Văn hóa bản địa trong du lịch cộng đồng

Phạm Sỹ 02/08/2022 06:22

Du lịch cộng đồng đang được nhiều địa phương đẩy mạnh theo hướng phát triển bền vững. Song để loại hình này thành công, các địa phương cần có những chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển. Cùng với đó, chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng cư dân, giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa.

Biểu diễn văn nghệ đón khách du lịch.

Phát triển không đồng đều

Du lịch cộng đồng là hình thức kinh doanh du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương, trong đó người dân bản địa đóng vai trò quan trọng. Loại hình du lịch này đang ngày càng được mở rộng trên cả nước. Thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ cảnh quan sinh thái, môi trường tự nhiên.

Nhiều địa phương có những mô hình du lịch cộng đồng thành công, trong đó nổi bật là ở những tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh… Rất nhiều bản du lịch cộng đồng có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều du khách nội địa và quốc tế.

Du khách tham gia trải nghiệm tại làng nghề Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Hà Nội là nơi có làng nghề truyền thống nhiều nhất cả nước, vì thế du lịch cộng đồng cũng là thế mạnh đang được tập trung khai thác, những khu du lịch cộng đồng nổi tiếng như: Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Bát Tràng (huyện Gia Lâm)…

Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động du lịch cộng đồng tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế như chưa có sự đầu tư bài bản, không có quy hoạch tổng thể ở cấp tỉnh, thành phố và vùng miền, dẫn đến tình trạng khai thác quá đà nguồn tài nguyên thiên nhiên và có thể làm biến dạng văn hóa; sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn, trùng lặp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...

Cũng không ít địa phương do phát triển quá nóng đã làm giảm giá trị cảnh quan, môi trường và văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, tình trạng bê tông hóa, mật độ xây dựng lớn, kiến trúc lai căng và xuất hiện những loại hình giải trí không phù hợp... là nguyên nhân gây mai một bản sắc văn hóa địa phương, khiến du khách không quay lại.

Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh cho rằng, ngành du lịch vẫn chưa có quy chuẩn cụ thể và hướng dẫn chi tiết trong việc triển khai phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều tỉnh, thành phố hiện đang phát triển ồ ạt hệ thống homestay và cho rằng đó là du lịch cộng đồng. Nhưng bản chất của du lịch cộng đồng là phải gắn kết du lịch với người dân để cùng khai thác, kinh doanh.

Đề cập đến những khó khăn của du lịch cộng đồng trong sự phát triển chung của ngành du lịch ở nước ta, Thạc sĩ Vũ Hương Lan - Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho biết: “Vì chưa nhìn thấy lợi ích, nên ít người chịu bỏ tiền đầu tư hạ tầng, cải tạo nhà cửa để làm du lịch cộng đồng. Ngoài ra, để phát triển du lịch cộng đồng, người dân cần quá trình dài học cách ứng xử văn minh trong giao tiếp và đối đãi với du khách”.

Bản sắc và chính sách đặc thù

Theo các chuyên gia, du lịch cộng đồng cần được coi trọng và là một trong những nội dung không thể thiếu trong các chính sách phát triển du lịch của Việt Nam thời gian tới.

“Để có thể phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản, chính quyền địa phương cần vận động một số hộ gia đình có điều kiện cơ sở vật chất, thí điểm đón khách du lịch. Những hộ gia đình này được tập huấn về kỹ năng giao tiếp, phục vụ cũng như tổ chức một số hoạt động trải nghiệm tại nhà để thu hút du khách” - ông Phùng Quang Thắng- Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội nói.

Còn theo Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, thì cần quan tâm đến giá trị văn hóa bản địa và cảnh quan thiên nhiên để lựa chọn, khai thác thế mạnh một cách phù hợp nhất. Với cộng đồng còn giữ được giá trị văn hóa bản địa, cần khai thác sâu hơn để tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc. Song hành với đó là giá trị cảnh quan thiên nhiên, giao thông thuận tiện kết nối các vùng miền để xây dựng sản phẩm và mang lại nguồn lợi cho cộng đồng địa phương.

“Du lịch cộng đồng phải bắt đầu từ cộng đồng, cái khó là làm thế nào để cộng đồng đó phát triển một cách bền vững. Muốn vậy, phải tiến hành từng bước, phải khảo sát điểm xây dựng du lịch cộng đồng và tìm ra giá trị nổi bật. Đi kèm là vấn đề về kết nối giao thông, mong muốn phát triển du lịch cộng đồng của chính quyền địa phương và người dân hay việc đảm bảo sinh kế cho họ”- ông Quỳnh nhấn mạnh.

Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững thì chính sách phát triển du lịch cộng đồng cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, chính sách xây dựng nông thôn mới, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn, các chính sách liên quan đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực... Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ thích đáng để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, bao gồm từ đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông đến hỗ trợ về đào tạo, phát triển dịch vụ, khôi phục và phát triển nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cho phát triển du lịch cộng đồng.

Phạm Sỹ