Những vụ ám sát làm rúng động thế giới
Sáng 8/7/2022, trong lúc cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đang có bài phát biểu trước một ga xe lửa ở thành phố Nara, thì bị bắn. Kẻ tấn công đã sử dụng một khẩu súng ngắn tự chế để bắn súng ông Abe, khiến ông ngã quỵ và qua đời sau khi được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện địa phương. Ông Hiromichi Watanabe - thành viên cấp cao của đảng Dân chủ Tự do (LDP) nói: “Đây là một cú sốc nghiêm trọng”. Theo trang GunPolicy.org, tổng số súng mà người dân thường Nhật Bản sở hữu là 310.400 khẩu vào năm 2019, tương đương với tỷ lệ 0,25 khẩu trên 100 người. Con số này càng nhỏ bé khi so với tổng số 393 triệu khẩu súng ở Mỹ, tương đương tỷ lệ 120 khẩu trên 100 người và 3,2 triệu khẩu, tương đương 5 khẩu trên 100 người ở Anh.
Do việc kiểm soát súng rất chặt chẽ nên những vụ tấn công bằng súng rất hiếm xảy ra ở Nhật Bản. Vì thế, việc cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị một kẻ bắn bằng súng ở cự li gần làm rúng động không chỉ Nhật Bản mà còn cả thế giới. Nhưng đáng tiếc, đây không phải là trường hợp duy nhất ở Nhật Bản. Năm 1932, Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm Tsuyoshi Inukai đã bị sát hại tại văn phòng bởi một nhóm lính hải quân, khi nhóm này tìm cách giết hại danh hài Charlie Chaplin, người đang thăm Nhật Bản vào thời điểm đó. Gần hơn, vào năm 2007, thị trưởng thành phố Nagasaki bị bắn tử vong.
Sự ra đi của vị Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản
Cho tới nay, người dân Nhật Bản vẫn chưa hết đau buồn trước cái chết của ông Abe, người từng là Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản. Trong thời gian tại vị, với nhiều chính sách cải cách mang tính đột phá, trong đó có chính sách “Abenomics” nổi tiếng, ông Abe Shinzo đã xây dựng được những thành tựu lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.
Ông Abe Shinzo sinh ngày 21/9/1954, tại Tokyo trong một gia đình có ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn ở Nhật Bản. Ông ngoại của ông, ông Kishi Nobusuke, giữ chức Thủ tướng từ 1957 đến 1960, cũng là người thành lập đảng Dân chủ Nhật Bản. Ông nội của ông là Abe Kan từng phục vụ trong Hạ viện Nhật Bản. Cha của ông, ông Abe Shintaro, từng là Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 1982 đến năm 1986. Chú của ông, ông Sato Eisaku, là Thủ tướng từ năm 1964 cho đến năm 1972, được trao giải Nobel Hòa Bình vào năm 1974.
Thuở nhỏ, ông Abe học Trường Tiểu học Seikei, Trường Trung học Seikei và Trường Cao trung Seikei. Ông lấy bằng cử nhân Khoa học chính trị tại Đại học Seikei năm 1977, sau đó chuyển đến Mỹ và theo học chính sách công tại Trường Chính sách Công USC Price thuộc Đại học Nam California. Tháng 4/1979, ông bắt đầu làm việc cho Công ty Kobe Steel, rời khỏi đó vào năm 1982 để theo đuổi con đường chính trị. Ông Abe Shinzo là chính trị gia kỳ cựu của Nhật Bản, từng nắm chức Thủ tướng và đồng thời là Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) 2 lần. Lần đầu là từ năm 2006-2007 và lần thứ 2 là từ năm 2012-2020. Ông là người tại vị Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ông cũng là Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản thuộc thế hệ sinh sau Thế chiến thứ hai và cũng là Thủ tướng trẻ nhất kể từ sau chiến tranh.
Ông Abe Shinzo kết hôn với bà Abe Akie năm 1987. Hai người không có con.
