Tựu trường sớm 1 tháng, học sinh đã thoả mãn nghỉ hè?
Năm học 2022-2023 còn hơn 1 tháng nữa mới bắt đầu nhưng từ đầu tháng 8, nhiều trường tiểu học đã có kế hoạch cho học sinh tựu trường.
Nghỉ hè hơn 1 tháng có ít ỏi?
Hôm nay, 1/8, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu cho học sinh lớp 1 tới trường nhận lớp.
Con gái chị Nguyễn Thu Hồng (Đông Anh, Hà Nội) năm nay vào lớp 1, Trường Tiểu học Tàm Xá (Đông Anh). Theo kế hoạch, sáng nay, con gái chị Hồng đã được đến trường làm quen với cô giáo và bạn bè trong lớp.
Chị Hồng cho biết, lần đầu tiên vào học ở ngôi trường mới nên con chị rất háo hức. “Sau khi nhận lớp, con được cô giáo phổ biến các quy định của trường, của lớp học. Tôi thấy con rất vui”, chị Hồng nói.
Tương tự, hôm nay cũng là ngày đầu học lớp 1 của con trai chị Trần Linh (quận Ba Đình, Hà Nội), học sinh Trường Tiểu học Việt Nam – Cu Ba (quận Ba Đình). Chị Linh cho biết: “Sáng nay con tôi dậy từ hơn 6h sáng, chuẩn bị quần áo, sách vở để đến trường nhận lớp và bắt đầu học từ hôm nay. Do vợ chồng tôi đều bận đi làm lại không có ông bà trông cháu nên tôi đăng ký cho con học bán trú luôn từ tuần này”.
Theo ghi nhận, nhiều trường ngoài công lập cũng có kế hoạch cho học sinh tựu trường. Ngay từ đầu tháng 7, học sinh lớp 1, Trường tiểu học Archimedes Academy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tổ chức một ngày gặp mặt, làm quen với thầy cô, bạn bè, các phòng học của trường cho học sinh lớp 1. Đây là khối tựu trường sớm nhất của trường này. Các khối còn lại quay trở lại trường học vào đầu tháng 8.
Một số trường ngoài công lập khác trên địa bàn TP Hà Nội như: Trường Tiểu học Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm), Trường liên cấp Wellspring… cũng đón học sinh trở lại trường từ đầu tháng 8.
Với các bé năm nay vào lớp 1, nhiều phụ huynh đều đồng tình với việc cho con nhập học sớm để con có khoảng thời gian làm quen với thầy cô, bạn bè, chương trình học để sau khi khai giảng năm học mới, con không bị bỡ ngỡ, lạ lẫm với môi trường mới.
Tuy nhiên, với các bạn học sinh lớn hơn, nhiều phụ huynh lại cho rằng, việc nhập học sớm khiến thời gian nghỉ hè của con quá ít ỏi.
Chị Hoàng Diệu Thúy (Hà Đông, Hà Nội) có 2 con gái năm nay một bé vào lớp 1, một bé lên lớp 4, Trường Tiểu học Lômônôxốp. Chị Thùy cho biết, sáng nay cả hai con của chị cũng đã tựu trường, học chính thức. Với bạn bé, do lần đầu được đến trường nên con rất phấn khởi. Còn ngược lại, bạn học lớp 4 thì lại không muốn đến trường sớm.
Sở dĩ con gái lớn của chị Thùy có tâm lý như vậy vì thời gian nghỉ hè của con quá ngắn. Theo chị Thùy, năm học 2021-2022 của con gái chị kết thúc muộn hơn mọi năm, ngày 10/6 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu tính từ thời gian kết thúc năm học tới nay, con chị được nghỉ hè hơn 1 tháng rưỡi.
“Nếu như học sinh trường khác được nghỉ gần 3 tháng hè thì con tôi được nghỉ hè tương đối ngắn. Trong khi bố mẹ chưa kịp thu xếp thời gian cho con đi du lịch ở đâu”, chị Thùy nói.
Tránh nhồi nhét kiến thức
Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, học sinh phải học trực tuyến kéo dài khiến chất lượng học của học sinh bị ảnh hưởng. Vì vậy, cuối năm học này, một số trường trên địa bàn TP Hà Nội đã có kiến nghị cho học sinh tựu trường từ đầu tháng 8 để nhà trường có thời gian ôn tập kiến thức cũ, chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục cho rằng, việc tựu trường sớm ở năm học 2022-2023 là hợp lý. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, việc này cần dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh vì các em có quyền được nghỉ hè. Với những em đã nắm chắc kiến thức, kỹ năng, các em có thể không tựu trường sớm như các bạn học sinh khác.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm, thời gian học online kéo dài không chỉ khiến các em khó tiếp thu kiến thức mà còn bị tổn thương về sức khỏe tinh thần.
Vì thế, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, thời gian khai giảng cần được cân nhắc nhiều chiều. Trong đó cần lưu ý sức khỏe tinh thần cho học sinh trước rồi mới tính đến năng lực học tập theo chương trình.
Thực tế, năm học vừa qua, có tình trạng một số em bị stress nặng khi quay lại trường vì chưa kịp phục hồi sức khỏe tinh thần đã phải nhồi nhét kiến thức quá nhiều. Vì vậy, PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ quan ngại rằng, thời gian nghỉ hè ít ỏi, học sinh chưa kịp cân bằng tâm lý, đã phải quay trở lại trường.
“Nếu các em bị căng thẳng thì dù có nhồi nhét kiến thức cũng không hiệu quả. Tôi cho rằng, năm học này, ngay cả khi học sinh trở lại trường sớm, các em cần được dành thời gian để phát triển một số kỹ năng mềm để chuẩn bị tâm thế học tập hơn là ngập trong chương trình mới, kiến thức mới”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.