hoàn thành bằng được kịch bản, nếu không sẽ vi phạm kỉ luật trại, sẽ bị phê bình nghiêm khắc đấy”. Chính nhờ sự nghiêm túc của Lê Chức nên trong thời gian ít ỏi tôi đã hoàn thành kịch bản “Thầy Chu” (sau này Nhà hát Chèo Quân đội dựng đổi tên là “Chu Văn An - người thầy của muôn đời”, đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc năm 2013).
Sự nghiêm cẩn trong công việc là đặc điểm nổi bật của Lê Chức. Chính vì vậy sau hàng chục năm ở chức phận một Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu, thời gian hàng ngày Lê Chức gần như toàn tâm, toàn ý cho công việc của Hội đến độ có đến gần 30 năm gã không nhận dàn dựng một kịch bản nào, mặc dù nhiều đoàn, hay các nhà hát vẫn vời đến gã.
Những lúc hàn huyên thấy gã tự nhiên bốc cháy khi thể hiện những trích đoạn, hay say sưa nói về ý tưởng dàn dựng một kịch bản nào đấy mới thấy gã luôn luôn giữ ngọn lửa nghề trong tim. Chứng kiến những buổi lên lớp, những giờ bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cơ sở sân khấu mà Lê Chức giữ vai trò của một giảng viên mới thấy gã thăng hoa trong nghiệp sân khấu như thế nào. Khi có dịp gặp học trò của gã ở khắp các địa phương, mới hay những trò nào nghiêm túc, yêu nghề cũng đều là trò được thầy Lê Chức truyền cho ngọn lửa đam mê đó.
Trong cuộc đời, người lạ mới tiếp xúc với Lê Chức dễ bị sốc vì sự thái quá của gã. Với tôi thì đã chơi với bạn thì phải hiểu tính bạn nên tôi thông cảm sự “trái tính” của gã. Một lần bất ngờ tôi gõ cửa phòng Lê Chức. Gã thò đầu ra giọng ráo hoảnh “Xin lỗi hôm nay mình không có lịch tiếp cậu”. Tôi xin lỗi quay đi.
Mới tới cầu thang, đã thấy Lê Chức điện thoại: “Vào đi, hôm nay linh động cho cậu”. Vào đến nơi gã mau miệng xin lỗi và bảo “Tớ tranh thủ ăn một chút lấy sức đi thu tiếng bây giờ”. Với cách xử lý đề tài từ tinh tế cùng một vốn kiến thức uyên bác nên Lê Chức luôn luôn được ban tổ chức các sự kiện từ cấp quốc gia đến ngành, địa phương, hay các đạo diễn phim mời, khi thì vừa viết vừa đọc, khi chỉ đọc thuyết minh sự kiện, phim. Khi vui lúc gặp tôi, gã vỗ bồm bộp vào túi hoan hỉ với vẻ thật thà nói. “Lại mới nhận 10 triệu đồng tiền bán lưỡi rồi”.
Còn lúc này nhìn gã tỉ mỉ bóc quả chuối, lấy dao ăn xẻ quả chuối làm tư, rồi lia ngang đoạn chuối vừa chẻ thận trọng cho miếng chuối vào miệng. Tôi bật cười hỏi: “Ăn kiểu gì mà kì quái thế?”. Lê Chức thản nhiên bảo tôi: “Mẹ tớ dậy thế”. Lại một hôm, đi cùng Lê Chức đến thăm con đường đất sét ở Đà Lạt. Đang đi, thấy mấy cô gái trẻ lại gần, Lê Chức tiến ngang mặt họ hỏi rất bình thản; “Các cháu có biết bác là ai không?”. Mấy cô gái ngạc nhiên chưa kịp trả lời, thì gã nói ngay: “Tôi là cậu của 3 nghệ sĩ Lê Khanh, Lê Vân, Lê Vi”.
Nhìn khuôn mặt ngỡ ngàng của ba cô gái, tôi liền giải thích thì tất cả vui vẻ trò chuyện và kể về những gì họ biết về 3 cô cháu nổi tiếng của Lê Chức. Nhiều người cứ bảo nói chuyện một lúc, nhất là với những người lạ thì loay hoay thế nào gã cũng phụt ra câu “Gia đình tôi là một gia đình nghệ sĩ, có tới 27 NSƯT và NSND”. Thế đấy, ở anh chàng ngoại thất tuần này luôn ẩn chứa một niềm tự hào trong sáng- đó chính là niềm tự hào về gia đình của Lê Chức - một niềm tự hào thánh thiện và rất nghệ sĩ.
Lại một hôm gặp tôi, sau khoảng lặng trầm tư Lê Chức bằng một giọng trầm, gã khe khẽ bảo tôi. “Hôm nay chính là ngày giỗ lần đầu của tớ”. Tôi tròn mắt hỏi: “Sao thế?”. Như được khơi mạch suy nghĩ gã thao thao kể. Hóa ra cách đây một năm vào một đêm mùa đông. Khi Lê Chức đang an giấc trên giường thì bỗng nhiên có một sự gì khó cắt nghĩa đã đánh thức gã.
Khi ý thức đã trở về, gã thấy dưới lưng mình nóng ran. Gã tung chăn ngồi dậy, bật đèn để rồi hoảng hốt nhận ra. Chiếc đệm sưởi bằng năng lượng điện bất ngờ bị chập điện đã bắt cháy một khoảng rộng và đã loang lên áo và làm xém một khoảng lưng. Kể xong Lê Chức nhẩn nha nói: “Sau vụ chết hụt đó, mọi sự đối với tớ giờ đây là vô vi không còn gì phải băn khoăn”.
Còn tôi chỉ thấy gã bạn của tôi, NSƯT Lê Chức trầm tĩnh hơn. Năm 2019, tôi viết cùng Lê Chức kịch bản “Thân phận nàng Kiều" cho Nhà hát Múa rối Việt Nam và trở thành tiết mục đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế lần thứ 10. Năm 2022, Nhà hát Múa rối vừa cho công diễn vở kịch “Lời thề” theo kịch bản của tôi và Lê Chức.
Nhân hội Chèm (tháng 5 âm lịch) vừa qua, khi tôi mở quầy sách tri ân quê hương thì Lê Chức là người đầu tiên đến với quầy sách sau khi đi xe máy vượt qua gần 20 cây số trong cái nắng chảng của ngày trung hạ. Người dân trẩy hội vừa thấy Lê Chức xuống xe chào thì ùa lại reo to “Đúng ông hay đọc trên tivi, trên Đài Tiếng nói Việt Nam đây”.
Lê Chức hồn nhiên phụ họa: “Tôi còn đọc cả trong những sự kiện lớn của cả nước mình nữa chứ!”. Nhìn gã bạn vui vẻ, tôi chợt mừng khi nghe tin Lê Chức vừa lọt vào danh sách được Nhà nước tặng danh hiệu NSND đợt này.