Ngày 26/9/2006, lần đầu tiên ông Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản ở tuổi 52, vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất của nước này kể từ sau Thế chiến 2. Một năm sau, năm 2007, ông Abe từ chức với lý do sức khỏe. Năm 2012, một lần nữa, ông Abe được bầu làm Chủ tịch LDP và trở thành Thủ tướng lần thứ hai. Từ năm 2014 đến năm 2020, tái đắc cử lãnh đạo đảng LDP, ông Abe trải qua thêm hai nhiệm kỳ với tư cách Thủ tướng Nhật Bản.
Ngày 28/8/2020, ông Abe tuyên bố từ chức Thủ tướng Nhật Bản với lý do tái phát bệnh viêm loét đại tràng. Tại thời điểm đó, ông Abe đã trở thành Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản.
Ngày 8/7/2022, ông Abe bị ám sát trong lúc đại diện cho đảng LDP để vận động tranh cử ở thành phố Nara; vĩnh viễn ra đi ở tuổi đời 67.
Trong những năm 1930, Nhật Bản đã ghi nhận một số vụ ám sát và nỗ lực ám sát nhắm vào các Thủ tướng. Truyền thông Nhật ban đầu dùng từ “tai họa”, sau đó đã thay thế bằng từ “ám sát” khi các chi tiết vụ việc dần lộ diện. Tới năm 1960, với vụ ám sát ông Inejiro Asanuma của đảng Xã hội, các tờ báo Nhật khi đó gọi đây là vụ “ám sát” ở mục tin quốc tế, nhưng lại mô tả là “chết do bị đâm dao” ở các trang tin trong nước. Với vụ ông Abe bị sát hại, báo chí Nhật Bản cũng quyết định mô tả là “qua đời sau khi bị bắn”.
Cũng khó có lời giải thích phù hợp cho cách dùng từ như vậy. Nhưng cái chết của cựu Thủ tướng Abe Shinzo vẫn là sự kiện làm chấn động Nhật Bản và thế giới.
Hai Tổng thống Mỹ bị ám sát
Trên thế giới, thật đau buồn là đã diễn ra không ít những vụ ám sát chính khách. Tất cả đều là những dấu vết đau buồn của lịch sử. Họ đều là những chính trị gia nổi tiếng trên thế giới. Họ bước vào con đường chính trường theo những cách khác nhau, nhưng kết thúc cuộc đời bởi một lý do giống nhau: bị ám sát.
Sau đây là một số vụ ám sát chính trị gia mà dư âm của nó vẫn còn kéo dài chưa đến bao giờ mới bị lãng quên. Đầu tiên là vụ Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865).
Cùng với đồng bọn, John Wilkes Booth, một diễn viên khá nổi tiếng nhưng bất mãn với bộ máy chính quyền Mỹ, đã lên kế hoạch bắt cóc và ám sát 3 nhà lãnh đạo quyền lực nhất lúc bấy giờ là Tổng thống Abraham Lincoln, Phó Tổng thống Andrew Johnson và Ngoại trưởng William H. Seward. Âm mưu bắt cóc không thành, khi nắm được tin Tổng thống Lincoln sẽ tới xem vở hài kịch "Our American Cousin" được tổ chức tại nhà hát Ford (Washington D.C.), Booth đã lên kế hoạch ám sát.
Tối 14/4/1865, Tổng thống Lincoln cùng Đệ nhất phu nhân Mary Todd và hai vị khách là Clara Harris - con gái Thượng nghị sĩ Ira Harris và vị hôn phu - Thống đốc New York Henry Rathbone tới xem vở kịch.
Lợi dụng lúc vở diễn chuyển cảnh, sĩ quan cận vệ rời phòng VIP ra sảnh lớn uống cà phê, Booth đã rút chốt cửa, lẻn vào nấp ngay sau ghế của Tổng thống. Đúng lúc khán giả rộ lên tiếng vỗ tay, Booth rút khẩu súng Derringer 44 mm, dí sát đầu ông Lincoln nã đạn.
