5 năm Bộ Thông tin và Truyền thông tiết kiệm được hơn 2.500 tỷ đồng
Ngày 1/8, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Báo cáo về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ đã tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 230 văn bản quy phạm pháp luật góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ đạo về tiết kiệm của Quốc hội, Chính phủ. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được thực hiện nghiêm túc; đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước. Nhờ vậy, giai đoạn 2016-2021, công tác quản lý tiết kiệm được 2.547 tỷ đồng.
Cũng theo ông Tuấn, đối với công tác quản lý, khai thác kho số viễn thông, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng ban hành các nghị định, thông tư nhằm tổ chức quản lý và khai thác hiệu quả kho số viễn thông theo tình hình thực tiễn tại Việt Nam và thông lệ thế giới, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chung chung. Chưa thực sự được quán triệt đầy đủ đến các đơn vị, đội ngũ cán bộ công chức, có năm không kịp ban hành. Công tác quản lý tài nguyên viễn thông mặc dù đã được tăng cường, đi vào nề nếp, đảm bảo hiệu quả sử dụng, nhưng một số giải pháp thực thi nâng cao hiệu quả sử dụng còn bị chậm triển khai; chậm triển khai đấu giá kho số viễn thông và tên miền Internet.
Từ đó, ông Tuấn cũng đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tăng cường công tác tổ chức, thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động, cơ cấu lại các doanh nghiệp; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Báo cáo kết quả làm việc bước đầu của Tổ công tác thuộc Đoàn giám sát, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết, thực hiện Kế hoạch số 123/KH-ĐGS ngày 18/4/2022 của Đoàn giám sát chuyên đề, trong các ngày 10/6 và 23/6/2022, Tổ công tác của Đoàn giám sát đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để rà soát, chuẩn bị tài liệu, thông tin, báo cáo phục vụ Đoàn giám sát làm việc với Bộ.
Theo đó, về thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan Bộ Thông tin và Truyền thông từng bước xác lập tương đối đầy đủ, toàn diện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, đơn giá trên các lĩnh vực quản lý; đặc biệt trên các lĩnh vực tài nguyên viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử; quản lý, đặt hàng báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông, phát thanh, truyền hình.
Thay mặt Tổ công tác, ông Lâm cũng đánh giá, trong giai đoạn 2016-2021, để thực hiện quản lý, đặt hàng, giao nhiệm vụ trong lĩnh vực báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực báo chí. Ngoài việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý đặt hàng, giao nhiệm vụ trong lĩnh vực báo chí xuất bản, Bộ chú trọng công tác quản lý, sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch; triển khai các đề án, chương trình, thông tin tuyên truyền được phân công một cách tích cực.