Vụ Công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo hơn 4.300 người: Làm rõ hành vi rửa tiền và lừa đảo
Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, quê Gia Lai) và 22 bị cáo đồng phạm phải hầu tòa sơ thẩm trong vụ án Công ty địa ốc Alibaba lừa đảo hơn 4.300 người được Tòa án nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh dự kiến xét xử trong vòng 60 ngày, từ 12/8 đến 12/10.
Ngày 1/8, đại diện TAND TPHCM cho biết, phiên xét xử sơ thẩm do Thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa; các kiểm sát viên Lê Thị Đông, Phạm Văn Hiền và Châu Hoàng Sơn đại diện Viện kiểm sát (VKS) đồng thời giữ quyền công tố tại tòa.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hơn 4.300 nạn nhân là bị hại của vụ án, có 35 Luật sư tham gia bào chữa, trong đó riêng cựu Chủ tịch HĐQT của Alibaba có tới 3 luật sư bào chữa.
Theo bản cáo trạng mới nhất của vụ án, từ năm 2018, bị cáo Nguyễn Thái Luyện đã sử dụng hơn 10 pháp nhân trong tổng số 22 pháp nhân đã thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 dự án bất động sản “ma”. Các dự án không có trên thực tế địa chính mà được các đối tượng quảng cáo rầm rộ phân lô bán đất nền tại các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Thông qua đó, đã lừa bán cho hàng nghìn khách hàng các bất động sản được vẽ trên giấy. Cơ quan điều tra đã khám phá nhiều “mánh khóe” được bị cáo Luyện và các đồng phạm sử dụng để lừa đảo, như: tự vẽ sơ đồ phân lô không có thật trên nền đất nông nghiệp, sau đó dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm “ma”; bán đất nền cam kết có mua lại từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; bán đất nền có cam kết thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng;…
Với các chiêu thức lừa đảo tinh vi, với đồng phạm tích cực của vợ và em trai là Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm) và Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh), cựu Chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện đã lừa bán hàng chục dự án phân lô bán nền “ma” trên đất nông nghiệp, sau khi chuyển nhượng cho hơn 4.300 nạn nhân đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn lên đến 2.264 tỷ đồng.
Ngoài tội danh lừa đảo, Nguyễn Thái Lực (em trai của Luyện); Võ Thị Thanh Mai (vợ của Luyện) và kế toán trưởng Công ty CP Địa ốc Alibaba Huỳnh Thị Kim Thắng cùng bị truy tố xét xử về hành vi “rửa tiền”.
Cụ thể, hồ sơ vụ án xác định, tháng 11/2018, Võ Thị Thanh Mai chỉ đạo em trai của Nguyễn Thái Luyện là Nguyễn Thái Lĩnh nộp 50 tỷ đồng vào tài khoản của Lực, sau đó chỉ đạo Lực rút về và mở sổ tiết kiệm có kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng ACB. Cáo trạng cáo buộc các bị cáo liên đới chịu trách nhiệm về nguồn gốc 50 tỷ đồng kể trên. Trong đó, kết quả điều tra xác định khoản tiền đều do các bị cáo lấy từ tiền thanh toán mua đất nền từ các dự án bất động sản “ma” của Công ty Alibaba do Nguyễn Thái Luyện đứng đầu.
Liên quan đến Công ty CP Địa ốc Alibaba của Nguyễn Thái Luyện, TAND tỉnh Bà rịa - Vũng Tàu đã tách riêng xét xử ra sơ thẩm vụ án “cố ý làm hư hỏng tài sản” và “gây rối trật tự công cộng” tại thị xã Phú Mỹ vào tháng 6/2019 theo quy định tại khoản 1 Điều 178 và điểm a, b khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến vụ án này, có 4 cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã hầu tòa sơ thẩm và bị tuyên các mức án từ 2 năm 6 tháng tù đến 4 năm 6 tháng tù giam.
Đại diện TAND TPHCM cũng cho biết, trong vụ án xét xử cựu lãnh đạo Alibaba tới đây sẽ là vụ án lập kỷ lục trong lịch sử ngành tố tụng về số lượng bị hại với hơn 4.300 người, 1 triệu bút lục và hơn 200 người được xác định có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Cũng theo đại diện cấp sơ thẩm, vụ án hiện đã lên lịch xét xử, với bản cáo trạng lên tới 500 trang. Cơ quan TAND TPHCM cũng đã chuẩn bị căng rạp ở sân trước tòa sơ thẩm và liên thông 2 phòng xử lớn nhất để chuẩn bị khai mạc phiên sơ thẩm vụ án vào ngày 12/8 tới.