Vụ việc chỉ được phát hiện khi mọi người trong rạp nghe thấy tiếng phu nhân Mary thét lên sợ hãi. Vì vết thương quá nặng nên dù được đưa tới bệnh viện mổ cấp cứu ngay lập tức nhưng ông Lincoln vẫn không qua khỏi. 7 giờ 22 phút sáng 15/4/1865, ông trút hơi thở cuối cùng. Cái chết của ông khiến cả nước Mỹ bàng hoàng.
Cũng ở nước Mỹ, Tổng thống John F.Kennedy (1917-1963) bị bắn vào lúc 12h30 phút ngày 22/11/1963 trên chiếc xe Limousine trong chuyến thị sát thành phố Dallas. Các nhân chứng trong vụ ám sát nói rằng, họ đã nghe thấy những tiếng súng phát ra từ đằng sau một hàng rào gỗ ở Grassy Knoll và từ Trung tâm Lưu trữ sách của Trường Texas.
Sau 5 cuộc điều tra của Chính phủ Mỹ, Lee Harvey Oswald (sinh năm 1939) mới bị cáo buộc là tay súng đã ám sát Tổng thống Kennedy. Oswald được xác định dùng súng trường đứng trên tầng 6 tòa nhà Dealey Plaza, nổ súng bắn chết Tổng thống lúc đó đang ngồi trên xe trong chuyến diễu hành.
Khi bị bắt, Oswald liên tục nói rằng y không giết Kennedy. Nhưng hai ngày sau, Jack Ruby, một chủ hộp đêm ở thành phố Dallas đã bất ngờ bắn chết Oswald ngay tại đồn cảnh sát. Việc Oswald bị giết cùng những lời khai mập mờ liên quan đến vụ ám sát khiến dư luận Mỹ đến nay vẫn chưa tin Oswald là thủ phạm, tuy rằng tòa án đã chính thức buộc tội.
Cần nói thêm rằng, vụ ám sát Tổng thống John Kennedy được cho là có quá nhiều mâu thuẫn trong bối cảnh có quá ít thông tin mở. Chỉ trong vòng 4 năm sau vụ ám sát, tất cả những nhân chứng chủ yếu đều đã chết trong sự bí ẩn. Trong khi phần lớn các tài liệu điều tra trước đó vẫn được lưu giữ nghiêm ngặt tại kho lưu trữ Kennedy (Boston) mà không được phép công bố.
Bi kịch của dòng họ Neru - Gandhi
Tại Ấn Độ, câu chuyện cũng vô cùng bi thương.
Mahatma Gandhi (1869-1948) là nhà lãnh đạo, vị anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30/1/1948. Các tư liệu cho biết trước ngày ông ra đi ít hôm, nhóm mưu sát ông đã gặp nhau lần cuối, chúng thề sẽ sát hại Gandhi.
Đến ngày hành động, chúng bí mật đột nhập khu nhà yên tĩnh Birna House của Mahatma, ẩn nấp trong nhiều giờ và chờ đợi để hành động. Lúc ấy khoảng 16h30’, Gandhi đang ngồi trao đổi công việc với S.V.Patel - Phó chủ tịch Hội đồng, con gái ông Maniben và thư ký. Sau khi hoàn tất công việc, ông đi ra sân rộng, vừa đùa với hai cháu gái của mình và chuẩn bị cho lễ cầu nguyện buổi tối.
Bất ngờ, có ai đó cất tiếng chào Gandhi, ông quay lại chắp tay đáp lễ theo phong tục người Hindu. Đúng lúc đó, một người đàn ông tách khỏi đám đông và sáp đến cách Gandhi chưa đầy 1m, rồi bắn 3 phát đạn từ một khẩu súng ngắn nhỏ. Gandhi ngã xuống, “một con người vĩ đại giữa bao người” đã ra đi.
