Trang bị nhiều kỹ năng để phòng, chống đuối nước

Đức Trân 01/08/2022 10:17

Mặc dù những hồi chuông cảnh báo đã được gióng lên từ lâu, nhưng các vụ đuối nước ở trẻ em vẫn liên tiếp xảy ra. Theo thống kê sơ bộ từ Trung ương Đoàn thanh niên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong 1 tháng nghỉ hè (từ cuối tháng 5 tới hết tháng 6) đã có tới gần 150 trẻ tử vong vì đuối nước trên phạm vi cả nước. Nếu tính từ đầu năm tới nay, con số này lên tới gần 300 trẻ.

Trẻ em tắm tại sông suối, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao. Ảnh: Nam Trang

Gần đây nhất, chỉ trong một ngày (29/7), tại 2 xã Triệu Vân và Triệu Long (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 3 học sinh tử vong, đều có nguyên nhân do trời nóng, các cháu rủ nhau đi tắm kênh, tắm biển.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu hè đến nay, khoa Điều trị tích cực đã tiếp nhận điều trị cho gần 10 trường hợp trẻ đuối nước, trong đó có những trẻ tổn thương phổi nặng, suy đa tạng phải lọc máu, thậm chí có trẻ đã tử vong.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến với trẻ em do đuối nước, việc nâng cao ý thức cảnh giác của những người chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ và cộng đồng là điều vô cùng cần thiết. PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Nhi trung ương) khuyến cáo: Nhà trường và gia đình nên có các chương trình dạy kỹ năng sống cho trẻ đặc biệt là dạy bơi cho các cháu; Các phụ huynh chú ý khi cho trẻ đến các bể bơi cần giám sát trẻ cẩn thận, đặc biệt ở các bể bơi hiện nay thiết kế có các độ sâu khác nhau, khi tắm trẻ mải nghịch sẽ bị hụt chân vào khu vực nước sâu gây đuối nước; Không để trẻ đi bơi một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm để giám sát trẻ; Khi đi bơi tuân thủ các biển chỉ dẫn nguy hiểm và các nội quy ở bể bơi, bãi tắm; Không nên đi bơi khi trời tối, ăn uống khi đi bơi vì dễ gây sặc.

Theo PGS Tuấn, trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như: suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài là do không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách.

Chính vì vậy, chỉ dạy bơi cho trẻ là chưa đủ. BS Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, không chỉ dạy trẻ biết bơi, mà phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng.

Còn theo BS Lê Văn Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, khi phát hiện thấy người rơi xuống nước cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay khi nhìn thấy nạn nhân đồng thời gọi số điện thoại 115 để được trợ giúp. BS Cường cũng nhấn mạnh, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước.

Đức Trân