Đề phòng ngộ độc hải sản

LINH CHI 01/08/2022 06:47

Những chuyến du lịch biển vào dịp hè luôn khiến người ta háo hức. Và đã đi biển, thật khó cưỡng lại những món ăn được chế biến từ hải sản tươi sống. Tuy vậy, một số du khách đã bị ngộ độc khi ăn hải sản.

Khi ăn hải sản cần lưu ý các dấu hiệu phản ứng của cơ thể.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian gần đây đã tiếp nhận một số bệnh nhân ngộ độc do ăn hải sản. Những bệnh nhân này là những người đã đi du lịch biển có ăn đồ hải sản và cả những người không đi du lịch biển nhưng mua hải sản về tự chế biến hoặc ăn hải sản ở các nhà hàng.

Biểu hiện thông thường của người bệnh khi bị dị ứng hải sản là cơ thể có biểu hiện khó chịu, nổi mề đay, ngứa ngáy toàn thân, sưng mắt, sổ mũi, hắt xì liên tục... đó là những trường hợp nhẹ. Những trường hợp bị phản ứng nặng hơn sẽ làm cho người bệnh bị viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen gây khó thở. Một số trường hợp lại bị đi ngoài, nôn mửa, mệt mỏi, bơ phờ, thậm chí đi ngoài ra máu...

Tình trạng dị ứng, ngộ độc hải sản còn có thể nguy hiểm hơn nếu xảy ra ở trẻ em. Do vậy với trẻ nhỏ các bà mẹ nên cẩn thận tập cho con ăn từng chút một để thử phản ứng của cơ thể con trước. Nếu thấy trẻ bình thường thì mới tiếp tục cho ăn tăng lượng dần để cơ thể con có thời gian thích nghi.

Khi nghi ngờ bị ngộ độc hải sản, các bác sĩ khuyến cáo, cần xử lý các bước sơ cứu nhanh như sau:

Bước 1: Sơ cấp cứu ổn định nạn nhân, cố gắng hạn chế tử vong

Nếu nạn nhân co giật, hôn mê: Đặt nạn nhân nằm nghiêng sang một bên, tránh để ngã, va đập.

Thở yếu hoặc ngừng thở, tím tái: Hô hấp nhân tạo theo điều kiện có tại chỗ.

Nôn, tiêu chảy mất nước: Nếu nạn nhân tỉnh táo, nói và ho khạc tốt, vẫn tự uống được, cho uống Oresol thay nước theo nhu cầu (khi khát) hoặc uống nước canh rau, nước quả, nước khoáng.

Gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Bước 2: Các biện pháp tẩy độc

Các biện pháp này chỉ áp dụng ngoài cộng đồng khi nạn nhân còn tỉnh táo, không khó thở, toàn trạng còn ổn định, còn nói rõ và ho khạc tốt.

Gây nôn: Chỉ nên thực hiện với trẻ em lớn và người lớn. Nạn nhân tự thực hiện bằng cách uống nước mỗi lần 300-500ml nước, sau đó nằm nghiêng sang bên trái, tự dùng ngón tay sạch chạm vào phần sau lưỡi hoặc họng để gây nôn.

Uống than hoạt: Thực hiện với trẻ em có thể tự thực hiện và người lớn. Nếu có than hoạt mang theo trên tàu thuyền hoặc ở nhà, đặc biệt loại than hoạt dạng lỏng rất tốt. Uống than hoạt với liều 20-40 gam.

Đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Đề phòng ngộ độc hải sản

Cần lưu ý những điều sau:

  • Hải sản mua phải tươi sống, tránh mua hải sản từ trong vùng đang bị ô nhiễm nặng. Chú ý không nên mua các hải sản có màu sắc khác thường, vì những loài sống trong vùng ô nhiễm thường có màu sắc khác lạ. Hải sản đã chết có thể tiết ra chất độc do đó tuyệt đối không ăn hải sản ươn, chết.
  • Khi chế biến cá biển cần làm sạch cá ngay khi còn tươi, không ăn phần lòng cá vì ruột cá là nơi chứa nhiều vi khuẩn dễ dàng ngấm nhanh vào thịt cá và dễ gây ngộ độc. Cần chế biến sạch và nấu chín kỹ, nhất là các loại hải sản để đông lạnh phải rã đông đúng cách.
  • Người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn hải sản lạ. Đối với người đã biết mình có sẵn cơ địa dị ứng với cá ngừ tốt nhất là không ăn cá ngừ, dị ứng lần đầu có thể nhẹ nhưng những lần sau sẽ nặng hơn.
  • Tránh xa bạch tuộc đốm xanh. Loài bạch tuộc này có chứa độc tố thần kinh tetrodotoxin. Chất độc này không bị nhiệt phá hủy nên dù có sấy khô, nấu chín cũng không thể loại bỏ nó. Khi ăn phải, chỉ trong vòng 5 - 10 phút, độc chất đã vào máu và sau 20 phút đạt nồng độ cao nhất trong máu.

LINH CHI