Kẻ ám sát ông Mahatma Gandhi được xác định là Nathuram Godse, 36 tuổi, cùng đồng phạm đã bị tử hình 1 năm sau đó.
Nhưng đau buồn lại nối tiếp với đất nước tỷ dân. Ngày 31/10/1984, thế giới chấn động trước tin nữ Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi (1917-1984) bị sát hại. Đây là vụ ám sát nhắm vào một chính khách cao cấp nhất trong lịch sử Ấn Độ đương đại, sau vụ ám sát người sáng lập nền Cộng hòa Ấn Độ Mahatma Gandhi vào năm 1948.
Sự việc xảy ra vào đầu giờ làm việc tại Dinh Thủ tướng ở số 1 đường Safdarjung trung tâm thủ đô New Delhi. Theo lịch hẹn thì bà Gandhi có buổi trả lời phỏng vấn. Khi chuẩn bị trang phục tiếp khách bà Gandhi đã cởi bỏ áo chống đạn mặc bên trong, hơn nữa buổi phỏng vấn diễn ra trong khu vực Dinh Thủ tướng, bà tin là sẽ không tồn tại mối đe dọa an ninh như ở nơi công cộng bên ngoài.
Lúc đi bộ đến lối vào phụ có trạm gác do 2 vệ sĩ người Sikh là Satwant Singh 22 tuổi và Beant Singh 35 tuổi, canh giữ, bà đã lịch thiệp gật đầu chào họ. Nhưng thay vì đứng nghiêm giơ tay chào đáp lễ theo quy định, 2 kẻ phản nghịch lại rút súng ra nhắm vào nữ Thủ tướng. Beant bắn 3 phát đạn vào người Gandhi khiến bà gục xuống. Tiếp đến Satwant lia hết cả băng đạn vào người bà.
Ngay sau đó, cuộc đọ súng giữa đội bảo vệ với hai tên phản bội làm Beant Singh thiệt mạng còn tên kia buông vũ khí đầu hàng.
Thủ tướng Gandhi được tức tốc đưa vào Học viện Y khoa Ấn Độ lúc 9 giờ rưỡi sáng, nhưng mọi nỗ lực cấp cứu đều bất thành và bà từ trần lúc 14 giờ 20 phút cùng ngày.
Bà Indira Gandhi là con gái Thủ tướng đầu tiên của đất nước Ấn Độ, ông Jawaharlal Nehru (1889-1964), và là mẹ của một Thủ tướng khác, ông Rajiv Gandhi. Bà Indira Gandhi là một trong những chính khách nổi bật nhất sau khi Ấn Độ giành độc lập. Bà không có quan hệ họ hàng gì với Mahatma Gandhi.
Thật đau lòng, sau cái chết của bà Indira Gandhi, bi kịch gia đình bà vẫn chưa chấm dứt.
Sanjay Gandhi (1946-1980), con trai thứ, người được kỳ vọng sẽ kế vị mẹ mình với tư cách là người đứng đầu Quốc hội Ấn Độ để trở thành Thủ tướng đã mất trong một vụ tai nạn máy bay. Vì thế, người anh trai, ông Rajiv Gandhi (1944-1991) đã trở thành người thừa kế chính trị của mẹ rồi kế vị bà làm Thủ tướng sau khi bà bị ám sát. Khi nhậm chức, ông mới 40 tuổi và trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Ấn Độ cho tới nay.
Nhưng rồi chính ông cũng bị ám sát vào ngày 21/5/1991.
Ngày 30/7/1987, một ngày sau khi Thủ tướng Rajiv Gandhi đến Sri Lanka ký Hiệp ước Indo - Sri Lanka, một nhân viên bảo vệ tên là Vijitha Rohana đánh vào vai ông bằng súng trường. Phản xạ nhanh của Rajiv Gandhi đã giúp ông khỏi bị thương.
Ông Rajiv giữ chức Thủ tướng từ năm 1984 đến năm 1989. Sau đó, ông vẫn là Chủ tịch Quốc hội cho đến cuộc bầu cử năm 1991. Trong khi vận động bầu cử vào ngày 21/5/1991, tại Sriperumbudur - một ngôi làng cách Madras khoảng 40 km. Vào lúc 10h10’, một phụ nữ sau này được xác định là Thenmozhi Rajaratnam, tiếp cận Rajiv Gandhi trước công chúng và chào đón ông. Sau đó, người này cúi xuống kích nổ một vành đai chứa 700g chất nổ RDX giấu dưới váy. Vụ nổ đã giết chết ông Rajiv và 25 người khác.
Như vậy, với gia tộc Nehru - Gandhi, có hai vị Thủ tướng đều chết do bị ám sát (hai mẹ con bà Indira); một vị qua đời do bị đau tim (ông Jawaharlal Nehru).
Cuộc ám sát kinh hoàng ở Ai Cập
Ngày 6/10/1981, một cuộc diễu binh chiến thắng đã được tổ chức ở Cairo để kỷ niệm năm thứ 8 sự kiện quân đội Ai Cập vượt qua kênh đào Suez. Khi đó Tổng thống Anwar El-Sadat (1918-1981) được bảo vệ bởi 4 lớp an ninh và 8 vệ sĩ.
Khi các máy bay của không quân Ai Cập bay qua đầu những người xem diễu binh, đám đông bị thu hút chú ý vào đó. Cùng lúc, binh sĩ lục quân và các xe chở lính kéo pháo diễu qua. Một trong các xe tải đã chở đội ám sát, do trung úy Khalid Islambouli chỉ huy. Khi chiếc xe tải chết chóc này tiến qua lễ đài, Islambouli gí súng vào người lái xe và ép phải dừng xe để các sát thủ nhảy xuống. Lập tức Islambouli tiến đến gần Tổng thống Sadat với 3 trái lựu đạn giấu dưới mũ sắt. Tổng thống Sadat đứng yên để nhận nghi lễ chào từ người lính này, nghĩ rằng đó là một phần của buổi diễu binh. Nhưng sát thủ Islambouli đã ném toàn bộ số lựu đạn của mình về phía Sadat. Một quả phát nổ. Cùng lúc đó, các sát thủ nhả đạn loạn xạ vào khán đài trước khi bỏ chạy.
Islambouli và các sát thủ khác đã bị xét xử, kết tội và tuyên án tử hình. Chúng bị xử bắn vào tháng 4/1982.
Lúc Tổng thống Sadat trúng đạn và gục ngã, mọi người tại đó quăng ghế xung quanh ông để che chắn trước cơn mưa đạn. Vụ tấn công kéo dài trong khoảng 2 phút. Lực lượng an ninh bị bất ngờ trong giây lát. Sau đó trong vòng 45 giây, họ đã kịp phản ứng lại. Kết quả, họ tiêu diệt được một sát thủ, làm bị thương và bắt sống 3 kẻ khác.
Tổng thống Sadat và 10 người khác đã tử thương, cùng 28 người bị thương (bao gồm Phó Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak (người sau này kế vị ông Sadat), Bộ trưởng Quốc phòng Ireland James Tully, và 4 sĩ quan liên lạc của quân đội Mỹ). Tổng thống Sadat được đưa bằng máy bay tới một bệnh viện quân sự. 11 bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho Tổng thống. Gần 2 giờ sau khi được đưa tới bệnh viện, ông qua đời.
Tổng thống Anwar Sadat là nhà lãnh đạo Ai Cập đầu tiên công nhận nhà nước Israel kể từ khi quốc gia này ra đời vào năm 1948. Vào tháng 9/1978, ông đã gặp Thủ tướng Israel Menachem Begin ở Mỹ, nơi họ thương thảo một thỏa thuận hòa bình. Vào năm 1979 họ tiếp tục với một hiệp ước hòa bình. Với thành tựu này, hai vị lãnh đạo đã được trao chung một giải thưởng Nobel về Hòa bình.
Tuy nhiên, các nỗ lực của Tổng thống Sadat đã vấp phải phản ứng từ những lực lượng chống lại nhà nước Israel, vì thế chúng đã lên kế hoạch sát hại ông.
Vụ ám sát Tổng thống Anwar El-Sadat do các thành viên của tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập tiến hành; trong đó có Rahman - một giáo sĩ mà về sau bị Mỹ kết tội tham gia vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Mỹ năm 1993.
Cuộc đời cha con ông Park Chung-hee
Ông Park Chung-hee (1917-1979), người tại nhiệm 4 nhiệm kỳ Tổng thống Hàn Quốc (từ ngày 17/12/1963 đến ngày 26/10/1979), và cũng là vị Tổng thống gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Ông là người trực tiếp khởi xướng và dẫn dắt đất nước tạo ra Kỳ tích sông Hàn, biến Hàn Quốc từ một đống tro tàn bởi chiến tranh trở thành một trong những con rồng kinh tế của châu Á cũng như thế giới.
Vụ ám sát ông Park Chung-hee diễn ra vào ngày 26/10/1979 tại một tòa nhà bí mật nằm trong khuôn viên của Nhà Xanh; vào lúc 7h41’ phút tối. Vụ án thường được biết đến với tên gọi “10.26” hay “vụ 10.26”.
Giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc (KCIA) lúc bấy giờ là Kim Jae-gyu đã mời Tổng thống Park Chung-hee đến dự tiệc tại một tòa nhà bí mật của KCIA ở Nhà Xanh. Sau khi ông Park cùng các khách mời khác đã yên vị, Kim bỏ ra ngoài phát tín hiệu rằng mình sẽ thực hiện kế hoạch với những người đồng lõa. Sau đó, Kim bước vào phòng, rút ra một khẩu súng lục và bắn chết Cha Ji-cheol - vệ sĩ trưởng, rồi bắn liên tiếp nhiều phát đạn vào Tổng thống. Ngay sau khi nghe thấy tiếng súng nổ, 5 đặc vụ KCIA khác xông vào phòng kế bên để giết nốt 2 vệ sĩ và tài xế của ông Park.
Sau khi bị bắt và xét xử, Kim Jae-gyu bị treo cổ vào ngày 24/5/1980. Park Heung-ju bị xử bắn vào ngày 6/3/1980. Park Seon-ho (đặc vụ KCIA và bạn lâu năm của Kim Jae-gyu), bị treo cổ vào 24/5/1980. Yoo Seong-ok (tài xế hỗ trợ nhóm ám sát), bị treo cổ vào ngày 24/5/1980. Lee Ki-ju (Trưởng bộ phận an ninh của tòa nhà), bị treo cổ vào ngày 24/5/1980. Kim Tae-won (đặc vụ KCIA tham gia vụ ám sát), bị treo cổ vào ngày 24/5/1980.
Như vậy, trong ngày 24/5/1980, 5 kẻ tham gia ám sát Tổng thống Park Chung-hee cùng bị treo cổ.
Bà Park Geun-hye, sinh năm 1952, con gái duy nhất của cựu Tổng thống Park Chung-hee, là nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, vào năm 2012. Tuy nhiên bà bị đình chỉ chức vụ Tổng thống sau cuộc luận tội của Quốc hội vào ngày 9/12/2016 và chính thức bị phế truất vào ngày 10/3/2017. Ngày 31/3/2017, bà bị các công tố viên Hàn Quốc đọc lệnh bắt giữ, bị kết án 25 năm tù và bị phạt 20 tỷ Won với các tội danh lạm quyền và tham nhũng. Bà Park Geun Hye chính thức tự do vào ngày 31/12/2021 sau gần 5 năm bị kết tội.
Bà Park Geun-hy không kết hôn và cũng không có con.